28/05/2018 18:37
Nới room khuyến mại tới 100%: Không phải doanh nghiệp muốn là được
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 81/2018/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, văn bản quy phạm pháp luật này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/7.
Theo đó, DN tổ chức chương trình khuyến mại tập trung có thể áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa và dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%, thay vì 50% như trước đây. Các chương trình này phải do cơ quan nhà nước chủ trì tổ chức trong một khoảng thời gian xác định (theo giờ, ngày, tuần, tháng…) nhằm thực hiện chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của quốc gia hoặc điạ phương.
Bên cạnh đó, hạn mức này còn được áp dụng với hàng hóa trong khuôn khổ các hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng quyết định và các đợt khuyến mại trong thời gian nghỉ lễ tết. Đối với sản phẩm được khuyến mại nằm ngoài các trường hợp này, mức giảm tối đa không được vượt quá 50% giá trị hàng hóa ngay trước thời gian khuyến mại.
Việc nới room khuyến mãi lên đến 100% nhưng DN vẫn không được tự quyết định. |
Nghị định 81 cũng quy định tổng thời gian thực hiện khuyến mại bằng hình thức giảm giá đối với một nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 120 ngày một năm. DN phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng trong các chương trình khuyến mại mang tính may rủi.
DN thực hiện khuyến mại phải đảm bảo không so sánh trực tiếp hàng hóa và dịch vụ của mình với tổ chức hoặc cá nhân khác. Đồng thời, không đưa ra điều kiện nhằm lôi kéo khách hàng từ chối hoặc đổi trả sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Hàng hóa và dịch vụ được khuyến mại không bao gồm rượu, xổ số, thuốc lá, thuốc chữa bệnh…
Trước đây, vì vướng quy định chỉ được khuyến mãi tối đa 50%, nhiều DN tìm cách “lách luật”. Ví dụ như sau khi giảm giá 50%, nếu khách mua hàng đạt mức 1 triệu đồng sẽ được giảm thêm 10 - 20%; hoặc mua sản phẩm đầu tiên giảm 49%, mua sản phẩm thứ 2, 3 sẽ được giảm tiếp 30-40%... Như vậy tổng cộng mức giảm đã vượt quá quy định 50%.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, nguyên phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nhà nước cần phải có cơ chế giám sát, không để các chương trình khuyến mãi bị biến tướng dưới nhiều hình thức để lừa đảo người tiêu dùng, hay khuyến mãi chỉ với mục đích chính chỉ là khách hàng đến với mình...
“Để các chương trình này hiệu quả, cần phải quy trách nhiệm cho cơ quan quản lý. Nếu để xảy ra vi phạm, DN không báo cáo, số liệu không minh bạch, các cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm”, ông Phú nhìn nhận.
Trao đổi với đại diện Sở công thương TPHCM, vị này cho biết, hiện đang tham mưu cho lãnh đạo Sở về nghị định này. Tuy nhiên, vị này cho rằng dù nghị định 81 nới room cho DN được khuyến mãi lên đến 100% nhưng phải là chương trình khuyến mãi tập trung do cơ quan cấp trung ương tỉnh, thành phố tổ chức, chứ nghị định không xóa trần khuyến mãi 50% nếu DN tự tổ chức.
“Phải làm sao tránh tình trạng DN khuyến mãi theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, “nói 1 đằng làm 1 nẻo”. Chúng ta phải có cơ chế kiểm soát điều này, nếu không e rằng các chương trình khuyến mãi 100% sẽ… vỡ trận", vị này chia sẻ.
Một cái khó nữa là Sở không thể giải quyết nhanh hồ sơ của DN khi tham gia các chương trình khuyến mãi. Bởi mỗi ngày, đơn vị này phải duyệt từ 300-400 bộ hồ sơ.
“Để tạo điều kiện cho DN tham gia các chương trình khuyến mãi của thành phố, tỉnh, trung ương tổ chức, Sở phải nâng cấp phần mềm điện tử trong việc giải quyết hồ sơ. Do đó việc này không thể áp dụng ngay một sớm một chiều mà có thể mất từ 1-2 năm”, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp