03/08/2018 15:06
Nợ như “chúa Chổm” là nguyên nhân cơn đau đầu của Tổng thống Donald Trump
Trong khi chính phủ Mỹ “khoe” tăng trưởng kinh tế sẽ bù đắp cho những thiếu hụt từ cắt giảm thuế và tăng chi tiêu, Bộ Tài chính nước này cho rằng nợ của chính phủ chồng chất sẽ đẩy chi phí vay lên cao hơn.
Nợ chồng lên nợ
Nợ chính phủ đang là thách thức kinh tế lớn nhất đối với Tổng thống Donald Trump - một vấn đề có thể tác động mạnh đến thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính Mỹ tuần này thông báo rằng sẽ phải tăng số lượng đấu giá trái phiếu chính phủ trong 3 tháng tới. Khi có thêm sản phẩm ra thị trường, các nhà đầu tư có thể sẽ yêu cầu lợi suất cao hơn. Và khi lợi suất cao hơn sẽ dẫn tới chi phí cao hơn. Trong khi đó, người nộp thuế đã phải trả gần nửa tỷ USD trong năm nay để giải quyết nợ công.
Nợ công trên đầu người của Mỹ ở mức 19.948 USD/người năm 2000, lên mức 43.733 USD/người năm 2010 và dự báo đến năm 2019 là khoảng 68.000 USD/người.
Tình thế này dẫn tới câu hỏi, liệu nền kinh tế Mỹ duy trì tăng trưởng trong thời gian bao lâu và điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới, nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái và tác động đến tất cả các thị trường tài chính?
Nợ công là cơn ác mộng của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ này? Ảnh: AFP |
"Chúng tôi hoan nghênh sự tăng trưởng mạnh mẽ”, nhưng chính phủ Mỹ không có lựa chọn nào khác để thúc đẩy tăng trưởng “ngoài việc vay số tiền lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập kỷ", Bernard Baumohl, chuyên gia kinh tế toàn cầu của The Economic Outlook Group, cho biết và theo ông, đó mới chỉ là khởi đầu.
Tổng số nợ của Mỹ vừa vượt qua mốc 21.300 tỷ USD. Kho bạc nước này đã công bố hôm 1/8 rằng, họ sẽ thu thêm 1 tỷ USD mỗi đợt đấu giá các khoản nợ 2, 3 và 5 năm trong 3 tháng tới và 2 tỷ USD cho kỳ phiếu 7 và 10 năm và đấu giá trái phiếu 30 năm trong tháng 8 này.
Riêng trong quý này, Mỹ sẽ gánh thêm 30 tỷ USD nợ từ việc phát hành trái phiếu. Kho bạc Mỹ dự kiến sẽ vay 769 tỷ USD trong nửa cuối năm nay, tăng 63% so với tổng số nợ của năm 2017.
Tác động tới thị trường
Thị trường đã phản ứng với động thái này, khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm lần đầu tiên trong gần 2 tháng tăng hơn 3% và trên thực tế, lãi suất đã tăng cao hơn trong hầu hết thời gian vừa qua.
Trong ngắn hạn, vấn đề nợ có thể sẽ bị “tạm quên” bởi sự lấn át của những tin tức khác, đặc biệt là sự bùng nổ mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó là các cuộc chiến về thuế quan mà Mỹ đưa ra chống lại các đối tác thương mại trên toàn thế giới.
Trớ trêu thay, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã hứa hẹn rằng sự đột phá kinh tế như mới công bố tuần qua sẽ giúp giảm gánh nặng nợ công, do cắt giảm thuế và các khoản chi tiêu. Tuy nhiên, kết quả ban đầu dường như không như kỳ vọng.
Greg Valliere, Trưởng phòng chiến lược toàn cầu của Horizon Investments, nhận định rằng, sự bùng nổ tăng trưởng kinh tế chưa đủ bù đắp thâm hụt ngân sách và trên thực tế, nợ công vẫn đang tăng cao hơn. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán mức thâm hụt ngân sách dưới 1.000 tỷ USD vào năm 2019 và sẽ vượt qua mức này vào năm 2020, đến năm 2028 sẽ là 1.500 tỷ USD. Chi phí để trả tất cả khoản nợ đó tiếp tục tăng, đạt 458 tỷ USD trong năm tài chính 2017 và đã 415 tỷ USD từ đẩu năm tới nay (năm tài chính 2018 còn 3 tháng nữa mới kết thúc).
Một bức ảnh đồ họa châm biếm, gọi Tổng thống Mỹ Donald Trum là "vua nợ". Ảnh: CNN |
Hiện tại, tác động từ gánh nợ công của Mỹ lên các thị trường tài chính như thế nào, là một vấn đề khiến giới phân tích chưa thể tìm ra lời giải đáp thỏa đáng. Nick Colas, người đồng sáng lập DataTrek, cho rằng, vấn đề cuối cùng thuộc về giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ: liệu thị trường đã sẵn sàng cho lãi suất kho bạc cao hơn, khi mà lợi nhuận được tạo thành từ ước tính doanh thu quá lạc quan? Theo ông, lãi suất dài hạn là cơ chế quan trọng cho phép nền kinh tế tự điều chỉnh trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Và trong mọi thời kỳ không suy thoái, thâm hụt ngân sách sẽ lớn hơn, lưu ý.
Tất cả yếu tố nêu trên sẽ phải được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh. Fed đã tăng lãi suất và dự kiến sẽ đạt được mức lãi suất mục tiêu cao hơn gấp rưỡi vào cuối năm nay. Đồng thời dự kiến tăng lãi suất trong tháng 9 và tháng 12.
Hôm qua, các quan chức Fed đã thảo luận riêng về vấn đề nợ công. Chủ tịch Fed. Ông Jerome Powell, nhiều lần cho biết quỹ đạo tài chính là "không bền vững". Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh GDP và lạm phát tăng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm được cho là động thái thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm giải quyết hậu quả của việc vay nợ quá nhiều.
Jamie Dimon, nhà phân tích của JP Morgan, cho biết thị trường đang đối phó với một “cái gì đó” mà ông chưa từng thấy.
Advertisement
Advertisement