17/01/2018 10:07
Ở Việt Nam, đi xe không dùng còi là... bất khả thi
Chiến dịch K0 CÒI (không còi) của Ford sau 5 năm hoạt động đã có những dấu ấn đáng kể.
K0 CÒI sau 5 năm đã tạo được những dấu ấn nhất định. |
Tham gia giao thông tại Việt Nam vẫn còn ở mức độ rất kém cả về văn minh lẫn ý thức. Văn hóa giao thông có thể coi là thứ xa xỉ mỗi khi ra đường, và nó góp phần lớn tạo nên tình trạng giao thông hỗn loạn, kẹt xe, va chạm, ô nhiễm khói, bụi và cả âm thanh.
Trong số những hành vi được cho là thiếu ý thức khi tham gia giao thông, sử dụng còi xe vô tội vạ có thể không gây hậu quả nghiêm trọng như vượt đèn đỏ, lấn làn, chen chúc luồn lách…, nhưng nó mang lại sự khó chịu lớn khi khiến cho trên đường phố luôn ồn ào, nhốn nháo.
K0 CÒI của Ford là một chiến dịch hướng thẳng tới việc sử dụng còi xe của người tham gia giao thông, là chương trình lớn đầu tiên thúc đẩy thay đổi hành vi sử dụng còi một cách văn minh của người tham gia giao thông. K0 CÒI được phát động từ năm 2012, tới nay đã được 5 năm. Dấu ấn của KO CÒI là đáng kể, tuy nhiên còi xe trên đường, vẫn là một vấn nạn.
K0 CÒI chọn con đường gần với xã hội, nổi bật là những bức tranh biếm họa của họa sĩ Thành Phong – tác giả của bộ truyện tranh đình đám Sát thủ đầu mưng mủ. Những bức tranh của Thành Phong rất đời, không chỉ tập trung vào việc không sử dụng còi khi tham gia giao thông nói riêng, mà đả động tới văn hóa giao thông ở mọi góc độ, từ vượt đèn đỏ, lạng lách tới đua xe… Chính vì sự gần gũi của những bức tranh, K0 CÒI vì thế đã được đông đảo người dân biết tới, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Nổi bật trong chiến dịch K0 CÒI là những bức tranh biếm họa của họa sĩ Thành Phong |
Thành Phong không ngừng cho ra đời những bức tranh vừa thú vị vừa hài hước nhưng lại vừa “cay mắt” về văn hóa giao thông, bên cạnh những tác phẩm âm nhạc, Rap của những nghệ sĩ trẻ tài năng khác. K0 CÒI chọn con đường tranh và nhạc theo phong cách trẻ nhằm hướng tới các bạn học sinh, sinh viên, đối tượng quan trọng nhất để thay đổi văn hóa giao thông. Năm 2017, K0 CÒI còn nổi bật với trò chơi “Còi to cho vượt” trên các thiết bị di động, cũng hướng tới đối tượng chính là giới trẻ.
Tác động của K0 CÒI về mặt “văn hóa – nghệ thuật” là rất đáng kể, tranh của Thành Phong nổi bật, những bài hát đều rất hay và sâu cay, tuy nhiên tiếng còi trên đường phố có giảm được chút nào không, thì rất khó để đo đạc.
Khách quan mà nói, tham gia giao thông ở Việt Nam, không sử dụng còi là điều “bất khả thi”. Trong rất nhiều trường hợp chạy xe trên đường, dù là xe hơi hay xe máy, bạn đều sẽ phải đối mặt với những tình huống cực kỳ bất ngờ, mà nếu không sử dụng còi, bạn không còn cách nào khác tốt hơn.
Xe phía trước chạy cực chậm ở làn xe hơi, người lái mải mê ngắm những shop quần áo hai bên đường, hay “ninja Lead” xi-nhan trái rồi rẽ phải, thậm chí dừng giữa đường nghe điện thoại, rồi lấn làn, tạt đầu… là những câu chuyện phổ biến khi tham gia giao thông tại Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội hay TPHCM. Còi xe lúc đó dường như là vũ khí duy nhất để cảnh báo, nếu không bạn chỉ còn cách sử dụng “”còi mồm” hay để cho va chạm xảy ra. Rõ ràng ở Việt Nam, chỉ có thể hạn chế sử dụng còi vô tội vạ, chứ cực đoan với còi là điều gần như không thể.
K0 CÒI góp phần khiến người ta nhận ra những thứ kém văn minh khi tham gia giao thông, nhưng để thay đổi cả một văn hóa tham gia giao thông vốn đang rất tệ tại Việt Nam, rõ ràng không chỉ cần nhiều hơn những chiến dịch như K0 CÒI, mà còn cả sự tự giác của từng người khi tham gia giao thông và sự quyết liệt xử phạt của cơ quan chức năng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp