03/02/2019 11:02
Ở tuổi trên 90 nhưng 5 nhân vật này vẫn khiến cả thế giới phải ngả mũ nể phục
Trong những năm gần đây, truyền thông thế giới chứng kiến sự “chiếm sóng” của một loạt những “đại gia” có tuổi đời hơn 90 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và đời sống văn hóa.
Họ không chỉ sở hữu tiền bạc hay khối tài sản khổng lồ, mà còn là những “cây đa, cây đề” trong các lĩnh vực mà mình hoạt động, với sức ảnh hưởng lan rộng trên toàn thế giới. Dưới đây là 5 cái tên châu Á ngoài 90 tuổi đang khiến rất nhiều người phải ngả mũ kính phục.
Mahathir Mohamad: Thủ tướng “mới mà cũ”
Cái tên Mahathir Mohamad có lẽ không còn quá xa lạ với giới tinh hoa thế giới từ lâu nay. Khởi đầu là bác sỹ phẫu thuật tại một tỉnh thuộc miền Bắc Malaysia, ông Mahathir Mohamad sau đó đã “bén duyên” với con đường chính trị và trở thành Thủ tướng Liên bang Malaysia vào năm 1981, nắm giữ vị trí này trong 22 năm liên tiếp.
Đến tháng 5/2018, 15 năm sau khi rời khỏi chính trường, nhà lãnh đạo người Malaysia lại tiếp tục đứng ra tranh cử và một lần nữa giành chiến thắng vang dội để trở thành Thủ tướng đương nhiệm cao tuổi nhất thế giới. Trả lời phỏng vấn về lần tái tranh cử này, vị Thủ tướng 93 tuổi nói: "Tôi không còn nhiều thời gian nữa. Tôi phải làm một số việc để xây dựng lại đất nước của mình - có lẽ vì những sai lầm mà bản thân tôi đã mắc phải trong quá khứ".
Mahathir Mohamad là thủ tướng đương nhiệm cao tuổi nhất thế giới. Ông đã bước sang tuổi 93. |
Có một sự thật là Thủ tướng Mahathir không hài lòng với hai người kế nhiệm của mình là Abdullah Ahmad Badawi và đặc biệt là Najib Razak - người đã “sa lầy” trong vụ bê bối tài chính lên đến hàng tỷ USD của quỹ nhà nước 1Malaysia Development Berhad (1MDB) đã khiến ông phải đối mặt với án tù.
Phong cách cầm quyền của Thủ tướng Mahathir nổi bật với quan điểm rõ ràng và nguyên tắc. Trong nhiệm kỳ cầm quyền của mình, vị Thủ tướng “mới mà cũ” này luôn tỏ rõ quan điểm cứng rắn trong các cuộc đàm phán lại thỏa thuận với phía Trung Quốc, trong đó điển hình nhất là quyết định hủy bỏ một tuyến đường sắt cao tốc đến Singapore. Ngoài ra, ông cũng là một trong những nhà lãnh đạo đã đứng lên ủng hộ cho người Palestine tại Liên hợp quốc.
Hiện nay, mặc dù có một số vấn đề về sức khỏe, song Thủ tướng Mahathir vẫn giữ được thần thái. Bên cạnh đó, cuộc hôn nhân hạnh phúc sau 72 năm với bà Siti Hasmah, 92 tuổi, cũng là một bác sĩ y khoa, khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Lee Shau Kee: "Warren Buffett" của Hong Kong (Trung Quốc)
Những ai đã từng nghe đến quỹ học bổng Lee Shau Kee chắc hẳn sẽ rất tò mò về câu chuyện của chủ nhân quỹ này: “Ông vua” bất động sản Lee Shau Kee. Sinh ra trong gia đình nghèo khó đến nỗi chỉ có thể trang trải hai bữa cơm có thịt (hoặc cá) mỗi tuần, nhờ nỗ lực vươn lên cùng một chút may mắn khi lập nghiệp vào đúng thời điểm thị trường nhà đất Hong Kong (Trung Quốc) bùng nổ, cậu bé Lee Shau Kee nhỏ bé ngày nào giờ đã trở thành Người sáng lập kiêm Chủ tịch, Giám đốc điều hành của Công ty Phát triển Nhà đất Henderson với khối tài sản ước tính 31,5 tỷ USD (tính đến đầu năm 2018).
Nhà tài phiệt Lee Shau Kee (giữa) được ví như "Warren Buffett" của Hong Kong (Trung Quốc) với khối tài sản ước tính 31,5 tỷ USD (tính đến đầu năm 2018). |
Không chỉ được biết đến với khối tài sản khổng lồ, nhà tài phiệt được ví như "Warren Buffett" của Hong Kong (Trung Quốc) còn gây ấn tượng bởi rất nhiều hoạt động từ thiện mà ông tham gia. Đầu năm 2018, ông Lee đã tổ chức sinh nhật lần thứ 90 với 37 sinh viên tốt nghiệp từng được nhận học bổng từ quỹ Lee Shau Kee để theo học tại trường Wadham College, thuộc thành phố Oxford, Vương quốc Anh trong giai đoạn 1979-2006 .
Ngoài ra, ông Lee cũng quyên góp tổng cộng 500 triệu HKD (tương đương 64 triệu USD) cho trường Đại học Hong Kong (Trung Quốc) và 400 triệu HKD cho trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc).
Tao Porchon-Lynch: Người phụ nữ không tuổi
Theo đuổi đam mê bất chấp tuổi tác là những gì người ta cảm nhận được ở cụ bà Tao Porchon-Lynch. Sinh ra tại thành phố Pondicherry (Ấn Độ) và mang trong mình hai dòng máu Ấn – Pháp, cụ bà Tao Porchon-Lynch được coi là một trong những biểu tượng về một phong cách sống đẹp.
Sau gần 9 thập kỷ gắn bó với bộ môn yoga, cụ bà Tao Porchon-Lynch vẫn là một giáo viên yoga rất tích cực dù đã tròn 100 tuổi. |
Cụ bà Tao Porchon-Lynch đến nay đã tròn 100 tuổi. Ở độ tuổi xưa nay hiếm, cụ bà vẫn tập thuần thục các động tác yoga và được tổ chức kỷ lục Guinness thế giới công nhận là “Giáo viên yoga lớn tuổi nhất” vào năm 2012. 5 năm sau đó, bà một lần nữa được xướng tên “Nữ vũ công lớn tuổi nhất thế giới” sau khi phát hiện ra niềm đam mê đặc biệt đối với điệu nhảy tango vào năm 87 tuổi. Năm 2015, ở độ tuổi 96, bà Tao xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế "America's Got Talent" của NBC với bạn nhảy nam Vard Maryan 26 tuổi.
Đến nay, sau gần 9 thập kỷ gắn bó với bộ môn yoga, cụ bà Tao Porchon-Lynch vẫn là một giáo viên yoga rất tích cực. Bà dạy từ 6-8 lớp mỗi tuần và đồ uống chỉ gồm rượu và trà. Hai năm trước, trả lời phỏng vấn tạp chí Hong Kong Tatler, bà Tao nói: “Tôi cho rằng không có thứ gọi là tuổi tác. Yoga thực sự giúp bạn kiểm soát và đạt đến trạng thái tĩnh tâm, vì thế bạn có thể khai thác sức mạnh đó. Thở đúng cách cũng là cửa ngõ để duy trì sự yên tĩnh, tuổi thọ và sức sống".
Sadako Ogata: Niềm tự hào của “xứ hoa anh đào”
Sadako Ogata, năm nay 91 tuổi, một học giả, nhà ngoại giao và là nhà hoạt động nhân đạo nổi tiếng người Nhật Bản. Bà từng theo học tại trường Đại học Georgetown (Mỹ) vào đầu những năm 1950 - thời điểm mà khái niệm đi du học còn khá xa vời đối với đất nước "Mặt Trời mọc". Sau đó, bà trúng tuyển vào trường Đại học California, Berkeley và rồi trở thành Chủ nhiệm khoa quốc tế học tại trường Đại học Sophia ở thủ đô Tokyo.
Sadako Ogata, năm nay 91 tuổi, một học giả, nhà ngoại giao và là nhà hoạt động nhân đạo nổi tiếng người Nhật Bản. |
Năm 1991-2000, bà Sadako Ogata là Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, nơi bà đóng vai trò lãnh đạo trong các cuộc khủng hoảng tị nạn ở Iraq, vùng Sừng châu Phi, Rwanda, Afghanistan và một số nơi khác. Ngày 4/7/1995, bà Ogata trở thành phụ nữ đầu tiên được tặng thưởng Huy chương Tự do Philadelphia về các nỗ lực của bà trong cương vị Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn. Sau đó, năm 2003, bà được bổ nhiệm làm Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và nắm giữ vị trí này cho đến nay.
Ở độ tuổi 91, bà Ogata hiện là Chủ tịch danh dự của Ban cố vấn của Quỹ An ninh và Nhân sinh của Liên hợp quốc, đồng thời là cố vấn cho Mô hình Liên hợp quốc tại Nhật Bản. Cùng với đó, quỹ học bổng mang tên Sadako Ogata của trường Đại học London vẫn đang tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ cho sinh viên xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn đến từ những quốc gia có thu nhập thấp.
Chang Yun Chung: Tài năng nở muộn
Ông Chang Yun Chung, 100 tuổi, đã trở thành tỷ phú lớn tuổi nhất thế giới kể từ sau khi nhà tài phiệt David Rockefeller của gia tộc lừng danh Rockefeller qua đời vào năm 2017 ở tuổi 101. Khi nói về đại gia này, điều đáng chú ý nhất có lẽ là việc ông nổi tiếng khá muộn. Ở tuổi 97, ông Chang Yun Chung mới lần đầu tiên được góp mặt trong bảng xếp hạng các tỷ phú thế giới nhờ sự thành công của công ty vận tải Pacific International Lines (PIL) có trụ sở ở Singapore do chính ông sáng lập vào năm 49 tuổi.
Ông Chang Yun Chung, 100 tuổi, tỷ phú lớn tuổi nhất thế giới hiện nay. |
Được thành lập vào năm 1967, PIL đến nay đã có mạng lưới hoạt động gồm 170 tàu container để phục vụ thị trường Trung Quốc và phần còn lại của các khu vực châu Á và châu Phi. Ngoài ra, PIL còn sở hữu một nhà máy đóng container ở Thượng Hải, được khai trương vào năm 1989 và phần lớn cổ phần của Mariana Express Lines - công ty mà PIL đã mua lại vào năm 2015.
Tỷ phú Chang Yun Chung có tính cách khép kín, được sinh ra ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc vào cuối Thế chiến thứ I. Năm 1949, ông chuyển đến Singapore, nơi ông gia nhập ngành vận tải biển. Năm 2018, tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản của ông khoảng 1,9 tỷ USD và xếp ông ở vị trí người giàu có thứ 15 Singapore và người giàu có thứ 1.284 thế giới.
Advertisement
Advertisement