20/09/2023 14:16
Nợ toàn cầu lên mức cao kỷ lục 307.000 tỷ USD
Theo một báo cáo mới của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 307 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm nay, do khoản vay giữa các chính phủ và tổ chức tài chính tăng mạnh.
Nợ đã tăng 10.000 tỷ USD lên 307.000 tỷ USD trong sáu tháng đầu tiên tính đến tháng 6, cao hơn 100.000 tỷ USD so với một thập kỷ trước, IIF cho biết trong báo cáo Giám sát nợ toàn cầu mới nhất của mình.
"Hơn 80% khoản nợ tích tụ đến từ các thị trường trưởng thành trong nửa đầu năm 2023, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Anh và Pháp ghi nhận mức tăng lớn nhất", các nhà kinh tế Emre Tiftik, Khadija Mahmood và Raymond Aycock của IIF cho biết.
"Tại các thị trường mới nổi, nợ gia tăng rõ rệt hơn ở Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil".
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết trong một báo cáo hồi đầu tháng này rằng nợ toàn cầu đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp xuống còn 235.000 tỷ USD vào năm ngoái, tương đương 200 tỷ USD so với mức của năm 2021.
Gánh nặng nợ toàn cầu vẫn ở trên "mức trước đại dịch vốn đã cao", tổ chức cho vay có trụ sở tại Washington cho biết trong một bài đăng trên blog.
Báo cáo cho biết tổng nợ ở mức 238% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu vào năm ngoái, cao hơn 9 điểm phần trăm so với năm 2019.
Sau khi chứng kiến sự sụt giảm trong 7 quý liên tiếp, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu đã tiếp tục quỹ đạo đi lên trong hai quý đầu năm nay, hiện ở mức khoảng 336%, tăng từ mức 334% trong quý 4/2022.
Viện có trụ sở tại Washington cho biết, lạm phát tăng đột ngột là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nợ giảm mạnh trong hai năm qua, cho phép nhiều quốc gia và doanh nghiệp thổi phồng các khoản nợ bằng đồng nội tệ của họ.
"Với áp lực về tiền lương và giá cả đang giảm bớt [mặc dù dự kiến không quay trở lại mức mục tiêu], chúng tôi dự đoán tỷ lệ nợ toàn cầu sẽ vượt 337% vào cuối năm nay", họ nói thêm.
Tỷ lệ nợ gia tăng trong năm nay thể hiện rõ hơn ở các chính phủ và tổ chức tài chính.
Ngược lại, những trở ngại vĩ mô phổ biến, bao gồm các điều kiện cấp vốn chặt chẽ hơn, đã dẫn đến "sự giảm tốc rõ rệt trong việc mở rộng tín dụng ngân hàng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp phi tài chính", IIF cho biết.
Theo báo cáo, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP ở các thị trường mới nổi vẫn cao hơn mức trước đại dịch, phần lớn là do Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan.
Ngược lại, tỷ lệ nợ hộ gia đình ở các thị trường trưởng thành đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ trong sáu tháng đầu năm.
Nghiên cứu cho thấy: "Khi chi phí tài trợ quốc tế ổn định ở mức cao hơn, nợ chính phủ ở các thị trường mới nổi [trừ Trung Quốc] đã tiếp tục xu hướng tăng vào nửa cuối năm 2022, ghi nhận mức tăng nhẹ lên 57% GDP".
"Ả Rập Saudi, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước vay nhiều nhất từ thị trường quốc tế, phản ánh nhu cầu vay bên ngoài đáng kể của họ".
Ngược lại, năm nay chứng kiến khoản vay chính phủ từ thị trường trong nước giảm mạnh, với lượng phát hành giảm 20% so với năm ngoái, theo IIF.
Tuy nhiên, với chi phí lãi vay bằng đồng nội tệ hiện chiếm hơn 80% tổng chi phí lãi vay của chính phủ các nước mới nổi, mức nợ trong nước đang ở mức đáng báo động ở nhiều quốc gia, IIF cho biết.
Cơ quan này cho biết cơ cấu tài chính toàn cầu chưa được chuẩn bị đầy đủ để quản lý rủi ro liên quan đến căng thẳng trên thị trường nợ trong nước.
Báo cáo cho biết, sự yếu kém kéo dài trong dòng vốn quốc tế vào các thị trường mới nổi (trừ Trung Quốc), đã tồn tại hơn một thập kỷ, vẫn là một thách thức đáng kể khi tìm cách huy động vốn quốc tế cho hành động về khí hậu.
IIF cho biết: "Mặc dù việc mở rộng thị trường nợ ESG đang khuyến khích mở rộng quy mô vốn quốc tế, nhưng việc thu hẹp khoảng cách tài chính lớn phụ thuộc vào việc nâng cao năng lực của các ngân hàng phát triển đa phương để thu hút vốn tư nhân trên quy mô lớn mà không đẩy các quốc gia vào cảnh nợ nần sâu hơn".
"Những nỗ lực này sẽ được hỗ trợ bằng cách tăng cường đối thoại giữa các quốc gia và nhà đầu tư của họ để phát triển các dự án mới, cơ chế tài trợ và các phương pháp hay nhất phổ biến".
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement