26/06/2023 16:55
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cấn nợ cho nhà thầu bằng cổ phiếu
Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã CK: HBC) đã cấn trừ nợ bằng cổ phiếu cho 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ với giá trị 650 tỷ đồng, tính đến ngày 23/6/2023.
Trước đó vào tháng 3/2023, khi hàng loạt nhà thầu phụ đòi ngưng thi công do không được thanh toán, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã đưa ra phương án trả nợ bằng bất động sản, nhưng không được chấp nhận.
Với đợt cấn trừ nợ bằng cổ phiếu lần này, Chủ tịch HBC khẳng định khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi lũy kế lên đến 2.059 tỷ đồng, thì vốn chủ sở hữu của Hòa Bình không những sẽ trở lại như cũ mà còn cao hơn nhiều so với những năm trước.
Theo thông tin từ Hòa Bình, đơn vị kiểm toán đã căn cứ vào tuổi nợ để xác định giá trị trích lập dự phòng. Thực tế trong suốt lịch sử kinh doanh của mình, Hòa Bình chưa hề xoá bất cứ một khoản nợ nào. Hầu hết các khoản nợ đã từng trích lập trước đây đều đã được hoàn nhập.
Được biết chỉ còn vài ngày nữa là hết nửa năm 2023, nhưng Hòa Bình vẫn chưa nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán, dẫn đến cổ phiếu bị hạn chế giao dịch.
Tập đoàn Hòa Bình thực hiện nhiều phương án để cải thiện hoạt động kinh doanh sau khi bước ra khỏi cuộc "nội chiến" với hàng loạt nhân sự cấp cao được thay thế.
Tập đoàn này cũng công bố nhiều kế hoạch trọng tâm, trong đó có việc mua 75% phần vốn góp của Bất động sản Thành Ngân, nâng tỉ lệ sở hữu vốn tại dự án 127 An Dương Vương (quận 6, TP.HCM) lên 100%, với giá 564 tỉ đồng. Để thực hiện thương vụ trên, doanh nghiệp dự kiến phát hành 47 triệu cổ phiếu HBC với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá trên sàn chứng khoán.
Mới đây, trước thềm đại hội, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT vừa công bố thông tin nhận trách nhiệm về khoản lỗ 2.572 tỷ đồng của Xây dựng Hòa Bình trong năm 2022.
Những biến động tiêu cực của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng suốt những năm qua khiến các doanh nghiệp xây dựng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, trong đó có Hòa Bình. Năm 2022, với doanh thu 14.154 tỷ đồng, lần đầu tiên Hòa Bình báo lỗ và lỗ đến 2.572 tỷ đồng. Riêng phần trích lập dự phòng cho các khoản nợ phải thu ngắn hạn khó đòi lên đến trên 2.059 tỷ đồng.
Với vai trò là người đứng đầu Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ông Hải xin nhận trách nhiệm khi chưa làm tròn nghĩa vụ đưa HBC phát triển như kỳ vọng, theo đúng tầm nhìn chiến lược đã xác định, chưa xứng đáng với niềm tin và lòng mong mỏi của cổ đông.
Ông cũng xin nhận trách nhiệm của người giữ vị trí cao nhất trong tập đoàn khi để xảy ra một số sự việc đáng tiếc ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Ban lãnh đạo và thương hiệu Hòa Bình lâu nay.
Về tình hình kinh doanh của Hòa Bình, trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022, doanh thu thuần đạt 3.218 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, lỗ gộp 426 tỷ đồng.
Trong quý, hoạt động tài chính ghi nhận mức âm 112 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng lên tới 496 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần, chủ yếu do trích lập dự phòng phải thu khó đòi tới 358 tỷ đồng. Điều này đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1.214 tỷ đồng – lần đầu tiên âm kể từ quý 3/2020.
Kết quý 4/2022, Hòa Bình báo lỗ trước thuế 1.215 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 47 tỷ đồng; lỗ sau thuế 1.202 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 19 tỷ đồng. Đây là quý lỗ đầu tiên kể từ quý 2/2009 và là quý lỗ nặng nề nhất trong lịch sử của Hòa Bình.
Với kết quả này, thành quả trong 3 quý trước đó cũng không thể bù đắp nổi kết quả cho quý 4, khiến lũy kế năm 2022, doanh thu thuần đạt 14.122 tỷ đồng, tăng 24%, song lợi nhuận gộp chỉ đạt 258 tỷ đồng, giảm 69% so với năm trước.
Cũng do quý 4 ghi nhận doanh thu âm, nên doanh thu hoạt động tài chính cả năm chỉ còn 158 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính lên tới 521 tỷ đồng (tăng 72%) và chi phí quản lý tới 939 tỷ đồng (tăng 2,3 lần).
Kết quả năm 2022, doanh nghiệp lỗ trước thuế 1.102 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 148 tỷ đồng; lỗ sau thuế 1.140 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 97 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hòa Bình lỗ sau thuế và lại lỗ rất đậm.
Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Hòa Bình đạt 16.926 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là sự sụt giảm mạnh của khoản tiền và tương đương tiền, giảm 33%, còn 493 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh gần đây nhất, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, Tập đoàn Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.190 tỉ đồng, giảm tới 60% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 2023 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp