Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình: GDP quý I/2018 cao nhất trong 10 năm qua

Phân tích

26/05/2018 10:00

Theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, GDP quý I/2018 cao nhất trong 10 năm qua và đây là một điểm sáng của nền kinh tế đất nước.

Trong phần phần báo cáo tại phiên khai mạc sáng 21/5, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, thời gian qua kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%...

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình.

Theo báo Điện tử Vietnamnet, một trong những ”điểm sáng” của nền kinh tế đất nước được Phó Thủ tướng đề cập là tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%). 

Báo cáo cũng cho biết, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10,1%, chủ yếu là nhập nguyên, vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Xuất siêu 3,4 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 10,4% (cùng kỳ 9,5%); trong đó vốn đầu tư tư nhân trong nước tăng mạnh 16,9%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng tiếp tục tăng cao với 12,1% so với cùng kỳ, đạt 33,8% dự toán.

Báo cáo nêu rõ, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Rà soát, có phương án cắt giảm khoảng 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực công thương, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp... 

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ định hướng điều hành, đề ra nhiều nhiệm vụ và biện pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%...

Trong khi đó liên quan đến vấn đề lao động và tiền lương, báo Điện tử VnExpress dẫn lời ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội cho biết hiện có nghịch lý là tốc độ tăng tiền lương bình quân tăng nhanh hơn tăng năng suất lao động. Trong khi năng suất lao động tăng 4,4%, nhưng tiền lương khu vực công tăng 8% và khu vực khác tăng trên 12%.

Theo ông Lợi, đất nước có 53,7 triệu lao động đang làm việc nhưng 70% lại đang làm việc trong khu vực phi kết cấu (khu vực không có quan hệ lao động, dễ rủi ro cho người lao động). Trong đó tỷ lệ làm việc không bền vững chiếm 2/3 - 3/4 lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ chiếm 7,5%.

"Lao động Việt Nam vẫn thiếu rất nhiều kỹ năng cần thiết. Vì thế, phải tập trung giải pháp nâng cao trình độ, chuyển dịch cơ cấu từ ngành có năng suất thấp sang cao; đồng bộ giải pháp tăng năng suất lao động... ", ông nói.

Đề cập đến vụ xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương, đại biểu Lợi bày tỏ băn khoăn: "Nếu kết tội thế này rất ảnh hưởng đến ngành y tế, đề nghị Bộ trưởng Y tế nên nói thêm vấn đề này, cá nhân tôi nghĩ rằng bác sỹ Lương có thể vô tội".

Ông Lợi cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành bác sỹ và nhân viên y tế, bạo lực trong học đường và xâm hại tình dục trong nhà trường.

Mỗi năm có 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng việc đảm bảo an sinh xã hội là công tác quan trọng của Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao về công tác an sinh xã hội. Ngành LĐTB&XH đã hoàn thành 3 chỉ tiêu quan trọng trong năm 2017, là tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,53% (tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 6,7%, đã có 8 huyện thoát nghèo theo chương trình 30A); tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm còn 3,13% và lao động qua đào tạo là 22,5%, vượt chỉ tiêu.

Ông nhấn mạnh 76% lao động trong độ tuổi lao động có việc làm. Lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng tăng, hiện có 134.000 người Việt đi nước ngoài làm việc. Lao động Việt Nam được đánh giá có nhiều tiến bộ, chuyển dịch cơ cấu tích cực hơn. Tuy nhiên Bộ trưởng Dung thừa nhận tính bền vững của việc làm hiện không cao, do thu nhập thấp, việc làm bấp bênh, lưới đỡ an sinh không tốt. Lao động chủ yếu là lao động phổ thông, trong khi thiếu nhân lực quản lý, chất lượng cao.

Đáng chú ý là công tác giải quyết việc làm cho thanh viên, sinh viên khó khăn. Hiện trung bình có tới 200.000 sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường. Tỷ lệ thất nghiệp trong đội ngũ thanh niên là 7,51%. Ông cũng thừa nhận năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam còn thấp nhưng đã chuyển biến tích cực.

“Năng suất lao động nhìn chung có chuyển biến, đạt 93,2 triệu đồng/năm, tăng 6,6% so với 2016. Năng suất các ngành kinh tế nói chung bằng 1/3 khu vực công nghiệp và bằng 1/4 khu vực dịch vụ”, ông nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh nếu năng suất lao động được tính toán lại một cách cụ thể, do chưa tính hết kinh tế ngầm và thu nhập không chính thức, thì chắc chắn năng suất sẽ tăng. Người đứng đầu ngành LĐTB&XH cũng cho biết ngành đang chọn giáo dục nghề nghiệp là một khâu đột phá trong thời gian tới. Bộ sẽ quy hoạch lại các trường giáo dục nghề nghiệp, sẽ đóng cửa các trường không hiệu quả, chuyển sang cơ chế đặt hàng đào tạo cho doanh nghiệp.

Theo Zing.vn

P.V (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement