11/12/2018 15:25
Ông Nguyễn Thành Tài bị bắt, TP.HCM thu hồi khu “đất vàng” số 8-12 Lê Duẩn
Quyết định thu hồi theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 64 Luật Đất đai về giao đất không đúng đối tượng theo kết luận thanh tra 645 ngày 4/5/2018.
Thu hồi để đấu giá
Sáng nay 11/12, UBND TP.HCM ban hành quyết định số 5671 về việc thu hồi khu “đất vàng” diện tích hơn 4.896m2 ở số 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1.
Quyết định thu hồi nêu rõ là thu hồi theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 64 Luật Đất đai là đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng theo kết luận thanh tra số 645 ngày 4/5/2018 của Thanh tra Chính phủ, được Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến kết luận tại Thông báo số 249 ngày 18/7/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Khu "đất vàng" số 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1 đang làm bãi giữ xe. |
Quyết định của UBND TP.HCM giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện.
Cụ thể, giao Chủ tịch UBND phường Bến Nghé giao quyết định số 5671 cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue. Nếu Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue không nhận quyết định này hoặc vắng mặt thì phải lập biên bản, niêm yết quyết định số 5671 tại trụ sở UBND phường Bến Nghé.
Giao Trung tâm phát triển quỹ đất của TP.HCM tiếp nhận, quản lý chặt chẽ khu đất đã thu hồi, chuẩn bị đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên Môi trường cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính. Thu hồi giấy chứng nhận, hoặc thông báo giấy chứng nhận đã cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue không còn giá trị pháp lý đối với trường hợp người sử dụng đất không chấp hành việc nộp lại giấy chứng nhận.
Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM có trách nhiệm phối hợp Sở Tài chính và các sở ngành liên quan tham mưu, trình UBND TP.HCM phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Cũng theo quyết định của UBND TP.HCM, Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue có trách nhiệm bàn giao khu đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ pháp lý khác có liên quan đến quyền sử dụng đất cho Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM quản lý theo quy định pháp luật.
UBND quận 1 có trách nhiệm quản lý thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, giám sát việc sử dụng đất, kịp thời xử lý vi phạm theo quy định đối với khu “đất vàng” số 8-12 Lê Duẩn.
Phù phép đất công
Khu “đất vàng” số 8-12 Lê Duẩn tại quận 1, TP.HCM nằm tại khu vực trung tâm Sài Gòn. Khu đất này có tới 3 mặt tiền, với tổng diện tích là 4.896 m2. Theo Thanh tra Chính phủ, số tiền thu về cho Ngân sách Nhà nước có thể cao hơn tới hơn 2.000 tỷ đồng, so với kết quả đã thực hiện là 700 tỷ đồng.
Về lịch sử, khu đất 8-12 Lê Duẩn được hợp thành từ 2 lô đất tại số 8 có diện tích 3.433m2 và lô đất tại số 12 Lê Duẩn có diện tích 1.463m2. Hai lô đất này là tài sản của Công ty Esso Easstern INC và Công ty Shell trước năm 1975.
Sau năm 1975, các lô đất này do Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM quản lý và ký hợp đồng cho thuê nhà đất với 4 đơn vị thuộc Bộ Công thương là Công ty Cổ phần Hóa chất Vật liệu điện TP.HCM, Công ty Cổ phần Kim khí TP.HCM, Công ty Cổ phần Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn và Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu VITACO.
Dự án Lavenue Crown sẽ bị thu hồi và mang đấu giá công khai. |
Tới năm 2007, thực hiện phương án sắp xếp các mặt bằng nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM có chủ trương sử dụng khu đất trên để xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và có một phần trung tâm thương mại.
Tháng 10/2010, UBND TP.HCM đồng ý về phương án thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue để thực hiện dự án. Trong đó, các cổ đông sáng lập và tỷ lệ vốn góp vào Lavenue là Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM góp vốn 50% và 50% còn lại do 4 công ty thuộc Bộ Công thương, mỗi công ty góp 12,5%.
Tuy nhiên, sau 6 lần đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ cấu cổ đông của Lavenue cho thấy tỷ lệ kiểm soát tới 80% của các cổ đông có nguồn vốn tư nhân, gồm Công ty TNHH Đầu tư Kido góp 387,5 tỷ đồng, chiếm 50% và Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm góp 232,5 tỷ đồng, chiếm 30%. Cổ đông Nhà nước là Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM chỉ còn có 155 tỷ đồng, chỉ chiếm 20% tổng vốn điều lệ.
Điều đáng nói, cơ cấu cổ đông nêu trên là kết quả của một loạt các thỏa thuận đã được định sẵn, ngay từ trước khi Công ty Lavenue được thành lập.
Cụ thể, ngày 6/8/2010, Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM đã có công văn gửi UBND TP.HCM về việc cho phép Công ty Hoa Tháng Năm được tham gia hợp tác đầu tư 30% vốn góp trong phần tỷ lệ vốn góp 50% tại Lavenue. Đến ngày 17/8/2010, UBND TP.HCM đã chấp nhận đề xuất trên.
Đáng chú ý, từ ngày thành lập, Công ty Hoa Tháng Năm chưa tham gia thực hiện bất cứ một dự án nào. Năng lực tài chính cũng không có cơ quan nào thẩm định và kết luận công ty này có năng lực. Điều này được Công ty Hoa Tháng Năm xác nhận với Thanh tra TP.HCM vào năm 2013.
Về lô cổ phần chiếm tỷ lệ 50% còn lại tại Lavenue do 4 công ty thuộc Bộ Công thương sở hữu, ngày 20/8/2010, các công ty này đã ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô, nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido.
Trong đó, mỗi công ty thuộc Bộ Công thương cam kết thực hiện chuyển nhượng quyền sở hữu toàn bộ phần vốn góp của mình trong Công ty Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô theo giá trị chuyển nhượng tự thỏa thuận.
Thời gian hoàn tất là ngay khi 4 công ty của Bộ Công thương chính thức trở thành cổ đông sáng lập của Công ty Lavenue và hoàn tất nghĩa vụ góp vốn của mình trong Lavenue.
Đáng chú ý, nguồn tài chính để 4 công ty thuộc Bộ Công thương góp vốn vào Lavenue lại đến từ chính đối tác Công ty TNHH Đầu tư Kido, thông qua việc ký kết hợp đồng vay vốn với doanh nghiệp này vào ngày 15/9/2010.
Thực hiện đúng thỏa thuận, ngày 29/10/2010, cả 4 công ty của Bộ Công thương đã chuyển nhượng toàn bộ 1.250.000 cổ phần tại Lavenue cho Công ty TNHH Kinh Đô. Với mức giá chuyển nhượng là 50.000 đồng/cổ phần, mỗi công ty thu về 62,5 tỷ đồng.
Không đủ năng lực
Nguyên nhân chủ yếu khiến cho các cổ đông có vốn Nhà nước phải thực hiện chuyển nhượng cổ phần tại Lavenue cho các doanh nghiệp tư nhân xuất phát từ vấn đề không đảm bảo năng lực tài chính, một trong những tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo chủ trương ban đầu.
Cụ thể, đối với trường hợp của Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM, với việc góp 50% vốn tham gia dự án, tương đương với giá trị đầu tư là 1.300 tỷ đồng, nhiều hơn gấp 2 lần số vốn điều lệ của công ty này khi đó là 635,8 tỷ đồng.
Theo quy định, Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM chỉ được sử dụng tối đa không quá 30% tổng nguồn vốn để đầu tư vào các lĩnh vực không phải là ngành nghề kinh doanh chính và tổng mức đầu tư ra ngoài công ty không được vượt quá mức vốn điều lệ.
Do đó, Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM đã phải chuyển giao 30% tỷ lệ góp vốn cho Công ty Hoa Tháng Năm, một doanh nghiệp mới chỉ thành lập vào ngày 6/4/2010 và không được thẩm định về năng lực tài chính.
Giao đất sai, ông Nguyễn Thành Tài vào tù, còn dự án thì bị thu hồi. |
Theo Thanh tra Chính phủ, thực chất hoạt động chuyển nhượng là việc chuyển dịch quyền sử dụng đất tại ví trí trung tâm nhất của TP.HCM từ doanh nghiệp Nhà nước sang cho các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Việc làm trên là trái với chính chủ trương của UBND TP.HCM và trái với pháp luật về đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất.
“Việc thực hiện sai trái trên nhằm chuyển dịch tài sản hai khu đất có vị trí trung tâm đang thuộc quyền quản lý sử dụng của Nhà nước sang cho tư nhân với giá rẻ là không đúng quy định. Trách nhiệm này thuộc về Thường trực UBND TP.HCM, trách nhiệm cá nhân thuộc về ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch thường trực, người đã ký nhiều, ký nhanh các văn bản chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.
Cũng vì không đảm bảo năng lực tài chính, 4 công ty thuộc Bộ công thương đã thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kido.
Việc UBND TP.HCM chỉ định chủ đầu tư dự án cho Công ty Lavenue tại thời điểm công ty này thay đổi cổ đông sáng lập, có 2/3 cổ đông chiếm tới 80% vốn góp không phải là tổ chức kinh tế được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm là không đúng đối tượng, vi phạm một số quy định có liên quan.
Liên quan đến khu đất vàng này, ngày 8/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2015. Ông Tài bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan đến khu đất vàng rộng 5.000m2 tại số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng khởi tố thêm 3 bị can Nguyễn Hoài Nam (Bí thư Quận uỷ Quận 2, TP.HCM), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM) và Trương Văn Út (nguyên phó Trưởng phòng quản lý đất, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM).
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Tài, ông Kiệt và ông Út. Riêng ông Nam được cho tại ngoại, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp