26/04/2023 15:36
OECD dự báo kinh tế Việt Nam tăng 6,5% trong năm 2023
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo có thể đạt 6,5% trong năm 2023 và 6,6% trong năm 2024.
Sáng 26/4, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức Lễ công bố "Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023". Đây là báo cáo đầu tiên về kinh tế Việt Nam do OECD và ADB thực hiện.
Công bố báo cáo, TS. Koen Vincent thuộc Ban Kinh tế của OECD cho biết, Việt Nam đã đạt được tiến bộ kinh tế đáng kể trong những thập niên qua và duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Những cải cách sâu rộng và liên tục kể từ cuối những năm 1980 là chìa khóa dẫn đến thành công kinh tế này. Kinh tế Việt Nam cũng đã chứng tỏ khả năng phục hồi trước những cú sốc, bao gồm cả đại dịch COVID-19. Thời kỳ đại dịch, tăng trưởng kinh tế của quốc gia này vượt trội so với hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á.
OECD dự báo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc, với Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở mức 6,5% vào năm 2023 và 6,6% trong năm 2024.
Tuy nhiên, theo TS. Koen Vincent, với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những bất ổn địa chính trị và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, các điều kiện bên ngoài đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục đè nặng lên thương mại toàn cầu và lạm phát gia tăng trên khắp thế giới có thể gây thêm áp lực giảm tỷ giá hối đoái cho Việt Nam.
Với những thách thức đáng kể phía trước, OECD cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy cải cách cơ cấu nhằm tăng cường hơn nữa các lực lượng thị trường.
Ngoài ra, theo OECD, để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, Việt Nam nên dừng đầu tư mới vào than đá và đẩy nhanh việc thực hiện thị trường carbon. Vì những cải cách này sẽ yêu cầu các nguồn lực tài chính bổ sung, cơ sở thuế nên được mở rộng để tăng thu nhập của chính phủ.
Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023 đưa ra ba thông điệp chính. Đầu tiên, chính sách kinh tế vĩ mô cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, ưu tiên là giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ có đối tượng mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, thay vì thực hiện những biện pháp tài khóa mở rộng hơn nữa.
Trong trung hạn, Báo cáo nhấn mạnh yêu cầu phải củng cố các khung chính sách kinh tế vĩ mô bằng cách cải thiện tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế. Đồng thời, cần tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giảm quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số để duy trì tăng trưởng kinh tế cao sau khi phục hồi.
Trong thông điệp cuối cùng, Báo cáo chỉ ra, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Định hướng này có thể được hiện thực hóa thông qua cách tiếp cận chính sách toàn diện, trong đó ưu tiên đầu tư nhà nước và tư nhân hiệu quả, thiết lập các quy định tạo thuận lợi, tạo cơ chế để giá cả thị trường phản ánh tốt hơn hàm lượng carbon, theo TTXVN.
Tại Lễ công bố báo cáo, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận về ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; tạo nền tảng để đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; cải cách hệ thống quy định đối với thị trường hàng hóa; thúc đẩy chuyển đổi số và phục hồi xanh; tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong tương lai…
Đánh giá cao về những phân tích đưa ra trong báo cáo của OECD về kinh tế Việt Nam trong năm 2023, đồng thời coi đây là tài liệu giá trị đối với Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách. Tuy nhiên, phát biểu tại lễ công bố, nhiều đại diện các cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao vẫn kiến nghị đại diện OECD, ADB đưa ra những gợi ý để Việt Nam đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao, bền vững hơn trong thời gian tới.
Liên quan đến kiến nghị này, đại diện OECD cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong giai đoạn tới, Việt Nam có thể tập trung vào phát triển nền kinh tế số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo thuận lợi hơn cho khu vực doanh nghiệp hoạt động; tăng cường hợp tác quốc tế và tạo thuận lợi để khu vực doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, Việt Nam cũng cần có những chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng ADB cho rằng: Việt Nam cần tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Bởi hiện Việt Nam đang là nền kinh tế nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư về lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, có rất nhiều nguồn lực từ bên ngoài đang muốn hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuy nhiên để một bộ, ngành nào đó tiếp cận được nguồn lực này cũng phải mất một thời gian, nên vấn đề khả năng hấp thụ vốn là rất quan trọng, thể chế của Việt Nam cần tạo ra những điều kiện để hấp thụ được nguồn lực này.
Ngoài ra, để tăng trưởng kinh tế bền vững, đại diện ADB cũng cho rằng, Việt Nam nên thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bởi trong bối cảnh Việt Nam đang "loay hoay" trong tắc nghẽn thị trường vốn như hiện nay thì "đầu tư công đóng vai trò then chốt", nếu giải ngân được đầu tư công thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm gánh nặng vốn vào hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement