19/02/2024 16:01
Những quốc gia vẫn tài trợ cho UNRWA khi xung đột ngày càng rối ren
Cơ quan Liên Hiệp Quốc về hỗ trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine (UNRWA) đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, sau khi Israel cáo buộc một số nhân viên cơ quan này có liên quan đến vụ tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas.
Tại sao UNRWA lại quan trọng đến vậy?
Ireland là quốc gia mới nhất cam kết tài trợ cho cơ quan Liên Hợp Quốc đang gặp khó khăn, nguồn viện trợ nhân đạo chính cho Palestine.
Philippe Lazzarini, người đứng đầu cơ quan cứu trợ UNRWA, đã đến thăm Ireland trong tuần này sau quyết định cam kết viện trợ 20 triệu euro (21,5 triệu USD) để hỗ trợ cho cơ quan đang gặp khủng hoảng của nước này.
UNRWA, cơ quan cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các dịch vụ quan trọng khác cho người dân Palestine, đã bị Israel cáo buộc vào tháng trước vì có liên quan đến vụ tấn công của Hamas vào miền nam Israel vào ngày 7/10, khiến hơn 10 quốc gia tài trợ, bao gồm cả Mỹ, Đức, Liên minh Châu Âu và Canada, đình chỉ hỗ trợ tài chính.
Nguồn tài trợ từ các quốc gia này chiếm phần lớn trong tổng số tiền tài trợ mà UNRWA nhận được. UNRWA cho biết đã sa thải một số nhân viên và mở một cuộc điều tra về cáo buộc của Israel.
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh cần phải duy trì hoạt động của UNRWA để đáp ứng nhu cầu nhân đạo khẩn cấp của người dân tại Dải Gaza.
Tuy nhiên, Ireland là một trong số ít quốc gia giữ vững lập trường. Bộ trưởng Ngoại giao Ireland - Micheál Martin cho biết: "Tại Gaza, chúng tôi đang chứng kiến một thảm họa nhân đạo. Mọi người đang rất cần những nguồn cung cấp cứu sinh cơ bản nhất từ thức ăn, nước uống đến chỗ ở. Trong những điều kiện đau khổ nhất này, đối mặt với nguy cơ leo thang quân sự hơn nữa, UNRWA cần sự hỗ trợ khẩn cấp từ tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc".
UNRWA đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người tị nạn Palestine, không chỉ ở Dải Gaza, mà còn đối với hàng trăm nghìn người Palestine tại Liban, Jordan và khu Bờ Tây.
UNRWA được thành lập vào năm 1949 sau khi thành lập Nhà nước Israel. Từ ngày 29/11/1947, khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu chia cắt Palestine thành một quốc gia Do Thái và một quốc gia Ả Rập, cũng như việc thành lập chính quyền Israel vào ngày 14/5 năm sau, người Palestine rời khỏi nhà của họ.
Từ đống tro tàn của cái mà người Palestine vẫn gọi là Nakba ("thảm họa") đã ra đời UNRWA, hoạt động không chỉ ở các vùng lãnh thổ Palestine do Israel chiếm đóng mà còn ở Jordan, Lebanon và Syria, nơi số người tị nạn Palestine ngày nay tập trung đông đảo lên tới hàng triệu người.
UNRWA cũng là một trong những cơ quan sử dụng lao động lớn nhất ở Gaza, với 13.000 người, chủ yếu là người Palestine. Kể từ khi thành lập, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần đổi mới nhiệm vụ của UNRWA.
Theo trang web của mình, cơ quan này đã cung cấp viện trợ cho bốn thế hệ người tị nạn Palestine, bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội và hỗ trợ khẩn cấp, kể cả trong thời điểm xung đột. Đó cũng là khởi nguồn cho những tranh cãi, cáo buộc giữa Israel và UNRWA.
Israel cho biết chương trình giảng dạy ở trường của UNRWA đã thúc đẩy phản đối sự tồn tại của Israel và cáo buộc nhóm này nằm dưới sự ảnh hưởng của Hamas. Tel Aviv cũng xem việc đưa người tị nạn Palestine trở lại các vùng đất họ từng sinh sống là một điều bất khả thi, tin rằng điều này sẽ phá vỡ các giá trị văn hóa, xã hội hiện hữu ở những khu vực Israel đang kiểm soát.
Tại Mỹ, các nhóm cánh hữu ủng hộ Israel cũng như các đảng viên Đảng Cộng hòa từ lâu đã kêu gọi cắt tài trợ cho cơ quan này. Họ lập luận rằng cơ quan này gần như độc nhất trên thế giới, khi cấp quy chế tị nạn không chỉ cho thế hệ người tị nạn đầu tiên mà còn cho con cháu của họ và đó là điều khiến xung đột kéo dài.
UNRWA đang phải đối mặt với sự thiếu hụt kinh phí đến mức nào và tại sao?
Israel đã cáo buộc rằng 12 nhân viên UNRWA trong số 13.000 công nhân của tổ chức này ở Gaza đã tham gia vào cuộc tấn công của Hamas vào Israel và giết chết 1.139 người Israel.
Các cáo buộc của Israel, được biên soạn trong một hồ sơ dài sáu trang, đủ để những nước như Mỹ, Đức và EU tạm dừng đóng góp của họ cho UNRWA, vốn trị giá lần lượt là 343,9 triệu USD, 202,1 triệu USD và 114,2 triệu USD vào năm 2022.
UNRWA ước tính rằng việc đình chỉ tài trợ sẽ khiến tổ chức này bị thiếu hụt nguồn tài trợ 440 triệu USD.
Những quốc gia nào đã đình chỉ tài trợ?
Là ba nhà tài trợ hàng đầu cho ngân sách 1,17 tỷ USD của UNWRA vào năm 2022, quyết định đình chỉ quyên góp của Mỹ, Đức và EU đã giáng một đòn cay đắng vào cơ quan gần 75 năm tuổi của Liên hợp quốc.
Ilan Pappé, tác giả cuốn sách Thanh lọc sắc tộc ở Palestine, đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt đối với những quốc gia chọn đình chỉ tài trợ. Đến nay, 16 quốc gia đã tạm ngừng tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) bao gồm châu Úc, Áo, Canada, Estonia, Phần Lan, Đức, Iceland, Ý, Nhật Bản, Latvia, Litva, Hà Lan, New Zealand, Rumani, Thụy Điển, Thụy sĩ, Vương quốc Anh và Mỹ.
Những quốc gia nào đang tiếp tục hỗ trợ UNRWA?
Các quốc gia bao gồm Bỉ, Na Uy, Ả Rập Saudi, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và tất nhiên là Ireland đã quyết định tiếp tục hỗ trợ UNRWA.
Vào ngày 1/2, phó thủ tướng Bỉ, ông Petra De Sutter đã đăng trên X: "Bỉ sẽ tiếp tục tài trợ cho UNRWA. Cơ quan này không thể thay thế được trong việc cung cấp cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và quan trọng ở Gaza".
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các chính phủ thế giới hôm thứ Ba ở Dubai, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, quốc gia đã tài trợ cho cơ quan Liên hợp quốc với số tiền 25,2 triệu USD vào năm 2022, cho biết: "Chúng tôi đau lòng khi chứng kiến các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên của cơ quan Liên hợp quốc về người Palestine và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bất cứ thứ gì cho họ".
Một ngày trước khi Lazzarini nhận được nguồn tài trợ cho UNRWA từ chính phủ Ireland, thủ tướng nước này, Leo Varadkar, đã tóm tắt cảm xúc của chính phủ ông đối với cuộc chiến của Israel ở Gaza.
"Đối với tôi, rất, rất rõ ràng rằng Israel không lắng nghe bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tôi thậm chí không nghĩ họ đang lắng nghe người Mỹ nữa", ông nói trước quốc hội Ireland hôm thứ Ba. "Họ đã trở nên mù quáng vì cơn thịnh nộ".
Các bên lên tiếng
UNRWA bác bỏ mọi cáo buộc, luôn nhấn mạnh tính trung lập của mình, đôi khi chỉ trích Hamas và nhấn mạnh các tay súng của lực lượng này không được phép sử dụng cơ sở của tổ chức này để cất giữ vũ khí. Theo trang web của cơ quan, từ nhiều năm qua, cơ quan này đã kỷ luật và thậm chí sa thải nhân viên vì tham gia các hoạt động chính trị không phù hợp. UNRWA cũng chia sẻ danh sách nhân viên của mình với chính quyền khu vực, bao gồm cả Israel.
Bộ Ngoại giao Palestine đã tố cáo cái mà họ gọi là "tiêu chuẩn kép" sau khi chín quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đình chỉ tài trợ cho UNRWA. Theo Liên Hiệp Quốc, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của cơ quan này vào năm 2022, đóng góp hơn 340 triệu USD.
Đáp lại các chỉ trích và quan ngại, Israel nêu rõ quan điểm UNRWA phải kết thúc sứ mệnh của họ tại Gaza sau khi các chiến dịch quân sự của Tel Aviv kết thúc ở Gaza.
(Nguồn: Al jazeera)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp