11/04/2017 11:17
Tại sao nông sản liên tục rớt giá?
Các mặt hàng nông sản liên tiếp rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Vì sao tình trạng này luôn tái diễn? Các chuyên gia kinh tế và giá cả thị trường đưa ra các nguyên nhân cho vấn đề này.
Vào đầu tháng 2/2017, chiến dịch “giải cứu” chuối Đồng Nai kéo dài một thời gian. Đến tháng 4/2017 lại tái diễn chiến dịch “giải cứu” dưa hấu Quãng Ngãi. Người dân lo lắng số phận nông sản trong thời gian sắp tới.
Còn kém nhiều mặt...
"Sản lượng nông sản trên thế giới tăng làm cho mức cung vượt cầu" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh. Theo chuyên gia, trước kia thị trường nông sản Việt Nam rất bình ổn. Tuy nhiên thời gian gần đây nông sản Việt Nam khó cạnh tranh với nông sản các nước khác cả về chất lượng cũng như uy tín.
Giải thích nguyên nhân này, ông Hiếu chia sẻ, nông nghiệp Việt Nam chưa áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới về trồng trọt, chế biến và sản xuất nông sản.
Đồng thời, "chi phí sản xuất vẫn còn cao" do nền nông nghiệp chưa được công nghiệp hóa. Tức là nền nông nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nông dân với qui mô hoạt động nhỏ.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thẳng thắn chia sẻ, "mặc dù chính phủ có rất nhiều đề án, hội thảo, nhưng thực sự chưa có giải pháp hiệu quả. Đây là một bài toán cần có lời giải"
Để lý giải bài toán này thì đòi hỏi nền nông nghiệp phải thực hiện liên hoàn các quá trình gồm nhiều khâu: từ khâu chọn giống, sản xuất, tiêu thụ, đến khâu chế biến. Các khâu có tác động hỗ trợ với nhau mà mục đích cuối cùng là làm tăng giá trị gia tăng, chứ không chỉ đơn thuần chỉ quan tâm trên thị trường đầu ra.
Ông Long giải thích: "Thị trường đầu ra là kết quả cuối cùng của tổng hợp tất cả các yếu tố. Trong khi đó nước ta chưa tìm được thị trường đầu ra ".
Chất lượng hàng hóa ở nước ta chưa được đảm bảo, đặc biệt là hàng nông sản. Hiện nay, nước ta chỉ mới đáp ứng được thị trường “dễ tính”, còn thị trường chất lượng cao thì chưa thực hiện được.
Hiện nay, nhiều nông dân làm theo phong trào, không kí kết hợp đồng với doanh nghiệp, không kết hợp với Nhà nước. Mặt khác, từ khâu chọn giống, sản xuất, chế biến, bảo quản đến khâu tiêu thụ thì chưa được làm một cách đồng bộ.
Chính vì vậy mà giá cả và chất lượng nông sản không có tính cạnh tranh trong thị trường khu vực và trên thế giới. Do đó, nông sản nước ta đang gặp thách thức lớn.
Khổ nhất vẫn là dân
Hàng trăm bạn đọc bày tỏ ra vừa đồng cảm vừa bức xúc khi tình trạng nông sản liên tục rớt giá. Chị Quỳnh Chi chia sẻ: “Bao nhiêu công sức và thời gian bỏ ra để trồng trọt, nhưng cuối cùng thương lái không mua. Thật tội nghiệp cho những người nông dân, mong thời gian tới giá lại cao hơn để lấy lại nguồn vốn”.
Điệp khúc được mùa mất giá cứ diễn ra, do chúng ta chưa giải quyết được bài toán cung-cầu, là ý kiến của anh Tuấn Vinh (An Giang).
Trong khi đó anh Thành Công bức xúc: “Thiết nghĩ lãnh đạo và các sở,ban,ngành có liên quan của các địa phương có diện tích và sản lượng nông nghiệp lớn phải thật sự quan tâm, có quyết sách cụ thể trong việc định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thì mới chấm dứt được tình trạng này”.
Về phía nông dân, Hiệp hội nông dân cũng như các đơn vị quản lý nông nghiệp nên có hướng dẫn, tư vấn cho người dân, không để họ trồng cây, chăn nuôi theo kiểu "mì ăn liền", trồng cây theo phong trào để rồi không có đầu ra, mất trắng.
"Giải cứu" chỉ mang tính tạm thời
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, những cách "giải cứu" một số hàng nông sản trong thời gian vừa qua chỉ mang tính chất tạm thời, không giải quyết được vấn đề.
Cùng quan điểm đó, TS Ngô Trí Long cho biết, việc giải cứu là một biện pháp tình thế, chứ không áp dụng mãi như thế được.
"Chúng ta không thể nào cứ tiếp tục giải cứu khi mặt hàng nông sản gặp chuyện này, chuyện kia. Chỉ có thể giải cứu trong chốt lát để nông dân có thể bán lại sản phẩm bù lại sự thiệt hại phần nào", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.
Ông Hiếu cho biết thêm, nếu trong những năm sắp tới nông sản tiếp tục rớt giá thì phương án "giải cứu" này sẽ không thành công. Cuộc “giải cứu” càng về sau người dân cũng thấy "ê chề với việc giải cứu", họ sẽ không hợp tác để tiếp tục trồng trọt và sản xuất. Ngay Chính phủ cũng không còn nguồn lực mà "giải cứu".
Kế hoạch hóa lại thị trường nông nghiệp
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, "phải có kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp cho cả đất nước". Việc này nằm trong tầm vĩ mô nên ngành nông nghiệp phải được công nghệ hóa bằng cách: sản xuất và chế biến phải có phải quy hoạch, đưa ngành nông nghiệp vào phát triển mới với công nghệ tiên tiến của thế giới.
Ông Hiếu còn cho biết thêm, nông sản nước ta cần quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường thế giới mang tính cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá cả và cách phục vụ khách hàng trên thế giới.
Ngoài ra, cần phải kết hợp 4 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, đó mới là điều quan trọng. Ông Long chia sẻ.
Tránh hiện tượng "coi trọng ngoại, coi thường nội"
Tiêu thụ sản phẩm phải có sự công bằng đối với khách hàng trong nước và nước ngoài.
Ở Nhật, hàng tiêu dùng nội địa luôn được ưu tiên xong mới đến hàng xuất khẩu. Chính vì vậy, nói đến hàng nội địa người Nhật rất yên tâm về hàng tiêu dùng trong nước. Trong khi đó ở Việt Nam, những "trái ngon" thì đưa đi xuất khẩu.
Advertisement
Advertisement