29/05/2023 14:46
88.000 doanh nghiệp đóng cửa sau 5 tháng đầu năm 2023
Trong 5 tháng đầu năm 2023, tính trung bình mỗi mỗi ngày có hơn 586 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ở chiều đăng ký mới, vốn của doanh nghiệp ngày càng teo tóp.
Trong tháng 5, cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 24,2% so với tháng trước và giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, còn có 5.952 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 5 ghi nhận 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 4.717 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.223 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Như vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000 đơn vị, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Năm tháng đầu năm, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức thấp nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm kể từ 2019 đến nay. Kinh doanh bất động sản là ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh nhất, nhưng tốc độ giải thể lại tăng cao nhất. Từ đầu năm đến nay, trung bình cứ 3 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, thì 1 doanh nghiệp giải thể.
Khảo sát vừa qua của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (Ban IV) cũng cho thấy hiện trạng khó khăn của doanh nghiệp. Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành đặc biệt thấp. Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm. Ngược lại chỉ 13,5% cho biết sẽ giữ nguyên quy mô.
Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%, tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh là 12,4%. Ban IV cho rằng đây là con số đáng báo động.
Trong số doanh nghiệp còn hoạt động, 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Ban IV nhận định, làn sóng sa thải người lao động có thể tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023, do những khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp.
Tính theo địa phương, TP.HCM có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm trên 50% lao động cao nhất (25,8%), sau đó đến Bình Dương (24%).
Cũng theo Tổng cục Thống kê, do tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Tổng cục Thống kê cho biết, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.
Cụ thể, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước: Quảng Nam giảm 36,7%; Bắc Ninh giảm 19,1%; Vĩnh Long giảm 16,6%… Các địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện giảm: Hà Giang giảm 33,4%; Lai Châu giảm 28,5%; Sơn La giảm 11,9%…
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp