22/01/2024 15:38
Sức hấp dẫn của vàng liệu có giảm xuống khi năm bầu cử ở châu Á sắp đến?
Giá vàng tăng vọt trong vài tháng cuối năm 2023 sau khi đợt phục hồi mạnh mẽ được khơi dậy bởi hoạt động thu mua của ngân hàng trung ương và mối lo ngại ngày càng tăng của nhà đầu tư về xung đột Israel-Hamas và Nga-Ukraina.
Ánh hào quang của vàng tỏa sáng rực rỡ trong suốt năm 2023 trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và nhu cầu về vàng có thể sẽ được thiết lập cho một năm bội thu khác khi các cuộc bầu cử sắp diễn ra trên khắp châu Á, cũng như dự kiến các ngân hàng trung ương sẽ mua thêm tài sản trú ẩn an toàn.
Đồng USD giảm và kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) càng thúc đẩy giá vàng thỏi, đạt mức cao kỷ lục 2.135,39 USD/oz trong tháng 12.
Sau chu kỳ tăng lãi suất đẩy lãi suất quỹ Fed lên mức cao nhất trong hơn 22 năm, các nhà hoạch định chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã chỉ ra ít nhất ba lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024, khi lạm phát giảm bớt từ mức cao nhất trong 40 năm được thấy trong giữa năm 2022.
Với giá vàng dao động quanh mức 2.000 USD/oz, liệu kim loại quý có dự kiến sẽ có một đợt tăng giá khác khi lãi suất bắt đầu giảm?
Từ Indonesia đến Ấn Độ, các nền dân chủ đông dân nhất thế giới sẽ tiến hành bầu cử ở châu Á trong năm nay, khu vực có truyền thống là nơi tiêu thụ vàng lớn nhất. Mỹ cũng sẽ nằm trong số 70 quốc gia khác tổ chức bầu cử.
"Tất cả các cuộc bầu cử đều quan trọng. Nhưng một số cuộc bầu cử có khả năng ảnh hưởng đến các vấn đề thế giới nhiều hơn những cuộc bầu cử khác", ông Shaokai Fan - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Giám đốc Toàn cầu về ngân hàng trung ương của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) nhấn mạnh rằng giá vàng đã tăng vào cuối tuần qua khi Đài Loan tổ chức bầu cử.
Ông Fan cho biết, trước cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái, nhu cầu địa phương đối với kim loại quý đã tăng lên do sự bất ổn chung gây ra sự biến động của đồng nội tệ lira, buộc chính quyền địa phương phải can thiệp.
Nhưng ông nói thêm rằng giá cả toàn cầu được xác định bởi một số yếu tố và cuộc bầu cử như cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một yếu tố.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố các biện pháp vào tháng 5 năm ngoái nhằm hạn chế nhu cầu vàng của các hộ gia đình và ngăn họ rút tiền mặt, trong bối cảnh lo ngại việc mua vàng sẽ làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng thương mại của đất nước.
Căng thẳng địa chính trị đã giữ giá vàng trên mức 2.000 USD ngay cả trong năm nay, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tràn sang Biển Đỏ do bạo lực giữa các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn và phiến quân Houthi có trụ sở tại Yemen.
Hôm 18/1, Mỹ cho biết, nước này đã đưa Houthi trở lại danh sách các thực thể khủng bố. Quyết định diễn ra trong bối cảnh Washington đang nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi đối với hàng hải quốc tế nhằm phản đối việc Israel bắn phá Gaza.
Thông báo của Bộ ngoại Giao Mỹ nêu rõ, Washington coi Ansarallah, thường được gọi là Houthi, là một nhóm khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt (SDGT), hành động này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ hôm nay.
Trong thời gian 30 ngày này, Chính phủ Mỹ sẽ tiến hành tiếp xúc với các bên liên quan, nhà cung cấp viện trợ và đối tác đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo và nhập khẩu thương mại các mặt hàng quan trọng ở Yemen.
Theo ông Shaokai Fan: "Tôi nghĩ rằng căng thẳng quốc tế và sự bất ổn địa chính trị đã là chủ đề kể từ khi xung đột Nga-Ukraina vào năm 2022. Điều đó đã tác động hoàn toàn đến giá vàng, xét về mức độ tăng đột biến trong ngắn hạn".
Việc Washington tịch thu kho dự trữ ngoại hối trị giá 650 tỷ USD của Moscow vào tháng 2 năm ngoái đã gây ra làn sóng mua vào của các ngân hàng trung ương vì nhiều ngân hàng trong số họ muốn đa dạng hóa việc nắm giữ khỏi đồng USD.
"Tôi nghĩ đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với một số ngân hàng trung ương, bởi vì họ có thể đã nghĩ rằng dự trữ ngoại hối của họ không thể bị đóng băng", ông Fan nói.
Các điểm nóng địa chính trị có thể mở rộng
Ông nói, cuộc chiến Israel-Gaza có thể không ảnh hưởng đáng kể đến giá cả, nhưng nó có thể gây chấn động thị trường nếu diễn ra lâu hơn.
"Nếu những xung đột này trở nên trầm trọng hơn, sẽ có nhiều quốc gia tham gia hơn và bức tranh toàn cầu sẽ ngày càng trở nên bất ổn, từ đó sẽ ảnh hưởng đến giá vàng". "Chúng tôi thấy Iran bắn tên lửa vào Pakistan. Và bây giờ, có nhiều hành động hơn ở Biển Đỏ chống lại người Houthis", ông Fan nói thêm.
Pakistan đã tiến hành các cuộc tấn công vào các chiến binh ly khai bên trong Iran hôm thứ Năm, trong một cuộc tấn công trả đũa hai ngày sau khi Tehran cho biết họ tấn công các căn cứ của một nhóm khác trong lãnh thổ Pakistan.
Kỳ vọng rằng Fed sẽ đảo ngược chu kỳ tăng lãi suất trong năm nay có thể thúc đẩy nhu cầu vàng hơn nữa.
"Nói chung, lãi suất thấp hơn sẽ loại bỏ những trở ngại đối với vàng, chúng cho phép nhiều người cân nhắc chuyển sang vàng hơn, dù ở cấp độ bán lẻ hay cấp độ tổ chức", ông Fan nói.
Vàng thường có mối tương quan nghịch với đồng USD, giá trị của đồng tiền này có thể giảm bất cứ khi nào lãi suất giảm.
Tuy nhiên, lãi suất cao hơn trong một năm rưỡi qua không khiến giá kim loại quý giảm do căng thẳng địa chính trị đã chống lại tâm lý tiêu cực bằng cách thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn.
Theo SCMP, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, Trung Quốc, cũng có khả năng duy trì chuỗi mua vàng nóng mặc dù kinh tế phục hồi chậm làm giảm thu nhập.
"Nó có thể sẽ vẫn mạnh ở Trung Quốc, bất chấp thực tế là nền kinh tế đang hơi suy thoái. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu vàng bán lẻ khá mạnh mẽ của người dân bình thường trong suốt năm 2023", ông Fan nói.
Ông cho biết, những lo ngại của nhà đầu tư về nền kinh tế Trung Quốc đại lục, lĩnh vực bất động sản đang gặp nhiều khó khăn cũng như căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington, có thể gia tăng sau cuộc bầu cử ở Đài Loan, dự kiến sẽ kích thích nhu cầu của người Trung Quốc đối với kim loại quý.
"Tôi nghĩ rằng sự không chắc chắn toàn cầu sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng và thị trường vàng giữa các nhà đầu tư".
(Nguồn: SCMP)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement