28/06/2021 14:00
Singapore đặt mục tiêu trở thành trung tâm thương mai điện tử của châu Á
Nền kinh tế kỹ thuật số của châu Á đang bùng nổ và Singapore muốn trở thành một trung tâm thương mại điện tử trong khu vực. Tuy nhiên, quốc đảo đang đứng trước những thách thức lớn.
Đại dịch COVID-19 đã tái định hình hành vi của người tiêu dùng trên khắp thế giới, ngày càng nhiều người lựa chọn mua hàng trực tuyến và nền kinh tế kỹ thuật số khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng đáng kể.
Ben King, Giám đốc tại Google Singapore cho biết: "Thương mại điện tử ở Đông Nam Á đang tăng mạnh. Nhưng điều khiến Singapore trở nên khác biệt là các chính sách và sáng kiến của quốc gia này tạo môi trường lành mạnh cho ngành công nghiệp kỹ thuật số và nền kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh."
Tập trung phát triển nhân lực
Tuy nhiên, quốc đảo đang đối mặt với sự thiếu hụt nhân tài trong lĩnh vực kỹ thuật số. Đây là một yếu tố quan trọng để Singapore có thể trở thành một người chơi thương mại điện tử toàn cầu, ông Ben King nói thêm.
Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Singapore đã hợp tác với Google theo sáng kiến Skills Ignition SG, để đào tạo việc làm cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Ông King nói: “Một thách thức mà chúng tôi thấy khi hiện thực hóa tầm nhìn Singapore thực sự trở thành một trung tâm thương mại điện tử khu vực có ý nghĩa và tiên tiến hơn là phát triển nhân tài. Vấn đề ở đây là thiếu nhân lực có kỹ năng. Hỗ trợ lực lượng lao động xây dựng kỹ năng kỹ thuật số là một trong những mục tiêu cấp thiết”.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng tập trung vào việc giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
King một lần nữa nhấn mạnh: “Chúng tôi thiết kế chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu trong đại dịch, cung cấp cơ hội tham gia các khóa đào tạo việc làm từ 6 đến 9 tháng. Những gì chúng tôi cố gắng hiện nay là phát triển các kỹ năng mà tổ chức cho rằng rất quan trọng đối với sự phát triển và bùng nổ của thương mại điện tử trên khắp khu vực”.
Thay đổi xu hướng người tiêu dùng
Bất chấp những cơn gió ngược của đại dịch, việc sử dụng Internet trên khắp Đông Nam Á vẫn tiếp tục tăng.
Theo báo cáo thương mại điện tử về Đông Nam Á của Google, Temasek và công ty tư vấn toàn cầu Bain & Company, có khoảng 40 triệu người dùng mới trong khu vực đã tham gia Internet vào năm 2020.
Khoảng 36% - hoặc hơn 1/3 người tiêu dùng dịch vụ kỹ thuật số - chưa quen với các dịch vụ trực tuyến. Trong số đó, 90% có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ này ngay cả sau khi đại dịch xảy ra, báo cáo cho biết.
Ba trụ cột chính của một quốc gia thông minh là thực sự có một nền kinh tế kỹ thuật số, một chính phủ kỹ thuật số và một xã hội kỹ thuật số.
Selena Ling, Kinh tế trưởng, Ngân hàng OCBC
Selena Ling, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng OCBC tại Singapore, cho biết để Singapore có thể tận dụng được những xu hướng này, cần kết hợp nhiều yếu tố lại với nhau để thúc đẩy tăng trưởng.
Bà nói: “Bạn cần có một dân số khá hiểu biết về internet, khả năng sử dụng thiết bị di động cao và kết nối internet tốt với giá cả phải chăng". Bà nói thêm, nhiều dịch vụ cung cấp cả hàng hóa và dịch vụ cũng rất cần thiết.
Là một phần trong chiến lược thương mại điện tử của Singapore, chính phủ có kế hoạch triển khai hai mạng 5G trên toàn thành phố vào năm 2025. Các mạng 5G là thế hệ tiếp theo của kết nối internet di động với tốc độ nhanh hơn, cao hơn.
Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp, chúng sẽ tạo thành "xương sống" cho nền kinh tế kỹ thuật số của Singapore và nâng cao năng lực của cơ sở hạ tầng, để quản lý các đơn hàng bán hàng trực tuyến lớn trên toàn thế giới.
Selena Ling của OCBC đã chỉ ra rằng, chính phủ Singapore đã dẫn đầu bằng cách đưa ra chiến lược “quốc gia thông minh”.
“Ba trụ cột chính của một quốc gia thông minh là thực sự có một nền kinh tế kỹ thuật số, một chính phủ kỹ thuật số và một xã hội kỹ thuật số. Vì vậy, để có một chiến lược thương mại điện tử thành công, cần đáp ứng được 3 yếu tố này”, bà giải thích.
Advertisement
Advertisement