23/05/2019 15:41
Quản lý xe công nghệ như taxi làm dấy lên lo ngại cho các nhà đầu tư
Quản lý xe công nghệ như taxi truyền thống đang đi ngược với chủ trương hướng tới công nghệ 4.0 và dấy lên nỗi lo của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đi ngược
Phát biểu tại các phiên thảo luận tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum-WEF) tại Davos, Thụy Sĩ tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” từng doanh nghiệp, đem đến những thay đổi sâu sắc, mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài.
Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định và coi đây là cơ hội to lớn khi các quốc gia cạnh tranh bằng sáng tạo. |
Nỗ lực vượt qua khó khăn, hạn chế, thách thức, Việt Nam coi đây là cơ hội to lớn khi các quốc gia cạnh tranh bằng sáng tạo, mà không phải chỉ bằng các yếu tố truyền thống như tự do thương mại, qui mô, kinh nghiệm, lao động, vốn đầu tư.
Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là về công nghệ mà còn là cuộc cách mạng lớn về chính sách. Việt Nam đã khởi động chương trình “Make in Viet Nam 4.0”, một sáng kiến thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa trên chính sách mới, tư duy quản lý mới và những công nghệ mới.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam định hình khuôn khổ pháp lý minh bạch, ngày càng tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và mong WEF, cộng đồng doanh nghiệp giữ vững niềm tin vào quyết tâm và nỗ lực đổi mới của Việt Nam.
Với những nỗ lực này, Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng cho nhiều doanh nghiệp công nghệ. Các dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Go-Viet, FastGo và Be đang nở rộ tại Việt Nam, mang đến nhiều lợi ích cho cả khách hàng và đối tác tài xế.
Tuy nhiên cùng với sự bùng nổ này, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục giữ quan điểm sẽ quản lý xe hợp đồng như xe taxi, theo đó yêu cầu xe hợp đồng hay xe taxi tới đây đều phải có phù hiệu “xe taxi” dán cố định, đặc biệt có “gắn mào” (hộp đèn) cố định trên nóc xe. Đề xuất này đang gây nhiều tranh cãi về cách quản lý dịch vụ gọi xe công nghệ và taxi truyền thống.
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/ND-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong đó có nội dung quản lý xe hợp đồng điện tử như Grab và Go-Viet. Những nội dung này đang gây nhiều tranh luận về tương lại của các ứng dụng gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA) cho rằng bản chất tích cực nhất của kinh tế chia sẻ mà các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Go-Viet…mang lại là tận dụng được nguồn lực nhàn rỗi thông qua việc tham gia các nền tảng ứng dụng công nghệ. Đồng thời, các ứng dụng này cũng góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho một bộ phận lao động không nhỏ.
Việc ép xe công nghệ thành taxi truyền thống tạo nên rào cản không cần thiết và tăng thêm chi phí không đáng có cho doanh nghiệp cũng như giảm thu nhập của các đối tác tài xế. Trong khi đó, khách hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm cạnh tranh trên thị trường dẫn đến giá tăng, thời gian chờ đợi xe đến đón lâu hơn và chất lượng dịch vụ giảm.
“Thay vì những biện pháp hành chính thuần túy thì nên tạo sự linh hoạt trong chính sách, dùng công nghệ để quản lý công nghệ nhằm kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nghĩa vụ thuế nhưng vẫn khuyến khích được nền kinh tế chia sẻ phát triển”, ông Hậu nói.
Nên quản lý bằng công nghệ
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, Việt Nam và những quốc gia khác đang gặp khó khăn trong việc định nghĩa ứng dụng gọi xe công nghệ là công ty taxi hay nhà cung cấp dịch vụ dựa trên Internet.
Ngay cả thế giới cũng phải công nhận Uber, Grab là mô hình khác biệt. Vì vậy, Chính phủ nên sử dụng công nghệ để quản lý hoặc đánh thuế những mô hình này. Điều này không chỉ phản ánh bản chất của các doanh nghiệp công nghệ, mà còn giúp ngăn chặn việc đánh thuế hai lần hoặc trốn thuế.
Quản lý xe công nghệ như taxi sẽ dấy lên lo ngại cho các nhà đầu tư về quyết định kinh doanh tại Việt Nam. |
“Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do đó chúng ta nên khuyến thích những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vận tải và tạo điều kiện cho các ứng dụng gọi xe hoạt động tại Việt Nam để mang lại lợi ích cho cả khách hàng và nền kinh tế,” ông Đức nói.
Đồng quan điểm trên, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hãng kiểm toán Grant Thornton Việt Nam nhận định, môi trường pháp lý là rủi ro duy nhất có thể xảy ra đối với các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam. Tuy nhiên, các ứng dụng này sẽ tiếp tục mở rộng tại Việt Nam vì đem lại sự thuận tiện cho khách hàng, phù hợp với giới trẻ và càng ngày càng phổ biến.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nhưng trong quá trình hoạt động lại thắt chặt quy định cho mô hình kinh doanh mới như Grab, Go-Viet. Nếu đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải được thông qua, điều này sẽ dấy lên lo ngại cho các nhà đầu tư về quyết định kinh doanh tại Việt Nam.
Người tiêu dùng có thể sẽ mất đi cơ hội tiếp cận với những tiện ích từ cuộc cách mạng 4.0 cũng như Việt Nam sẽ mất đi đà phát triển hội nhập trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) sắp được ký kết, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do này.
Trong đó, chương về Thương mại điện tử có một nhóm các quy định riêng nhằm hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động Thương mại điện tử như dịch vụ gọi xe công nghệ.
Do vậy, các nhà làm luật cần xem xét cẩn thận để đảm bảo những quy định mới như quản lý xe công nghệ phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do cũng như không làm ảnh hưởng đến nỗ lực ứng dụng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp