22/11/2017 11:48
Phản ứng của các nước trước tin Tổng thống Zimbabwe từ chức
Ngày 21/11, nhiều lãnh đạo và quan chức châu Âu đã lên tiếng về diễn biến mới nhất trên chính trường Zimbabwe sau khi Tổng thống Robert Mugabe chấp nhận từ chức sau 37 năm nắm quyền.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại chung của Liên minh châu Âu (EU) Frederica Mogherini kêu gọi quốc gia miền Nam châu Phi này sớm có một giải pháp "tôn trọng nguyện vọng của người dân Zimbabwe vì một tương lai dân chủ và thịnh vượng".
Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng quyết định từ chức của Tổng thống Mugabe là cơ hội để quốc gia châu Phi này "mở ra một con đường mới" cho tương lai và tái thiết nền kinh tế "với một chính phủ hợp pháp". Bà cũng nhấn mạnh Anh, với tư cách là "người bạn lâu năm nhất của Zimbabwe", sẽ làm tất cả để hỗ trợ quốc gia châu Phi này.
Cùng chung quan điểm trên, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng việc ông Mugabe từ chức có thể là một "bước ngoặt" để Zimbabwe tiến tới một tương lai đầy triển vọng.
Trong khi đó, Pháp kêu gọi Zimbabwe tiến hành cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình. Ngoại trưởng nước này Jean-Yves le Drian cho biết Paris hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mugabe, song nhấn mạnh việc ông này từ chức phải mở đường cho một tiến trình chuyển giao chính trị hòa bình "tôn trọng nguyện vọng hợp pháp của người dân Zimbabwe".
Trước đó, Mỹ đã kêu gọi tiến hành các cuộc bầu cử tự do và công bằng, cũng như sự tôn trọng nguyên tắc luật pháp ở Zimbabwe, sau khi Washington gọi quyết định từ chức Tổng thống Mugabe là "thời khắc lịch sử".
Tổng thống Robert Mugabe, 93 tuổi, đã phải tuyên bố từ chức ngày 21/11 ngay sau khi Quốc hội Zimbabwe bắt đầu tiến trình luận tội đối với ông. Ông Mugabe đã phải chịu sức ép rất lớn trong nội bộ đảng ZANU-PF cầm quyền và giới tướng lĩnh quân đội yêu cầu ông phải từ chức.
Vụ việc được khởi đầu từ hai tuần trước, khi quyết định Tổng thống Mugabe cách chức Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia châu Phi này.
Đêm 14/11, quân đội nước này đưa xe tăng và xe bọc thép tiến vào thủ đô Harare để giành quyền kiểm soát các cơ quan nhà nước và các phương tiện truyền thông, đồng thời quản thúc Tổng thống Mugabe và vợ là bà Grace Mugabe tại khu “Nhà Xanh” ở thủ đô Harare.
Dù khẳng định đây không phải là cuộc đảo chính, nhưng phía quân đội Zimbabwe đã gây sức ép mạnh mẽ đòi Tổng thống Mugabe từ chức.
Mỹ kêu gọi tiến hành bầu cử tự do và công bằng ở Zimbabwe
Ngày 21/11, Mỹ đã kêu gọi tiến hành các cuộc bầu cử tự do và công bằng, cũng như sự tôn trọng kiên định với nguyên tắc luật pháp ở Zimbabwe, sau khi Washington gọi quyết định từ chức Tổng thống Zimbabwe của ông Robert Mugabe là "thời khắc lịch sử".
Trong một thông báo, Đại sứ quán Mỹ ở Harare nhấn mạnh: "Tối nay đánh dấu một thời khắc lịch sử đối với Zimbabwe. Dù chính phủ nước này có thiết lập thỏa thuận ngắn hạn nào, con đường phía trước phải dẫn tới những cuộc bầu cử tự do, công bằng và toàn diện".
Advertisement
Advertisement