Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nóng phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính gấp rút cảnh báo

Chứng khoán

18/09/2020 20:03

Nhà đầu tư nếu không phân tích, đánh giá rủi ro, đầu tư chỉ vì lãi suất cao sẽ có rủi ro mất vốn.

Bộ Tài chính cho biết có tình trạng doanh nghiệp tăng mạnh huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng gần đây.

Nhà đầu tư rủi ro mất vốn

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng - Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây đã trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp. Thị trường này đã từng bước cho thấy sự dịch chuyển vốn từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, cân bằng với tín dụng ngân hàng, giảm áp lực cung ứng vốn của kênh tín dụng ngân hàng.

Bộ Tài chính cảnh báo tình trạng doanh nghiệp tăng mạnh huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cảnh báo tình trạng doanh nghiệp tăng mạnh huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Đến cuối tháng 7/2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở mức tương đương 11,2% GDP năm 2019. So với một số nước trong khu vực, mặc dù quy mô thị trường Việt Nam còn thấp, nhưng sự phát triển nhanh thời gian qua đặt ra rủi ro.

Theo phân tích của ông Dương, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án. Nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu gây bất ổn cho thị trường.

Nhà đầu tư trái phiếu nếu không phân tích, đánh giá rủi ro, đầu tư trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, sẽ có rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Các tổ chức phân phối, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp - có thể là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, cũng có rủi ro không thực hiện được các nghĩa vụ, cam kết với nhà đầu tư theo các điều kiện, điều khoản của trái phiếu, do không đáp ứng được các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý giám sát để hạn chế, giảm thiểu những rủi ro cho thị trường. Bộ đã nhiều lần khuyến nghị các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cảnh báo nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân phải cân nhắc về các rủi ro khi đầu tư, thận trọng đối với việc chào mời và cam kết.

Saigon Glory, chủ đầu tư dự án Spirit of Saigon là một trong 2  doanh nghiệp phát hành trái phiếu  doanh nghiệp nhiều nhất tháng 8, thu về 5.000 tỷ đồng. Nếu tính từ đầu năm 2020, doanh nghiệp này đã phát hành thành công 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Spirit of Saigon
Saigon Glory, chủ đầu tư dự án Spirit of Saigon là một trong 2 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất tháng 8, thu về 5.000 tỷ đồng. Nếu tính từ đầu năm 2020, doanh nghiệp này đã phát hành thành công 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Spirit of Saigon

Doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh quy mô phát hành, lãi suất cao

Về hiện tượng một số doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ nhưng phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu; một số doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh quy mô phát hành nhằm thu hút nhà đầu tư, đã đẩy cao lãi suất lên cao, ông Nguyễn Hoàng Dương phân tích, nếu tình hình sản xuất kinh doanh tốt, thị trường bất động sản diễn biến thuận lợi thì doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà đầu tư, khi sở hữu trái phiếu.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ, khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn. Do quy mô năng lực tài chính hạn chế sẽ không thể trang trải được khoản nợ lớn đã phát hành. Đối với doanh nghiệp bất động sản, bên cạnh vay nợ trái phiếu thì các doanh nghiệp này còn vay ngân hàng.

"Nếu cứ đẩy lãi suất lên cao để huy động trái phiếu với khối lượng lớn, khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, hoặc thị trường bất động sản gặp khó khăn, thì rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp, cũng như tổ chức tín dụng và nhà đầu tư trái phiếu, do doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ", ông Nguyễn Hoàng Dương phân tích.

Vị này  cho biết trước hiện tượng một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, Bộ Tài chính đã cung cấp thông tin để Ngân hàng Nhà nước phối hợp quản lý, giám sát việc cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong tháng 8/2020, có đến 723 lượt đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với giá trị đăng ký gần 127.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có 37 doanh nghiệp phát hành thành công trái phiếu thông qua 172 đợt, đạt giá trị gần 38.400 tỷ đồng. Kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành bình quân trong tháng này là 3,97 năm.

Bộ Tài chính cho biết có hiện tượng một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao. Ảnh: LĐXH
Bộ Tài chính cho biết có hiện tượng một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao. Ảnh: LĐXH

Đáng chú ý, trong tháng 8, nhóm doanh nghiệp bất động sản đã vượt mặt tổ chức tín dụng, trở thành nhà phát hành trái phiếu nhiều nhất thị trường, với số dư 11.670 tỷ đồng, chiếm 30,4% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Các tổ chức tín dụng đứng thứ 2, phát hành 10.038 tỷ đồng trái phiếu trong tháng, chiếm 26,1%.

Nhóm dịch vụ phát hành thành công 6.826 tỷ trái phiếu (17,8%); nhóm sản xuất đạt 2.650 tỷ (6,9%); và nhóm chứng khoán đạt 1.050 tỷ (2,7%)…

Các doanh nghiệp phát hành nhiều trái phiếu nhất tháng 8 đều là những doanh nghiệp lớn, liên quan tới các doanh nhân giàu nhất thị trường hiện nay.

Điển hình, Công ty CP Tập đoàn Sovico của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và Công ty TNHH Saigon Glory (công ty con của Bitexco) là hai doanh nghiệp huy động trái phiếu nhiều nhất tháng 8, cùng ở mức 5.000 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh, huy động được 4.085 tỷ qua kênh trái phiếu.

VPBank và LienVietPostBank trong tháng 8 mỗi nhà băng cũng phát hành thành công 2.500 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.

Một điểm chú ý trong tháng 8 nữa là nhiều doanh nghiệp lớn gia tăng vay nợ thông qua kênh trái phiếu. Như Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) huy động 2.220 tỷ; FE Credit huy động 1.900 tỷ; BIDV huy động 1.867 tỷ; Công ty CP Địa ốc Phú Long phát hành 1.800 tỷ đồng…

Trước đó, theo báo cáo của HNX, những nhà phát hành trái phiếu nhiều nhất nửa đầu năm 2020 cũng là những doanh nghiệp, ngân hàng lớn nhất. 

Trong đó, BIDV là doanh nghiệp có số dư trái phiếu phát hành thành công nhiều nhất nửa đầu năm, với 15.168 tỷ đồng thông qua 34 đợt phát hành. Công ty CP Vinhomes (VHM) huy động hơn 12.000 tỷ từ 71 đợt phát hành.

Công ty CP Đầu tư Phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam huy động được 9.716 tỷ đồng với 200 đợt phát hành; HDBank huy động 8.500 tỷ qua 10 lần phát hành. Công ty CP Tập đoàn Sovico huy động 8.000 tỷ qua 69 đợt phát hành; VPBank thu 7.000 tỷ sau 12 đợt phát hành.

H.LINH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement