18/09/2023 14:54
Thảm họa lũ lụt ở Libya, số người chết tăng lên hơn 11.300 người, nguy cơ bùng phát dịch
Số người chết do lũ lụt tàn khốc ở Derna, Libya đã tăng lên ít nhất 11.300 người, và dự kiến vẫn còn tiếp tục tăng lên. Các đội cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm những người còn sống sót và trục vớt thi thể những nạn nhân xấu số.
Thảm họa chưa từng có
Một tuần sau khi trận lũ quét có quy mô như sóng thần tàn phá thành phố ven biển Derna của Libya, số người chết do lũ lụt tàn khốc ở Libya đã tăng lên ít nhất 11.300 người, và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng lên do vẫn chưa hoàn tất tìm kiếm nạn nhân, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố ngày 16/9.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ cho biết rằng chỉ riêng ở Derna, ít nhất 10.100 người vẫn chưa rõ tung tích. Bão Daniel gây mưa lớn nhiều ngày qua ở Libya là nguyên nhân chính gây ra trận lũ.
Các đội cứu hộ đang đối mặt với nhiều khó khăn ở thành phố Derna trong việc tìm kiếm các dấu hiệu để xác định vị trí nạn nhân dưới đống đổ nát.
Truyền thông khu vực cho biết, các thợ lặn đã thông báo phát hiện hàng chục xe ô tô chở theo các gia đình nạn nhân trên biển, đồng thời cho biết thêm nhiều gia đình đã cố gắng chạy trốn trong những giây phút đầu tiên của lũ lụt, nhưng dòng nước đã cuốn trôi họ xuống biển.
Các cơ quan cứu hộ quốc tế cho biết hầu hết các xác chết đều ở dưới nước, đồng thời kêu gọi thêm thiết bị và giúp trục vớt các thi thể nạn nhân từ Địa Trung Hải, các thi thể cũng bị mắc kẹt dưới đống bùn tại các khu dân cư hiện vẫn đông người sống ở Derna.
Người phát ngôn của Cơ quan Cứu thương và Khẩn cấp Libya, Osama Ali cho biết, ưu tiên ở giai đoạn hiện tại là tập trung vào việc khẩn trương thống kê số lượng nạn nhân và người mất tích thực tế cũng như xác định quốc tịch của họ.
Thi thể quá nhiều, chôn cất khó khăn
Bộ trưởng Nội các Libya - Adel Juma cho biết nước này đã lập Ủy ban Tử đạo với nhiệm vụ xác định người mất tích và thực hiện các thủ tục chôn cất theo luật Sharia (luật của người Hồi giáo), cũng như theo tiêu chuẩn pháp lý. Tuy nhiên việc này không dễ khi số người chết quá nhiều và không ngừng tăng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhóm viện trợ khác hôm thứ Sáu đã kêu gọi chính quyền ở Libya ngừng chôn cất nạn nhân lũ lụt trong các ngôi mộ tập thể sau khi các báo cáo cho thấy hơn 1.000 người đã được chôn cất theo cách đó kể từ khi đất nước bị lũ lụt tấn công.
Tuyên bố kêu gọi phân định ranh giới và ghi chép các ngôi mộ riêng lẻ, đồng thời cho rằng việc chôn cất vội vàng có thể dẫn đến nỗi đau tinh thần cho gia đình cũng như các vấn đề xã hội và pháp lý.
Cơ quan này nói thêm rằng thi thể của các nạn nhân bị chấn thương do thiên tai có thể gây ra mối đe dọa về sức khỏe và ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước ngọt khi xác bắt đầu phân hủy.
"Các thi thể nằm rải rác trên đường phố, trôi dạt vào bờ và bị chôn vùi dưới những tòa nhà đổ nát và mảnh vụn. Chỉ trong hai giờ, một trong những đồng nghiệp của tôi đã đếm được hơn 200 thi thể trên bãi biển gần Derna," Bilal Sablouh, Giám đốc Pháp y khu vực Châu Phi của ICRC phát biểu trong một cuộc họp ngắn ở Geneva.
Ông cho biết thêm, ICRC đã cử một chuyến bay chở hàng tới Benghazi vào thứ Sáu với 5.000 túi đựng thi thể. Theo CNN đưa tin, các thi thể đang bị phân hủy nghiêm trọng trên biển. Nhiều thi thể mắc kẹt ở các khu vực chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền.
Lutfi al-Misrati, giám đốc nhóm tìm kiếm, nói với Al Jazeera: "Chúng tôi cần túi đựng các thi thể".
Con số thương vong dự kiến tiếp tục tăng lên khi các đội cứu hộ vẫn đang nỗ lực làm việc sau một tuần xảy ra thảm họa. Ảnh: CTV News/ Taarifa
"Số người chết rất nhiều. Hiện nay, với tình hình nhân lực và vật lực này, không thể nào xử lý hoặc chôn cất những thi thể. Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ nhân đạo phù hợp, giúp cất giữ những thi thể này vào tủ đông, để tiến hành xác định DNA của những thi thể này" - bác sĩ Aisha, một tình nguyện viên tham gia cứu hộ nạn nhân tại Derna nói.
Thi thể nạn nhân nằm khắp nơi, trên biển, trong thung lũng, dưới các tòa nhà do lũ lụt ở thành phố Derna của Libya. Bộ trưởng Bộ Hàng không dân dụng Libya Hichem Chkiouat nói: "25% thành phố đã biến mất".
Đối mặt với dịch bệnh
Bảy ngày trôi qua, "mùi chết chóc tràn ngập trong không khí", một người dân sống ở Derna nói với đài truyền hình địa phương. Người dân và các nhân viên cứu hộ ở thành phố Derna đang phải vật lộn xử lý hàng nghìn thi thể của các nạn nhân lũ lụt trôi dạt khắp nơi hoặc đang phân hủy bên dưới những đống đổ nát.
Ông Ibrahim al-Arabi, bộ trưởng y tế của chính phủ miền Tây Libya có trụ sở tại thủ đô Tripoli, nói rằng ông chắc chắn nguồn nước ngầm đã bị ô nhiễm do các thi thể người, xác chết động vật, rác thải và các chất hóa học khác lẫn vào nguồn nước.
"Chúng tôi kêu gọi mọi người không đến gần giếng nước ở Derna", ông Ibrahim lưu ý.
Tình hình nhân đạo ở khu vực miền Đông Libya ngày càng xấu đi, đặc biệt ở thành phố Derna. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia thuộc Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya, Haider Al-Sayeh, đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong một năm ở tất cả các khu vực phía đông.
Một vấn đề khác gây lo ngại là thành phố thiếu nước sạch. Lũ làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, khiến người dân có nguy cơ uống phải nước nhiễm khuẩn.
Cơ quan Y tế thuộc Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya cho biết đã ghi nhận khoảng 150 trường hợp bị ngộ độc do nguồn nước uống bị ô nhiễm. Chính quyền Libya kêu gọi người dân thành phố Derna không nên sử dụng nước ngầm có khả năng bị ô nhiễm, thay vào đó chỉ sử dụng nước đóng chai.
OCHA cho biết rằng hàng nghìn người Libya đang sơ tán và nguy cơ tiếp xúc với bom mìn và vật liệu nổ chiến tranh còn sót lại sau nhiều năm xung đột đang tăng lên. Nước lũ đã cuốn theo bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.
Những người vô gia cư đang sống sót trong những nơi trú ẩn tạm bợ, trường học hoặc chen chúc vào nhà người thân hoặc bạn bè. Gần 300.000 trẻ em hứng chịu lũ lụt phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tả, suy dinh dưỡng, tiêu chảy, mất nước, bạo lực và bóc lột ngày càng tăng cao.
Những cơn mưa lớn do bão Daniel gây thiệt hại nặng nề ở miền Đông Libya vào tối 10/9, phá hủy 2 con đập gần thành phố ven biển Derna, khiến nước tràn vào thung lũng. Con số thiệt mạng sẽ tiếp tục tăng do vẫn còn khoảng 10.100 người mất tích.
Theo hãng thông tấn Anadolu, lũ lụt do bão Daniel gây ra là thảm họa chưa từng có ở khu vực Maghreb, thế giới Arab hay thậm chí trên toàn cầu trong thế kỷ XXI.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths nhận định, tác động của biến đổi khí hậu và thiếu năng lực ứng phó khẩn cấp trước thảm họa là hai nguyên nhân chính khiến hàng nghìn người thiệt mạng trong thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại tại Libya.
(Nguồn: Reuters/CNA/NBC News)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement