Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nước Mỹ sẽ đi về đâu khi chính phủ đóng cửa kéo dài?

Phân tích

14/01/2019 10:46

Chính phủ Mỹ vẫn đang tiếp tục đóng cửa, và đây là lần đóng cửa dài nhất lịch sử nước này.

Chính phủ Mỹ vẫn đang tiếp tục bị đóng cửa và đây là lần đóng cửa kéo dài kỷ lục trong lịch sử nước này, khi Tổng thống Donald Trump đã công khai tuyên bố sẵn sàng để chính phủ đóng cửa nhiều tháng, thậm chí cả năm, nếu không đạt được thỏa hiệp với Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát về việc xây bức tường ở biên giới phía Nam giáp Mexico. Khi những hệ lụy của lần đóng cửa chính phủ này nghiêm trọng hơn nhiều những lần trước đó, nước Mỹ sẽ đi về đâu là câu hỏi mà Tổng thống Trump sẽ phải sớm tìm ra câu trả lời.

Việc đóng cửa chính phủ không còn là xa lạ đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới khi Quốc hội bất đồng về chi tiêu ngân sách, hay như lần này là sự đối đầu giữa Tổng thống Trump và Hạ viện. Trong 42 năm trở lại đây, tính từ 1976, Chính phủ Mỹ đã đóng cửa 16 lần, lần lâu nhất là 21 ngày vào tháng 12/1995.

Điều mà giờ đây hàng triệu người dân Mỹ mong mỏi là khi nào chính phủ mở cửa trở lại, khi nào họ được đi làm trở lại và nhận lương bình thường, thật khó có câu trả lời trong vòng vài ngày tới.

Người dân Mỹ đang đặt câu hỏi khi nào chính phủ mở cửa lại.
Người dân Mỹ đang đặt câu hỏi khi nào chính phủ mở cửa lại.

Đàm phán bất phân thắng bại

Chiều 9/1 (giờ Mỹ) tức là đêm 10/1 (giờ Việt Nam), chưa đầy một ngày sau khi ông Trump lên sóng truyền hình trực tiếp thuyết phục người dân Mỹ về việc cần thiết phải xây bức tường biên giới trị giá 5,6 tỷ USD để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ, ông đã có buổi làm việc với đại diện phe Dân chủ, những người đang nắm giữ Hạ viện để tìm kiếm giải pháp cho những bế tắc chính trị hiện đang làm tê liệt nước Mỹ về nhiều mặt trong những ngày qua.

Tuy nhiên, bất chấp những hệ lụy của việc chính phủ đóng cửa đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nhiều triệu người Mỹ và nền kinh tế Mỹ, cả hai bên đối thoại không hề có dấu hiệu chịu nhân nhượng xuống thang.

Phe dân chủ vẫn cương quyết không thông qua ngân sách cho bức tường mà ông Trump đề xuất còn ông Trump thì đã sẵn sàng tinh thần “bỏ qua” Hạ viện nếu cần để đạt được mục tiêu của mình.

Phe dân chủ cương quyết không đồng thuận với ông Trump.
Phe dân chủ cương quyết không đồng thuận với ông Trump.

Theo ước tính, nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu chính phủ đóng cửa trong 1 tuần nên đợt đóng cửa hiện nay đang khiến nước Mỹ mất khoảng 20 tỷ USD. Vậy mà ông Trump đã công khai tuyên bố sẵn sàng để chính phủ đóng cửa nhiều tháng, thậm chí cả năm, nếu không đạt được thỏa thuận với Quốc hội.

Trong bài phát biểu dài khoảng 9 phút được phát sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình lớn của nước Mỹ, ông Trump ông khẳng định việc xây bức tường như ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình hồi năm 2015 là vấn đề then chốt đối với an ninh của nước Mỹ và kêu gọi các nghị sĩ đồng thuận chi ngân sách để thực hiện.

Để chứng minh cho luận điểm của mình, ông Trump đã nhấn mạnh tình trạng buôn người, buôn lậu ma túy qua khu vực biên giới với những con số cụ thể. Còn đại diện Hạ viện và phe Dân chủ, bà Nancy Pelosi đã đáp trả khá gay gắt ngay sau đó: “Tổng thống Trump phải chấm dứt dùng người dân Mỹ như những con tin, chấm dứt việc thêu dệt nên cuộc khủng hoảng và phải mở cửa lại chính phủ.

Vài phút sau khi ông Trump kết thúc bài phát biểu thì giới truyền thông Mỹ cũng nhanh chóng chỉ ra có quá nhiều điều tổng thống nói không thực sự phản ánh đúng bản chất vấn đề. Chẳng hạn, trong bài phát biểu của mình, ông Trump khẳng định khoản chi cho xây bức tường sẽ được hoàn vốn một cách gián tiếp bằng chính những lợi nhuận do Hiệp định thương mại Mỹ đã ký với Mexico gần đây mang lại.

Ông Trump có chính kiến của mình về việc xây bức tường.
Ông Trump có chính kiến của mình về việc xây bức tường.

Thế nhưng cánh báo chí chỉ ra rằng Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ sửa đổi (hay còn gọi là Hiệp định Mỹ- Mexico- Canada) hiện chưa được Quốc hội Mỹ thông qua. Và kể cả nếu như hiệp định này mang lại các lợi ích kinh tế thông qua các hình thức như thuế thấp hơn đối với các công ty Mỹ hoặc người lao động Mỹ được trả lương cao hơn thì điều đó cũng không đồng nghĩa với những gì ông Trump đã cam kết trước công chúng: Đó là buộc Mexico phải chi tiền cho việc xây bức tường.

Tuy nhiên, ông Trump không phải tổng thống đầu tiên yêu cầu Quốc hội thông qua ngân sách để xây tường biên giới. Việc xây tường biên giới phía nam đã được tiến hành dưới thời cả hai tổng thống Bush cha và Bush con, thời tổng thống Bill Clinton, và hệ thống tường rào này cũng đã được duy trì và gia cố thêm dưới thời tổng thống Obama. 

Giới phân tích chính trị Mỹ cho rằng như vậy khó có thể coi việc xây bức tường lần này là việc khẩn cấp như ông Trump mong muốn. Nếu ông Trump quyết định nước cờ chơi tới cùng bằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu không có được sự đồng thuận của Hạ viện, nhiều khả năng ông sẽ phải điều trần trước tòa về việc tại sao việc xây tường lại là khẩn cấp, chưa kể phe Dân chủ hoàn toàn có thể nhân cơ hội này quy kết ông lạm dụng quyền hạn của tổng thống.

Thiệt hại nặng nề

Trong khi đó, hệ lụy của đợt đóng cửa chính phủ lần này, lần thứ hai kể từ khi ông Trump lên nắm quyền hơn 2 năm qua, là những cảnh không nhiều người muốn nhìn thấy trên đất Mỹ: rác chất đống trong các công viên quốc gia, các bảo tàng nổi tiếng đóng cửa, và hoạt động an ninh tại các sân bay bị đình trệ do nhiều nhân viên của Cục An ninh Vận tải (TSA), bộ phận thiết yếu tại sân bay, đồng loạt nghỉ làm từ khi họ không nhận được lương.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các tòa án liên bang đang phải dùng đến quỹ và sẽ xài hết vào ngày 18/1. Sau ngày này chỉ những hoạt động quan trọng của các tòa án liên bang mới được duy trì.Trong thời gian đóng cửa, khoảng 800.000 viên chức liên bang mất việc hoặc đi làm mà tạm thời không được trả lương.

Ông Trump không chịu nhượng bộ trước Hạ viện.
Ông Trump không chịu nhượng bộ trước Hạ viện.

Những hệ lụy của lần đóng cửa chính phủ này nghiêm trọng hơn nhiều những lần trước đó và những người cảm nhận rõ nhất không chỉ là những người làm việc trong hệ thống công quyền mà còn là những người nghèo hiện phải nhận trợ cấp xã hội. Nếu chính phủ Mỹ không mở cửa lại vào tháng 2 thì hàng triệu người Mỹ hiện sống nhờ chương trình hỗ trợ dinh dưỡng sẽ tạm thời không nhận được trợ giúp vì Bộ Nông nghiệp – cơ quan chủ trì chương trình này là một trong các cơ quan không được trả lương trong thời gian chính phủ đóng cửa.

Tuy nhiên, phải chăng ông Trump vẫn “bình chân như vại” không chịu nhượng bộ với Hạ viện để mở cửa lại chính phủ vì ông đã giải quyết được một vấn đề vốn được coi là nan giải nhất bất kỳ khi nào xảy ra việc chính phủ ngừng hoạt động: Vấn đề hoàn thuế.

Chính phủ của ông đã cho phép Sở Thuế vụ trả tiền hoàn thuế như bình thường kể cả trong thời gian sở bị đóng cửa, một thay đổi chưa từng có tiền lệ trong các lần chính phủ phải đóng cửa trước đây. Nhờ vậy, dù chính phủ có đóng cửa đến hết tháng 1 thì hàng trăm tỷ USD tiền hoàn thuế cũng sẽ vẫn tới được với hơn 30 triệu hộ gia đình, tránh được hậu quả chính trị to lớn nếu động đến “đồng tiền, bát gạo” của người dân.  

Tuy nhân, là một tỷ phú doanh nhân am hiểu về kinh tế trước khi trở thành người đứng đầu nước Mỹ, chắc hẳn ông Trump cũng đồng tình với nhận định của nhiều nhà kinh tế rằng việc Chính phủ Mỹ đóng cửa lần này xảy ra vào thời điểm không thể tồi tệ hơn, khi các thị trường tài chính đang chao đảo dữ dội và nền kinh tế đang có khả năng rơi vào suy thoái. Chắc chắn việc đóng cửa chính phủ kéo dài sẽ tác động lên tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như năng suất lao động của nước Mỹ.

Việc đóng cửa chính phủ quá lâu sẽ gây ra những tiêu cực cho thị trường.
Việc đóng cửa chính phủ quá lâu sẽ gây ra những tiêu cực cho thị trường.

Theo số liệu được công bố công khai, giá cổ phiếu và trái phiếu giảm mạnh kể từ tháng 10/2018 đang chỉ ra những nguy cơ của một cuộc suy thoái khi mà các nền kinh tế thế giới, nhất là Trung Quốc, đang phát triển chậm lại một cách nhanh chóng.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang đứng trước những lựa chọn rất khó khăn: tập trung hơn nữa vào kinh tế nội địa và giữ lãi suất ngân hàng cao để chống lạm phát hay chú tâm nhiều hơn đến những vấn đề ở bên ngoài, thị trường, và giữ lãi suất ngân hàng ở mức thấp hơn khi mà tình hình hiện nay diễn biến phức tạp bởi các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của cục này: đó là việc Chính phủ bị đóng cửa chưa biết đến bao giờ, chưa kể cuộc chiến thương mại Mỹ Trung vẫn đang diễn biến khó lường.

Đóng cửa chính phủ kéo dài, nước Mỹ sẽ đi về đâu là câu hỏi ông Trump sẽ phải tìm ra câu trả lời, càng nhanh càng tốt, theo TTXVN.

MINH TUẤN (t/h)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement