21/09/2021 16:57
Tại sao các nước vẫn muốn có vaccine Trung Quốc?
Mặc dù vaccine Trung Quốc được cho là kém hiệu quả hơn so với vaccine của các phương Tây, nhưng nhiều quốc gia đang phát triển vẫn tranh nhau nguồn cung vaccine này.
Kể từ khi Trung Quốc phê duyệt 2 loại vaccine COVID-19 sử dụng khẩn cấp vào năm ngoái, quốc gia này đã nhanh chóng mở rộng sản xuất để trở thành nhà xuất khẩu vaccine lớn nhất thế giới.
Ngoài việc tiêm chủng đầy đủ cho hơn 1 tỷ dân trong nước, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 1 tỷ liều vaccine, ước tính tổng lượng xuất khẩu vaccine có thể đạt 2 tỷ liều trong năm nay.
Tuy nhiên, sự vươn lên của Trung Quốc để trở thành nhân tố chính trong thị trường vaccine COVID-19 đã gặp nhiều tranh cãi. Nguyên nhân chủ yếu là do dữ liệu về các thử nghiệm giai đoạn cuối của vaccine còn thiếu minh bạch.
Việc sử dụng công nghệ truyền thống để chế tạo vaccine bất hoạt toàn phần (WIV) đã mang lại lợi thế cho Trung Quốc về tốc độ sản xuất. Những liều vaccine này là công cụ giúp giảm tử vong và các triệu chứng nghiêm trọng, nhưng chúng kém hiệu quả hơn so với liều vaccine sử dụng nền tảng tiên tiến như vaccine mRNA hay tiểu đơn vị protein.
Khi có nhiều sự lựa chọn hơn về vaccine, một số nước đang phát triển đã chuyển sang các nhà cung cấp khác, do lo ngại về hiệu quả của các mũi tiêm Trung Quốc trong bối cảnh biến thể Delta lan rộng.
Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp vaccine hàng đầu cho các nước đang phát triển trong tương lai gần. Tuy nhiên, để trở thành nhà cung cấp vaccine lớn với các công nghệ tiên tiến hơn như mRNA, thì sẽ phụ thuộc vào cách Trung Quốc kiểm tra các ứng viên vaccine mới và xác minh dữ liệu.
Cung và cầu
Vaccine Trung Quốc được săn đón nhiều trong nửa đầu năm nay, khi các nước phương Tây tập trung vào nhu cầu nội địa của họ.
Tuy nhiên trong những tháng gần đây, một số khách hàng lớn của Trung Quốc, trong đó có Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain, đã sử dụng các loại vaccine khác để tiêm mũi thứ 3.
Thái Lan cũng đang tiêm trộn vaccine Sinovac Trung Quốc với vaccine AstraZeneca.
Theo báo cáo, Nam Phi đã từ chối 2,5 triệu liều vaccine Sinovac do Cơ chế Covax phân phối. Trong khi đó, Nigeria cho rằng 8 triệu liều vaccine Sinopharm được nhận, do Liên hợp quốc hỗ trợ, chỉ là những mũi tiêm "tiềm năng".
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vaccine bất hoạt của Trung Quốc sẽ tiếp tục là nguồn cung cấp chính cho các nước đang phát triển.
"Với sự thiếu hụt nguồn cung hiện nay, hàng tỷ liều WIV từ Sinopharm, Sinovac và Bharat (Biotech của Ấn Độ), khi được WHO phê duyệt, sẽ rất quan trọng cho việc tiêm chủng trên toàn cầu", Jerome Kim, Tổng giám đốc của Viện vaccine quốc tế, cho biết.
“Bây giờ chúng ta cần tiêm chủng cho 8 tỷ người, nên chúng ta cần mọi loại vaccine mà WHO đã phê duyệt, đặc biệt là những loại có thể dễ dàng bảo quản trong thời gian dài", ông nói thêm.
Bất chấp tỷ lệ hiệu quả thấp hơn, vaccine tiểu đơn vị protein của Trung Quốc và vaccine vectơ do Đại học Oxford phát triển (AstraZeneca), rất quan trọng đối với các nước đang phát triển. Vì nhiều quốc gia thiếu cơ sở hạ tầng để bảo quản vaccine mRNA, vốn phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 20 đến âm 70 độ C (âm 4 đến âm 94 độ F).
Huang Yanzhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Seton Hall ở New Jersey, cho biết vaccine Trung Quốc sẽ tiếp tục có nhu cầu cao, đặc biệt là khi một số nước phương Tây bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho dân số, làm căng thẳng thêm nguồn cung vaccine mRNA.
Cho đến nay, 1/3 dân số thế giới đã được tiêm chủng đầy đủ, nhưng ở các nước thu nhập thấp, con số này là dưới 1%.
Chạy đua giao vaccine
Trung Quốc xuất khẩu vaccine của mình sang các nước khác một cách nhanh chóng.
“Tôi nhận thấy một số quốc gia tiếp tục sử dụng vaccine của Trung Quốc một phần là vì Hoa Kỳ chậm giao vaccine”, ông Huang nói.
Ông cho biết sự gia tăng đột biến các ca nhiễm do biến thể Delta gây ra cũng khiến các quốc gia nôn nao hơn, và quyết định sử dụng bất kỳ loại vaccine nào mà họ có thể tiêm được, bao gồm cả vaccine của Trung Quốc.
Theo Bridge Consulting có trụ sở tại Bắc Kinh, tính đến tháng 9, Trung Quốc đã bán 1,24 tỷ liều vaccine ra thị trường nước ngoài, so với 66 triệu liều vaccine để tặng. Trung Quốc đã hứa sẽ tặng 100 triệu liều cho Cơ sở Covax vào cuối năm nay.
Kate O'Brien, giám đốc bộ phận tiêm chủng, vaccine và sinh phẩm của WHO, cho biết tuần trước đã có sự chậm trễ trong việc giao các liều vaccine Trung Quốc cho Covax, nhưng vấn đề này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc.
Bà nói: “Cũng có những vấn đề ở Trung Quốc trong việc vận chuyển vaccine ra khỏi đất nước vì vận tải hàng không và các lý do khác".
O'Brien không nêu tên cụ thể các quốc gia nhưng bà kêu gọi các nhà tài trợ vaccine nên minh bạch về lịch trình sản xuất và vận chuyển.
Cạnh tranh công nghệ sản xuất vaccine mới
Theo các chuyên gia, vaccine tiểu đơn vị protein vẫn có tiềm năng trở thành một lựa chọn quan trọng cho các nước đang phát triển.
John Moore, giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Y Weill Cornell ở New York, cho biết vaccine protein có thể hữu ích cho các nước đang phát triển vì chúng có thể được vận chuyển ở nhiệt độ 4 độ, bỏ qua các phương tiện bảo quản lạnh đặc biệt.
“Vaccine Novavax (dựa trên protein) đã được chứng minh là rất hiệu quả trong các thử nghiệm giai đoạn 3 của Mỹ và Anh. Vì vậy, nó có thể được phê duyệt vào cuối năm… Một loại vaccine protein trong các thử nghiệm lâm sàng có thể cũng sẽ thành công”, ông nói. "Vì vậy, cả hai có thể sẽ hữu ích trên toàn cầu, nếu có thể khắc phục các vấn đề sản xuất".
Trung Quốc cũng đang tích cực phát triển các loại vaccine sử dụng các công nghệ tiên tiến này, bao gồm vaccine mRNA và vaccine protein.
Tại một hội chợ thương mại hồi đầu tháng, Sinopharm đã trưng bày 4 loại vaccine thế hệ thứ hai của mình, trong đó có một loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA tiên tiến vẫn đang được nghiên cứu.
Một loại vaccine mRNA khác do Học viện Khoa học Quân y, Khoa học Sinh học Thổ dân Tô Châu và Công nghệ Sinh học Walvax hợp tác phát triển, dự kiến sẽ được sản xuất hàng loạt vào tháng tới. Các công ty đang mong đợi dữ liệu hiệu quả vào cuối năm nay.
Trung Quốc đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine protein đầu tiên của mình, được phát triển bởi Chongqing Zhifei Biological Products, cho biết nó có hiệu quả hơn 81% trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, nhưng không đưa ra chi tiết về dữ liệu.
Ông Huang cho biết, một số quốc gia có thu nhập thấp có thể lo ngại về việc sử dụng vaccine Zhifei vì nó yêu cầu tiêm 3 liều.
Vaccine mRNA chứa thành phần của virus SARS-CoV-2 giúp tế bào nhận diện được protein ngoại lai, chỉ đặc hiệu cho mỗi loại virus. Sau khi tạo ra các bản sao của protein virus, tế bào của cơ thể sẽ phá hủy các vật chất di truyền từ vaccine.
Sau đó, cơ thể sẽ nhận diện được các protein ngoại lai này và tạo ra tế bào lympho T và lympho B. Các tế bào này sẽ ghi nhớ cách tiêu diệt virus nếu cơ thể tiếp xúc với chúng trong tương lai.
Vaccine tiểu đơn vị protein chỉ chứa các protein của virus, thay vì toàn bộ virus như thông thường. Sau khi tiêm vaccine, cơ thể sẽ nhận diện được protein ngoại lai và tạo ra các tế bào lympho T, cũng như kháng thể. Cơ thể sẽ ghi nhớ cách chống lại virus COVID-19 nếu tiếp xúc với chúng trong tương lai.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp