24/06/2022 07:30
Tại sao Trung Quốc chưa thể nổi lên thành siêu cường tài chính?
Theo tờ Financial Times của Anh, Trung Quốc chưa đạt được tiến triển trong việc vươn lên để trở thành một siêu cường tài chính.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc trên vũ đài thế giới có lẽ là câu chuyện được nhắc đi nhắc lại thường xuyên nhất trong thế kỷ này. Dấu chân kinh tế của quốc gia này đã mở rộng một cách ngoạn mục.
Phạm vi hoạt động quân sự ngày càng mở rộng của nước này gần đây cũng thu hút sự chú ý nổi bật. Tuy nhiên, theo tờ Financial Times của Anh, Trung Quốc chưa đạt được tiến triển nào trong việc vươn lên để trở thành một siêu cường tài chính.
Tờ báo này cho rằng đây là điều chưa từng xảy ra trước đây. Mỹ đã vươn lên như một thế lực kinh tế và sau đó là một cường quốc tài chính, trước khi đồng USD trở thành đồng tiền hàng đầu thế giới vào những năm 1920.
Các đế chế trước đây, từ Anh đến Bồ Đào Nha thế kỷ XV, cũng đi theo một con đường tương tự. Trung Quốc đang phá vỡ khuôn mẫu này, nhanh chóng vươn lên thành một thế lực kinh tế, nhưng lại không trở thành một cường quốc tài chính.
Làm như vậy, Trung Quốc đang đi ngược lại những kỳ vọng. Hai thập kỷ trước, khi Trung Quốc mở cửa với thương mại toàn cầu, nước này dường như đi đúng hướng để trở thanh một thế lực kinh tế và tài chính toàn cầu.
Vào khoảng năm 2010, Trung Quốc bắt đầu quảng bá những tham vọng tài chính của mình - trong đó bao gồm cả việc thiết lập đồng nhân dân tệ (NDT) làm một đồng tiền toàn cầu. Một sự tiến bộ mạnh đã đến khi đó, nhưng sau đó là sự thụt lùi.
Kể từ năm 2000, phần đóng góp của Trung Quốc trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đã tăng gần 5 lần, từ 4% lên 18%, và thị phần thương mại toàn cầu của nước này đã tăng 4 lần lên 15%. Không một nền kinh tế nào khác có tốc độ phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán của nước này vẫn nằm trong số những thị trường hoạt động kém nhất thế giới.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã gây ra một sự tưởng tượng phổ biến đến nỗi nhiều nhà phân tích vẫn thấy ở khắp mọi nơi. Họ mô tả tỷ lệ 3% nhỏ bé của đồng NDT trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương toàn cầu là tiến bộ nhanh chóng vì cách đây 5 năm đồng tiền này mới chỉ chiếm 1%.
Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ tương tự với đồng tiền của các nền kinh tế nhỏ hơn nhiều như Canada hoặc Australia, và thấp hơn nhiều so với những gì các nhà phân tích đã dự báo.
Bên cạnh đó là rào cản lòng tin. Người nước ngoài cảnh giác với tình trạng chính phủ can thiệp và quản lý đồng nội tệ, nhưng quan trọng hơn, người Trung Quốc cũng không tin tưởng hệ thống tài chính của chính họ. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã in quá nhiều tiền để kích thích tăng trưởng. Nguồn cung tiền này hiện làm suy yếu nền kinh tế và các thị trường.
Số vốn đó có thể tháo chạy khi có cơ hội. Cách đây 7 năm, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với dòng tiền rút ra lớn, chính phủ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn dòng vốn tháo chạy. Các biện pháp này vẫn chưa được gỡ bỏ.
Thay vào đó, Trung Quốc đã quay sang hướng nội về mặt tài chính. Kể từ năm 2015, tỷ trọng các giao dịch ngân hàng quốc tế thanh toán bằng đồng nhân dân tệ thông qua hệ thống thanh toán tài chính quốc tế SWIFT đã giảm 1/5, từ mức vốn đã không đáng kể là dưới 3%.
Một chỉ số được theo dõi rộng rãi là xếp hạng 165 quốc gia theo độ mở của tài khoản vốn, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 106, ngang với các quốc gia nhỏ bé như Madagascar và Moldova.
Trong khi các nhà đầu tư Trung Quốc bị hạn chế đầu tư ra nước ngoài, người nước ngoài sợ hãi rời xa Trung Quốc bởi những nỗ lực thất thường của chính phủ nước này nhằm kiểm soát thị trường. Điều đó giúp giải thích tại sao không giống như ở các quốc gia khác, chứng khoán ở Trung Quốc không tăng và giảm theo tăng trưởng kinh tế.
Nhà kinh tế Jonathan Anderson gần đây đã viết rằng, khi xem xét biến động về giá và sự rộng lớn của nguồn cung tiền so với các thị trường, Trung Quốc ít giống các thị trường mới nổi như Brazil và Thái Lan hơn so với các thị trường biên như Kazakhstan hoặc Nigeria.
Người nước ngoài sở hữu khoảng 5% cổ phiếu ở Trung Quốc, so với 25-30% ở các thị trường mới nổi khác và khoảng 3% trái phiếu ở Trung Quốc, so với khoảng 20% ở các quốc gia đang phát triển khác.
Sự nghi ngờ toàn cầu đối với các thị trường của Trung Quốc đã hạn chế sức hấp dẫn của đồng NDT. Ngày nay, hơn một nửa số quốc gia trên thế giới sử dụng đồng USD làm mỏ neo mềm để quản lý đồng tiền của họ. Không quốc gia nào sử dụng đồng NDT. Khoảng 90% các giao dịch ngoại hối liên quan đến USD, trong khi chỉ 5% sử dụng đồng NDT.
Điều này khác với những câu chuyện thành công mà Trung Quốc tìm cách mô tả. Trong thời kỳ bùng nổ những năm 1980, Nhật Bản đã vươn lên thành một cường quốc cả về tài chính và kinh tế. Đồng yen và chứng khoán của Nhật Bản đã phản ánh sức mạnh đó và Tokyo nổi lên thành một trung tâm tài chính toàn cầu.
Ngày nay, đồng NDT không được coi là nơi trú ẩn an toàn, chứng khoán Trung Quốc suy giảm và không thành phố nào của Trung Quốc có vai trò lớn hơn một trung tâm tài chính khu vực.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement