23/02/2024 09:54
Nikkei 225 lập đỉnh cao nhất mọi thời đại, giới trẻ Nhật Bản bắt đầu đầu tư
Các công ty Nhật Bản đã ghi nhận lợi nhuận hàng quý lập kỷ lục trong quý 4/2023, củng cố đà tăng của chỉ số Nikkei 225 lên gần mức đỉnh lịch sử.
Chương mới trên thị trường chứng khoán Nhật Bản
Kỷ lục của chỉ số Nikkei 225 đã mở ra một chương mới cho chứng khoán Nhật Bản trong bối cảnh các mã cổ phiếu liên quan đến chip tăng mạnh và đồng yên giảm đã góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Mức đóng cửa 39.098 điểm phiên 22/2 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử chỉ số này vượt ngưỡng 39.000 điểm và được nhiều nhà giao dịch mô tả là "mức đóng cửa tâm lý mà mọi người đều khao khát".
Thu nhập ròng tại các công ty trong chỉ số Topix 500 đã tăng 46% so với năm trước, lên mức kỷ lục 13,9 nghìn tỷ yên (93 tỷ USD) trong quý 4/2023. Ngoại trừ Softbank Group có thu nhập không ổn định do đầu tư mạnh vào các công ty công nghệ toàn cầu, lợi nhuận của các công ty trong chỉ số này vẫn tăng 25%.
Thu nhập mạnh mẽ cho thấy mặc dù đã các chỉ số chính của chứng khoán Nhật Bản đã lên cao kỷ lục nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng tiếp. Các nhà đầu tư nước ngoài từ BlackRock đến Robeco Institutional Asset Management và Warren Buffett đều bày tỏ sự lạc quan đối với chứng khoán Nhật Bản.
Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ đáng ngạc nhiên của Mỹ và đồng yên rẻ hơn đã hỗ trợ các nhà xuất khẩu. Một số công ty trong nước đang hưởng lợi từ lạm phát, điều cho phép họ đẩy giá lên cao và việc cải thiện quản trị doanh nghiệp cũng khiến các nhà đầu tư lạc quan hơn.
Sự bứt phá cuối cùng của chỉ số Nikkei 225 còn được thúc đẩy bởi kết quả kinh doanh ấn tượng từ nhà sản xuất chip Nvidia của Mỹ chỉ sau một đêm. Cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn như Tokyo Electron và Advantest, lực đẩy chính cho chỉ số Nikkei 225 lập đỉnh, tăng lần lượt 4,51% và 5,06%.
Nvidia công bố doanh thu của hãng trong khoảng thời gian từ tháng 11/2023 đến hết tháng 1/2024 tăng hơn gấp 3 lần, lên 22,1 tỷ USD. Trong khi đó, lợi nhuận ròng của hãng tăng hơn 8 lần, đạt 12,3 tỷ USD.
Takashi Hiroki, chiến lược gia trưởng tại Monex Securities, cho biết: "Tư duy của các công ty đã thay đổi. Chúng ta sẽ thấy giá tăng nhiều hơn khi các công ty có thể vượt qua mức tăng chi phí. Điều này hỗ trợ thu nhập vững chắc của họ và đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn".
Các chiến lược gia tại Bank of America dự báo chỉ số Nikkei 225 sẽ kết thúc năm 2024 ở mức 41.000 điểm, trong khi TOPIX sẽ đạt 2.850 điểm, so với mức cao nhất mọi thời đại hiện là 2.884 điểm.
Mối đe dọa từ những "cơn gió ngược"
Takahide Kiuchi, chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu Nomura, cho rằng thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn có khả năng phải đối mặt với những "cơn gió ngược."
Mức tăng lương thấp hơn dự đoán trong đợt đàm phán lương mùa Xuân năm nay, hoài nghi về khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ của BOJ, cũng như sự không chắc chắn trong đường hướng lãi suất của Mỹ đều có thể khiến thị trường đảo chiều.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư vẫn có những lý do để thận trọng. Dòng vốn có thể nhanh chóng chảy trở lại Trung Quốc nếu tâm lý toàn cầu đối với thị trường đó phục hồi và Ấn Độ đang nổi lên như một điểm đến cạnh tranh của các nhà đầu tư toàn cầu.
Nền kinh tế Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái trong quý cuối cùng của năm ngoái, ngay cả khi BoJ tiếp tục bày tỏ sự lạc quan về xu hướng tiền lương- vốn là chìa khóa khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu và giúp kinh tế tiếp tục phục hồi.
Tuy vậy, lạm phát cao kéo dài vẫn là một rào cản cho chi tiêu nội địa. Đây là lý do chính giải thích tại sao GDP Nhật Bản giảm trong hai quý liên tiếp và đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức cách đây không lâu.
Giới trẻ Nhật Bản bắt đầu đầu tư
Theo khảo sát của Hiệp hội Tín thác Đầu tư, 23% số người ở độ tuổi 20 đã đầu tư vào quỹ tương hỗ vào năm ngoái, tăng từ 6% vào năm 2016. 29% số người ở độ tuổi 30 cũng vậy, tăng từ 10% - mức tăng lớn hơn so với năm 2016 bất kỳ nhóm tuổi nào khác.
Các quan chức Nhật Bản - những người muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ lâu đã mong muốn có một sự thay đổi như vậy. Ác cảm trước đây của công chúng đối với đầu tư bán lẻ bắt nguồn từ đầu những năm 1990, khi bong bóng thị trường chứng khoán vỡ tung.
Trong những thập kỷ tiếp theo, với lạm phát ở mức tối thiểu hoặc không tồn tại, tiết kiệm rủi ro thấp được coi là có đạo đức. Khoảng 54% tài sản hộ gia đình Nhật Bản là tiền mặt hoặc tiền gửi, so với 31% ở Anh và 13% ở Mỹ.
Kishida Fumio, thủ tướng Nhật Bản, đã vạch ra "Kế hoạch nhân đôi thu nhập tài sản" vào năm 2022. Các công ty sẽ phát triển bằng cách sử dụng vốn từ các nhà đầu tư bán lẻ, các cá nhân sẽ được hưởng những lợi ích từ sự phát triển của họ.
Là một phần của sáng kiến, vào tháng 1, chính phủ đã cải thiện các điều khoản của chương trình nisa, được mô phỏng theo isa của Anh, miễn thuế cho các nhà đầu tư bán lẻ khỏi thuế lãi vốn. Cùng tháng đó, 900.000 tài khoản nisa mới đã được mở trên 5 nền tảng đầu tư lớn nhất đất nước.
Nỗ lực của ông Kishida đã được tăng thêm sức mạnh nhờ sự phát triển kinh tế. Theo chính sách lãi suất 0% của Nhật Bản, việc tích trữ tiền mặt trong ngân hàng hầu như không mang lại lợi nhuận.
Điều này đã đúng trong một thời gian, nhưng lạm phát hiện ở mức khoảng 3% - mức cao nhất trong ba thập kỷ, có nghĩa là giá trị của tiền mặt không được sử dụng đang bị xói mòn. Thế hệ trẻ, những người không chia sẻ nỗi đau do bong bóng vỡ, có xu hướng hành động hơn.
Số lượng sinh viên tại một trường tài chính ở Tokyo nhắm đến thế hệ millennials, đã tăng gấp đôi kể từ năm 2022. Shinjo Sayaka đã tham gia sau khi thấy một người có ảnh hưởng đề cập đến nó trên Instagram.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp