12/06/2023 17:11
'Ông trùm lẩu nướng' Golden Gate trả cổ tức khủng
Công ty CP Tập đoàn Golden Gate báo lãi kỷ lục 659 tỷ đồng trong năm 2022, và dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với giá trị bằng 257% mệnh giá, tương ứng 25.700 đồng/cổ phiếu.
Năm 2022, Golden Gate có doanh thu và lợi nhuận cao nhất lịch sử. Nguyên nhân là do sự trở lại của nền kinh tế và nhu cầu ăn uống tăng cao sau đại dịch Covid-19 đã giúp công ty có sự hồi phục mạnh mẽ.
Golden Gate dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với giá trị bằng 257% mệnh giá, tương ứng 25.700 đồng/cổ phiếu. Trong đó, công ty đã tạm ứng trước 6.500 đồng/cổ phiếu. Số cổ tức còn lại phải chi trả là 19.200 đồng/cổ phiếu.
Trong năm 2023, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu tương đương năm 2022, khoảng 2.887 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận dự kiến giảm tới 75%, xuống chỉ còn 167 tỷ đồng.
Golden Gate dự kiến sẽ mua lại 1.190 cổ phiếu từ người lao động đã nghỉ việc trong 1 năm qua. Việc mua lại sẽ giảm vốn điều lệ từ 76.927 tỷ đồng xuống còn 76.915 tỷ đồng. Tương ứng số cổ phiếu lưu hành là 7.6915 triệu đơn vị.
Đồng thời, công ty dự kiến phát hành 76.341 cổ phiếu cho các nhân sự chủ chốt của công ty, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 4 năm, mỗi năm được giao dịch 25%.
Về tình hình kinh doanh, năm 2022 của Golden Gate theo như kiểm toán thông báo, năm 2022 Golden Gate có doanh thu thuần là 6.965 tỷ đồng (tăng 2 lần so với năm 2021). Góp phần lớn doanh thu là từ việc buôn bán đồ ăn và thực phẩm. Lợi nhuận gộp tăng trưởng 124% so với năm 2021, đạt 4.314,9 tỷ đồng.
Golden Gate cho biết chi phí bán hàng tăng 52,1% trong năm 2022 và đạt 3.118,6 tỷ đồng, so với năm 2021 có phần tăng vọt. Chi phí quản lý, tài chính lần lượt tăng 63,5% và 153,4%.
Trừ đi hết tất cả khoản chi phí, Golden Gate mang về 658,7 tỷ đồng vào năm 2022, sau khi đã trừ thuế. Trong khi vào năm 2021 công ty lỗ ròng 430,6 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Golden Gate ở mức 2.943 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022, tăng 23,2%. Khoản đầu tư được đáo hạn tăng gấp 12 lần đạt 330,4 tỷ đồng. Chú ý hơn cả là khoản nợ dài hạn của Golden Gate cuối năm 2022 đã giảm từ 546 tỷ xuống 64,7 tỷ đồng.
Tập đoàn Golden Gate vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, dự kiến được tổ chức vào ngày 30/6 tại Hà Nội.
Theo đó, năm 2023, Golden Gate muốn bổ sung thêm ngành nghề mới là kinh doanh bất động sản, sản xuất thức ăn chế biến sẵn,… Trước đó, Golden Gate đã thông qua việc góp thêm vốn vào Công ty TNHH Đầu tư Tây Hồ - Vĩnh Phúc. Tổng giá trị vốn góp được phê duyệt là 90 tỷ đồng. Mục đích nhằm đầu tư vào nhà máy nước cốt canh và kem.
Trước đó, Golden Gate đã thay đổi tên công ty. Theo như thông tin trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, ngành nghề kinh doanh… vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên con dấu của công ty trong nghị quyết công bố ngày 31/5/2023 cũng đã thay đổi, từ Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng thành Tập đoàn Golden Gate (Golden Gate Group JSC).
Được biết đây là lần đầu tiên Golden Gate thực hiện thay đổi tên và logo thương hiệu sau 18 năm thành lập.
Golden Gate được thành lập từ năm 2005, cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp vào năm 2008, hiện có vốn điều lệ hơn 77 tỷ đồng; hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng với nhiều thương hiệu quen thuộc như Ashima, Kichi-Kichi, Vuvuzela, Ba con cừu, 37th Street, Daruma, Gogi House, City Beer Station, Icook, Isushi, Cowboy's Jacks, Sumo BBQ...
Ông Đào Thế Vinh là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty Golden Gate.
Xuất phát điểm từ một start up ẩm thực với khởi đầu là nhà hàng lẩu nấm Ashima năm 2005 tại Hà Nội, đến nay Golden Gate đã sở hữu hơn 23 thương hiệu cùng hơn 450 nhà hàng đa phong cách trên gần 50 tỉnh thành, phục vụ hơn 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp