21/11/2017 11:22
Phù phép 1.639 m2 đất công thành của riêng để bỏ túi hàng chục tỉ đồng
Từ mảnh đất được cấp để xây trường, sau ba lần 'hóa kiếp' đã trở thành của riêng mang đi cầm cố vay tiền ngân hàng. Sự việc chỉ được phát giác khi ngân hàng OCB phát mãi tài sản.
Năm 1999, UBND huyện Bình Chánh cũ (nay là quận Bình Tân) có chủ trương kêu gọi đầu tư trường mẫu giáo theo chính sách xã hội hóa, theo thông báo số 3228. Ngày 6/12/1999, UBND huyện Bình Chánh chấp thuận cho bà Nguyễn Thị Thu đầu tư xây dựng nhà trẻ dân lập 1.728 m2 tại Khu cư xá An Lạc rộng 13 ha.
Khu cư xá An Lạc do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) đầu tư theo quyết định số 328/QĐTTg vào ngày 19/5/1997 và quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 21/4/1999. Khu cư xá An Lạc nằm trong Khu dân cư An Lạc-Bình Trị Đông rộng 100ha.
Bà Thu đã hoàn trả chi phí bồi thường giải tỏa và xây dựng cơ sở hạ tầng cho BCIvới tổng số tiền 691.200.000 đồng. Có đất, bà Thu không xây trường mà để cỏ cây mọc um tùm. UBND huyện Bình Chánh cũng chẳng kiểm tra, nhắc nhở.
Đến 9 năm sau, lúc này khu đất thuộc quận Bình Tân, vào tháng 1/2008 bà Thu mới thành lập Doanh nghiệp Tư nhân Giáo dục Khôi Nguyên, được Sở Kế hoạch Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu số 4101015695 với ngành nghề kinh doanh là giáo dục bậc mầm non, bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học, đào tạo nghề.
Ngày 18/4/2008, UBND TP.HCM đã ra quyết định số 1744/QĐ-UB thu hồi và giao 1.639 m2 đất theo thực địa cho doanh nghiệp Khôi Nguyên xây dựng trường mẫu giáo theo đúng quy hoạch. Ngày 11/5/2009, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T02164/11a cho doanh nghiệp Khôi Nguyên với diện tích 1.639 m2.
Mục đích sử dụng là đất cơ sở giáo dục đào tạo và nguồn gốc sử dụng đất là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất.
Có đất nhưng chỉ một tháng sau, vào ngày 22/6/2009, bà Thu mang doanh nghiệp của mình bán lại cho bà Trần Thị Kim Hoa và bà Đinh Thị Sơn Oanh với giá gần 20 tỉ đồng, gồm quyền sử dụng đất và vốn đầu tư.
Đến ngày 20/12/2012, bà Hoa bán doanh nghiệp Khôi Nguyên cho bà Trần Thị Huỳnh Nga với giá 32 tỉ đồng, bao gồm quyền sử dụng đất thuộc thửa 112, tờ bản đồ 21, phường An Lạc A, quận Bình Tân.
Chỉ 8 ngày sau, bà Nga thế chấp mảnh đất trên cho Ngân hàng OCB để bảo lãnh cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Khanh Ngân Long do ông Quan Ngọc Trung, chồng bà Nga làm đại diện để vay 44 tỉ đồng.
Do bà Nga thế chấp mảnh đất trên tại OCB nhưng chưa trả hết tiền nợ 12 tỉ đồng cho bà Hoa nên bà Hoa và bà Nga thống nhất lập lại hợp đồng mua bán doanh nghiệp Khôi Nguyên, ngày ghi trong hợp đồng vẫn là 20/12/2012 nhưng số tiền giảm từ 32 tỉ đồng xuống còn 20 tỉ đồng.
Số tiền chưa trả 12 tỉ đồng thì chuyển sang lập hợp đồng vay tiền vào ngày 16/7/2013 với số tiền bà Nga vay từ bà Hoa là 8 tỉ đồng và bà Oanh là 4 tỉ đồng. Năm 2014, bà Hoa và bà Oanh khởi kiện bà Nga về hợp đồng vay tiền ra Tòa án quận 6. Đến ngày 1/4/2016, Tòa án quận 6 ký quyết định số 01 cấm bà Trần Thị Huỳnh Nga xuất cảnh.
Trong khi đó, vào cuối năm 2013, do bà Nga và chồng không trả được nợ vay nên Ngân hàng OCB bán số nợ trên cho VAMC và VAMC ủy quyền cho OCB bán đấu giá lô đất trên để thu hồi nợ. Để tránh hậu quả phát sinh, Thanh tra TP.HCM đã có liên tiếp hai văn bản số 529/TTTP-P4 và 602/TTTP-P4 yêu cầu VAMC và OCB dừng ngay các việc có liên quan đến việc bán đấu giá lô đất 1.639 m2 ở phường An Lạc A, quận Bình Tân.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, theo quy định thì trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất thì người sử dụng không có quyền thế chấp quyền sử dụng đất. Việc phòng công chứng bỏ qua quy định này, ký công chứng trót lọt cho lô đất 1.639 m2 ở quận Bình Tân là sai.
“Nghị định 69 ban hành năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ, khi được Nhà nước giao đất và miễn tiền sử dụng đất thì cơ sở thực hiện xã hội hóa không được tính giá trị đất đang sử dụng vào giá trị tài sản của dự án đầu tư và không được dùng đất làm tài sản thế chấp để vay vốn. Do đó, việc ngân hàng OCB gật đầu cho Công ty Khang Ngân Long vay hơn 44 tỉ đồng cũng sai. Thực chất của quá trình này là hóa kiếp mảnh đất công qua ba đời chủ để chuyển thành của riêng. Ở đây đã có dấu hiệu trục lợi”, ông Quyền nói.
Advertisement
Advertisement