21/02/2024 08:43
Xuất khẩu của Nhật Bản tăng trưởng hơn dự kiến
Xuất khẩu của Nhật Bản tăng hơn dự kiến trong tháng 1, nhờ các chuyến hàng ô tô và phụ tùng ô tô đến Mỹ cũng như nhu cầu về thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc, giúp giảm bớt một số lo ngại về sự yếu kém của nền kinh tế nói chung.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hôm nay (21/2) cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản tăng 11,9% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước, nhanh hơn mức tăng 9,5% mà các nhà kinh tế dự đoán trong cuộc thăm dò của Reuters và mức tăng trưởng 9,7% trong tháng trước.
Hoạt động xuất khẩu nhanh chóng có thể xoa dịu một số lo ngại về tình trạng suy giảm kinh tế hơn nữa khi cuộc khảo sát của Reuters cho thấy tinh thần kinh doanh của các nhà sản xuất đang suy giảm mạnh, với số người bi quan nhiều hơn số người lạc quan lần đầu tiên sau 10 tháng.
Hàng loạt chỉ số theo sau dữ liệu tuần trước cho thấy Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái trong quý 4/2023 và mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức.
Theo số liệu thống kê chính thức công bố ngày 15/2, Nhật Bản - từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã ghi nhận hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, đáp ứng định nghĩa về một cuộc suy thoái kinh tế.
Trong quý 4 vừa qua, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của đất nước mặt trời mọc chứng kiến mức giảm hàng năm 0,4%, sau khi giảm 3,3% trong quý 3 theo số liệu công bố lần hai.
Suy đoán đã gia tăng kể từ năm ngoái rằng Ngân hàng Nhật Bản có thể thoát khỏi chính sách lãi suất âm sớm nhất là vào tháng 3 hoặc tháng 4, nếu tăng trưởng tiền lương và giá cả tăng đủ.
Tuy nhiên, dữ liệu yếu kém gần đây đã làm dấy lên lo ngại các công ty Nhật Bản có thể miễn cưỡng tăng lương đủ để đạt được lạm phát ổn định và bền vững ở một quốc gia đã sa lầy vào tư duy giảm phát trong hơn một thập kỷ.
Các chỉ số Tankan của Reuters cho thấy tâm lý của các nhà sản xuất đã giảm xuống âm 1 trong tháng 2 so với mức cộng 6 của tháng trước, mức tiêu cực đầu tiên kể từ tháng 4 năm ngoái. Chỉ số này được cho là sẽ phục hồi lên mức cộng 6 vào tháng 5.
Dữ liệu thương mại cũng cho thấy nhập khẩu giảm 9,6%, so với ước tính trung bình giảm 8,4%.
Cán cân thương mại đạt mức thâm hụt 1,758 nghìn tỷ Yên (11,73 tỷ USD), so với ước tính trung bình về mức thâm hụt là 1,926 nghìn tỷ Yên.
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp