15/03/2023 10:59
SVB sụp đổ có dẫn đến khủng hoảng tài chính như đã từng xảy ra vào năm 2008?
Các nhà kinh tế coi cuộc khủng hoảng kiểu Lehman Brothers là khó xảy ra mặc dù có những lo lắng sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) có trụ sở tại California, vụ sụp đổ gây chấn động giới tài chính và công nghệ.
Vào hôm thứ Sáu tuần trước, các nhà quản lý Hoa Kỳ đã tịch thu tài sản của SVB sau khi những người gửi tiền bắt đầu rút tiền hàng loạt trong bối cảnh lo ngại về sức khỏe tài chính của ngân hàng này..
Kể từ thời điểm đó, các cơ quan quản lý tài chính trên khắp thế giới đã chạy đua để ngăn chặn hậu quả từ vụ phá sản ngân hàng lớn nhất ở Mỹ kể từ năm 2008, đồng thời củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính toàn cầu.
Vì sao SVB sụp đổ?
Đúng như tên gọi của SVB, hoạt động kinh doanh của ngân hàng tập trung chủ yếu vào các công ty khởi nghiệp công nghệ của Mỹ. Trong đại dịch COVID-19, ngân hàng này đã chứng kiến sự gia tăng tiền gửi khi các công ty công nghệ thu lợi từ việc cung cấp dịch vụ giải trí và giao hàng do các đợt phong tỏa.
SVB đã đầu tư phần lớn số tiền mặt này vào trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ — theo truyền thống, đây là một trong những loại hình đầu tư an toàn nhất.
Rắc rối của SVB bắt đầu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất vào năm ngoái để đối phó với lạm phát tăng cao, khiến giá trị của những trái phiếu đó giảm xuống.
Khi điều kiện kinh tế của lĩnh vực công nghệ trở nên khó khăn hơn sau đại dịch, nhiều khách hàng của SVB bắt đầu rút tiền để duy trì hoạt động. Thiếu tiền mặt, SVB buộc phải bán trái phiếu của mình với mức lỗ lớn, gây lo ngại về sức khỏe tài chính của ngân hàng.
Trong vòng 48 giờ, những người gửi đã hoảng sợ và đua nhau rút đủ tiền và điều này đã dẫn đến sự sụp đổ.
"SVB sụp đổ vì một sai lầm ngớ ngẩn là họ đầu tư tiền gửi ngắn hạn vào trái phiếu dài hạn. Khi lãi suất tăng, giá trị của trái phiếu giảm xuống, xóa sạch vốn chủ sở hữu", James Angel, chuyên gia về điều tiết thị trường tài chính toàn cầu tại Đại học Georgetown, nói.
"Đây chính là hiện tượng đã xóa sổ lĩnh vực tiết kiệm và cho vay ở Mỹ vào những năm 1980. Một số người đã không rút kinh nghiệm từ việc đó".
Campbell R Harvey, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Fuqua của Đại học Duke, nói rằng những khó khăn của SVB là một bài học về sự cần thiết của các ngân hàng để đa dạng hóa tài sản của họ.
Harvey nói: "Có vẻ như nó phục vụ cho một nhóm khách hàng cụ thể và tất cả chúng ta đều biết rằng công nghệ đã bị ảnh hưởng - và nếu bạn không đa dạng hóa, bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng".
"Hợp đồng cho vay của bạn cần được đa dạng hóa", Harvey nói thêm. "Không rõ là ngân hàng này thực sự đã làm điều này hay không?", ông nói thêm.
Hậu quả của sự sụp đổ của SVB cho đến nay là gì?
Hai ngày sau sự sụp đổ của SVB, các nhà quản lý Mỹ đã tịch thu tài sản của Signature Bank, một ngân hàng khác có trụ sở tại New York nổi tiếng với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tiền điện tử, đánh dấu sự thất bại trong lĩnh vực ngân hàng lớn thứ ba trong lịch sử ngành tài chính Mỹ.
Trong nỗ lực ngăn chặn sự sụp đổ, các nhà quản lý đã thông báo vào Chủ nhật rằng họ sẽ đảm bảo tất cả các khoản tiền gửi ở cả ngân hàng này.
Fed cũng tiết lộ một chương trình Tài trợ có kỳ hạn cho Ngân hàng (BTFP) nhằm củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính bằng cách cho các ngân hàng lựa chọn vay trực tiếp từ Fed để tránh phải phụ thuộc vào việc bán trái phiếu thua lỗ.
Tổng thống Joe Biden đã tìm cách đảm bảo với công chúng rằng tình hình đã được kiểm soát khi nói rằng: "Người Mỹ có thể tin tưởng rằng hệ thống ngân hàng an toàn".
Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng, bao gồm cả cổ phiếu của "tứ đại gia" của Mỹ - JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo và Citibank - đã giảm mạnh trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan trong lĩnh vực tài chính.
First Republic Bank, một ngân hàng hạng trung có trụ sở tại San Francisco, California, đã chứng kiến giá cổ phiếu của mình sụt giảm hơn 60%.
Cổ phiếu ngân hàng ở châu Âu và châu Á cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Tại Vương quốc Anh, các cơ quan tài chính thông báo họ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán một chi nhánh của SVB cho HSBC, ngân hàng lớn nhất châu Âu, để bảo vệ khoản tiền gửi 6,7 tỷ bảng Anh (8,1 tỷ USD).
Các cơ quan quản lý của Canada tuyên bố họ đã tạm thời nắm quyền kiểm soát chi nhánh SVB tại nước này, trong khi Cơ quan giám sát tài chính Đức cho biết họ đã tạm thời đóng cửa chi nhánh địa phương của SVB.
SVB quan trọng như thế nào đối với ngành ngân hàng?
SVB là ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ và được mô tả là nhà cho vay hạng trung hơn chứ không phải là nhà cho vay chủ lực
"Đó là một ngân hàng khác thường ở chỗ nó không phải là một trong những ngân hàng lớn, mặc dù nó rất quan trọng", Harvey nói.
Tính đến tháng 12, SVB có tài sản trị giá 209,0 tỷ USD và tổng số tiền gửi là 175,4 tỷ USD, theo Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ.
Để so sánh, JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất ở Mỹ, năm ngoái có tài sản trị giá 3,67 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, SVB đã có ảnh hưởng lớn trong hệ sinh thái công nghệ. Ngân hàng này có mối quan hệ tốt trong giới thượng lưu ở Thung lũng Silicon và có tiếng là hậu thuẫn cho các công ty khởi nghiệp mà các tổ chức lớn hơn có thể coi là quá rủi ro khi cho vay.
Sự thất bại của SVB được cho là đã khiến một số giám đốc điều hành công nghệ tranh nhau thay đổi ngân hàng và đưa ra các lựa chọn để trả lương cho nhân viên trong bối cảnh lo ngại họ sẽ không thể truy cập vào số tiền của mình.
Mặc dù khách hàng của SVB cuối cùng đã được đảm bảo tiền gửi, nhưng toàn bộ tác động của việc cho vay bùng nổ đối với bối cảnh khởi nghiệp có thể không rõ ràng trong một thời gian.
Liệu sự sụp đổ của SVB có gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính như năm 2007-2008?
Trong khi hậu quả của việc SVB sự sụp đổ vẫn đang diễn ra, các nhà kinh tế đều nhất trí rằng sự thất bại của nó khác biệt rõ rệt với sự sụp đổ của các tổ chức tài chính, chẳng hạn như Bear Stearns và Lehman Brothers, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.
Không giống như các tổ chức như Lehman Brothers, hoạt động kinh doanh của SVB tập trung vào một lĩnh vực và có tương đối ít giao dịch với các ngân hàng khác.
"Tình hình SVB chắc chắn khiến mọi người lo lắng nhưng tôi không nghĩ nó có khả năng biến thành tình huống kiểu Lehman, đặc biệt là khi Fed đã can thiệp mạnh mẽ, bao gồm cả việc hứa hẹn sẽ bảo vệ ngay cả những khoản tiền gửi không được bảo hiểm", David Skeel, Giáo sư về doanh nghiệp luật tại Trường Luật Đại học Pennsylvania, nói.
"Tôi nghĩ rằng bất kỳ hậu quả trực tiếp nào cũng có khả năng trở nên rõ ràng khá nhanh chóng, mặc dù chắc chắn có thể có những ngân hàng khác đang ở trong tình trạng khó khăn tương tự do lãi suất tăng".
Quy định tài chính cũng đã được thắt chặt đáng kể kể từ cuộc khủng hoảng 2007-2008.
Angel nói: "May mắn thay, các yêu cầu về vốn tăng lên sau cuộc khủng hoảng năm 2008 dường như đang có hiệu quả".
"Các ngân hàng hiện nay được yêu cầu phải có nhiều vốn hơn trước đây, khiến chúng ít rủi ro hơn. Ngay cả những ngân hàng đã mắc phải những sai lầm khiến họ hầu hết đều mất tiền của chính mình chứ không phải của người gửi tiền".
William T Chittenden, phó Giáo sư tài chính và kinh tế tại Đại học bang Texas, cho biết ông tin rằng sự lây lan từ SVB sẽ được hạn chế.
"Với BTFP, các ngân hàng sẽ có thể vay đối với những chứng khoán đó bằng mệnh giá, cho phép các ngân hàng tránh bị lỗ khi bán chúng. Điều này sẽ cung cấp cho các ngân hàng thanh khoản mà họ cần để đáp ứng bất kỳ nhu cầu tiền mặt bất ngờ nào từ những người gửi tiền", Chittenden nói.
Ông nói thêm: "Chúng ta sẽ biết liệu điều này có hiệu quả hay không hoặc liệu SVB có bị ảnh hưởng trên diện rộng hay không trong vài ngày tới. Phần lớn các ngân hàng ở Mỹ có tài chính lành mạnh và với BTFP mới, người gửi tiền sẽ cảm thấy thoải mái".
Lehman Brothers được thành lập năm 1850 bởi ba anh em Henry, Emanuel và Mayer Lehman. Là một tập đoàn chứng khoán và tập đoàn ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của của Mỹ vào thời điểm đó. Lĩnh vực chính của tập đoàn là ngân hàng đầu tư, buôn bán cổ phiếu và trái phiếu, nghiên cứu thị trường, quản lý đầu tư, và ngân hàng tư nhân. Tập đoàn đặt trụ sở chính ở Thành phố New York, và hai trụ sở khác ở London và Tokyo, cũng như nhiều văn phòng đại diện khắp thế giới.
Ngày 15/9/2008, tập đoàn tuyên bố phá sản với khoản nợ 613 tỷ USD sau khi không có công ty nào chấp nhận mua lại. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Lehman Brothers sụp đổ do vấn đề về dòng tiền – tài sản 639 tỷ USD, về mặt kỹ thuật là quá đủ để trang trải khoản nợ 613 tỷ USD, nhưng tài sản rất khó bán nên Lehman Brothers không thể bán chủ để trả nợ đúng hạn.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp