19/09/2017 12:33
Nộp hơn 200 tỷ sửa chợ, mòn mỏi chờ bốn năm không xong, tiểu thương chợ An Đông bãi thị
Sáng 19/9, hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại Trung tâm thương mại An Đông (còn được gọi là chợ An Đông) đồng loạt bãi thị để phản đối việc sửa chữa chợ chậm chễ.
Rủ nhau đóng cửa sạp
Những tiểu thương tham gia bãi thị tại chợ An Đông (quận 5, TP.HCM), yêu cầu UBND quận 5 ban hành quyết định bãi bỏ hợp đồng cho thuê sạp có thời hạn đối với tiểu thương. Theo các tiểu thương, hợp đồng này là vô hiệu do chợ truyền thống là không được thu tiền thuê quầy sạp; UBND quận 5 công nhận quyền sở hữu quầy sạp của tiểu thương vì nguồn gốc chợ là do tiểu thương đóng tiền trước một năm để xây dựng chợ.
Tiểu thương cũng yêu cầu UBND quận 5 phải gửi số tiền 217 tỉ đồng do tiểu thương đóng góp (để sửa chữa chợ từ năm 2013) vào ngân hàng do đại diện tiểu thương và ban quản lý cùng làm chủ tài khoản để giám sát việc thu chi.
Theo đại diện tiểu thương tham gia bãi thị, số tiền 217 tỷ đồng thu của tiểu thương từ năm 2013 không phải là tiền ngân sách nhà nước nên họ yêu cầu số tiền này phải được sử dụng vào trùng tu, sửa chữa chợ chứ không phải nộp vào kho bạc suốt mấy năm qua, trong khi điều kiện kinh doanh tại chợ ngày càng xuống cấp.
Trước bức xúc của tiểu thương, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5 đã trực tiếp xuống chợ đối thoại. Trước những yêu cầu của tiểu thương, ông Huy cho biết số tiền 217 tỷ đồng đã được thành phố cho phép sử dụng để sửa chữa chợ. Quá trình sửa chữa cũng sẽ có đại diện tiểu thương tham gia giám sát với ban quản lý chợ. Riêng việc bãi bỏ quyết định ký hợp đồng thuê quầy sạp có thời hạn, quận không thể quyết định được mà đợi ý kiến từ thành phố.
Không bằng lòng với những giải thích của ông Huy, toàn bộ tiểu thương tham gia buổi bãi thị đã đồng loạt kéo nhau lên UBND thành phố. Đại diện UBND đã tiếp và lắng nghe những phản ánh, bức xúc của tiểu thương. Trong buổi tiếp xúc này, ngoài những nội dung tiểu thương yêu cầu khi bãi thị, bà con còn phản ánh UBND quận 5 chậm triển khai xây dựng, sửa chữa chợ làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán. Mặc dù phương án sửa chữa chợ đã có từ năm 2013, UBND quận, ban quản lý chợ nhiều lần hứa triển khai sửa chữa nhưng đều không thực hiện. Đại diện Ban tiếp dân của UBND TP.HCM đã ra văn bản ghi nhận ý kiến của tiểu thương và sẽ xử lý theo quy định.
Đi vệ sinh cũng sợ trần sập
Buổi bãi thị của tiểu thương chợ An Đông trong sáng 19/9 là đỉnh điểm của những bức xúc kéo dài nhiều năm nay. Vì theo nhiều tiểu thương, từ năm 2013 khi tiến hành thu tiền thuê quầy sạp của tiểu thương trong chợ, tiểu thương được thuyết phục số tiền họ đóng (217 tỷ đồng) sẽ được sử dụng vào sửa chữa chợ.
Rất nhiều lần dù đã thỏa thuận với tiểu thương về thời gian sửa chữa chợ, nhưng mọi việc vẫn chưa được tiến hành. Nhiều sạp hàng dù kinh doanh ở tầng lầu nhưng vẫn phải che bạt ngăn nắng mưa. Không ít lần hàng hóa (chủ yếu là quần áo, vải vóc…) bị hư hỏng do mưa tạt.
Cách đây chừng một năm, ban quản lý chợ tiến hành sửa chữa nhà vệ sinh các tầng, với chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ vài tháng sau khi sửa đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều người trong chợ hiện sử dụng nhà vệ sinh phải đội nón chống ướt, thậm chí là đội mũ bảo hiểm vì sợ trần sụp.
Nhiều lần kiến nghị lên UBND quận 5, tiểu thương được lãnh đạo hứa đẩy nhanh tiến độ song mọi việc vẫn gần như giậm chân tại chỗ. Ngay cả khi ông Phạm Quốc Huy đã xác nhận và ký vào tờ thông báo với bà con thương nhân thống việc tiến hành sửa chữa, nâng cấp 4 mặt tiền chợ sẽ được khởi công trong tháng 6/2017. Những hàng mục khác sẽ được triển khai vào các tháng sau đó. Thế nhưng, hiện chưa có hạng mục nào được triển khai. Trong cuộc tiếp xúc với thương nhân gần đây, đại diện quận 5 cũng chỉ thừa nhận chậm trễ và tiểu thương tiếp tục nối dài sự thất vọng.
Hơn một tháng trước, ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM trực tiếp thị sát tại chợ, hàng trăm tiểu thương đưa ông đi khắp chợ, chỉ từng vị trí, hạng mục đã xuống cấp…
Trong buổi gặp này, ông Trần Vĩnh Tuyến đã nhấn mạnh việc sửa chữa chợ An Đông không chỉ bảo đảm môi trường kinh doanh sạch đẹp cho tiểu thương mà là tạo điểm tham quan du lịch mua sắm. Ông Tuyến cũng yêu cầu các cơ quan chức năng ghi nhận góp ý của tiểu thương, có phương án sửa chữa, nâng cấp chi tiết cho chợ An Đông càng sớm càng tốt.
Chỉ đạo của UBND là thế, nhưng chừng ấy thời gian trôi qua, mọi việc vẫn không có gì thay đổi. “Bao năm nay luôn là như vậy, tiểu thương có kiến nghị, có bức xúc đến đâu cũng chỉ nhận được những trấn an rồi mọi chuyện cứ để đó…”, chị Thu Thùy, tiểu thương kinh doanh tại chợ bày tỏ.
Advertisement
Advertisement