22/01/2024 09:59
25.000 người tử vong, Gaza thành 'vùng đất chết'
Theo Bộ Y tế tại vùng lãnh thổ này, số người Palestine thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã vượt quá 25.000 người.
'Những cái chết đau lòng'
Cơ quan Y tế Palestine tối qua (21/1) cho biết, tổng thương vong trong chiến dịch tấn công bắt đầu từ ngày 7/10/2023 của quân đội Israel vào dải Gaza đã vượt 95.000 người, trong đó hơn 25.000 người chết, hơn 7.000 người mất tích và gần 63.000 người bị thương. Hầu hết thương vong là dân thường, trong đó trẻ em và phụ nữ chiếm khoảng 70%.
Theo nhiều nhà phân tích khu vực, tỷ lệ thương vong về phía dân thường Palestine theo công bố của cơ quan Y tế tại Gaza là đáng tin cậy và khá tương đồng với số liệu do phía Israel công bố.
Đưa tin từ Rafah ở miền Nam Gaza, Hani Mahmoud của Al Jazeera cho biết đã xảy ra giao tranh dữ dội trên bộ gần một bệnh viện trọng điểm ở Khan Younis vào Chủ nhật.
"Các tay súng bắn tỉa đã chiếm giữ các vị trí trong các tòa nhà cao tầng, bắn vào người dân trên đường phố bên dưới. Những người trong bệnh viện Nasser không có nơi nào để đi", Mahmoud nói và nói thêm rằng "đó là cuộc chiến từ đường này sang đường khác, bom đạn và người chết khắp mọi nhà".
Israel pháo kích vào phía Đông trại tị nạn Jabalia ở phía Bắc Gaza khiến 4 người Palestine thiệt mạng và 21 người khác bị thương, theo Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres lên án Israel về cái chết "đau lòng" của thường dân Palestine ở Gaza.
Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh G77 và Trung Quốc tại thủ đô Kampala của Uganda, ông Guterres phát biểu: "Các hoạt động quân sự của Israel đã gây ra sự tàn phá hàng loạt và giết hại dân thường ở quy mô chưa từng có trong thời gian tôi làm tổng thư ký".
Guterres nói với Al Jazeera rằng giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài hàng thập kỷ nằm ở việc "chấp nhận quyền thành lập nhà nước của người Palestine và chấp nhận giải pháp hai nhà nước".
Khoảng 85% dân số vùng lãnh thổ này đã phải di dời, với hàng ngàn người trú ẩn trong các trại do Liên Hợp Quốc điều hành ở phía Nam của vùng đất ven biển trong điều kiện tồi tàn.
Liên Hợp Quốc cho biết tình trạng ở Gaza đang diễn ra "giống như nạn đói" khi khoảng 1/4 dân số trong số 2,3 triệu người phải đối mặt với tình trạng đói cùng cực.
Chỉ một phần viện trợ cần thiết đã được chuyển giao do giao tranh và những hạn chế nghiêm ngặt của Israel đối với việc vận chuyển. Theo Liên Hợp Quốc, phụ nữ và trẻ em là nạn nhân lớn nhất trong chiến tranh.
Thủ tướng Israel Benjamine Netanyahu hôm qua khẳng định các lực lượng vũ trang nước này sẽ tiếp tục chiến đấu trên tất cả các mặt trận, bất kể là ở dải Gaza, tại Lebanon, Syria hay nơi nào khác, để đảm bảo an ninh của mình.
Song song với chiến sự tại dải Gaza, giao tranh ác liệt cũng đã nổ ra giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah ở miền Nam Lebanon.
Các cuộc bắn phá qua biên giới giữa hai bên đến nay khiến gần 200 người thiệt mạng, chủ yếu phía Lebanon, trở thành đợt giao tranh đẫm máu và kéo dài nhất giữa quân đội Israel và Hezbollah kể từ sau cuộc chiến khốc liệt mùa hè năm 2006 khiến hàng nghìn người thương vong.
Bên cạnh đó, quân đội Israel cũng tăng cường không kích vào lãnh thổ Syria, gây nhiều thương vong cho quân đội Syria cùng các cố vấn quân sự Iran.
Hamas gọi cuộc đột kích lãnh thổ Israel là 'bước đi cần thiết'
Hamas mô tả cuộc tấn công lãnh thổ Israel năm ngoái là hành động cần thực hiện nhằm phản ứng trước cách Tel Aviv đối xử với người Palestine.
Hamas ngày 21/1 công bố một báo cáo dài 16 trang bằng tiếng Anh và tiếng Arab về cuộc đột kích vào lãnh thổ Israel mà nhóm này tiến hành hồi đầu tháng 10/2023. Trong báo cáo, Hamas nói rằng cuộc tấn công là "bước đi cần thiết và là phản ứng bình thường nhằm đối đầu với mọi âm mưu của Israel chống lại người dân Palestine".
Tuy nhiên, nhóm cũng thừa nhận "một số sai lầm đã xảy ra" do hệ thống an ninh và quân sự của Israel sụp đổ quá nhanh cũng như tình trạng hỗn loạn ở khu vực biên giới Dải Gaza. Hamas đồng thời kêu gọi Israel "chấm dứt ngay lập tức" chiến dịch tấn công Dải Gaza. Nhóm cũng bác bỏ mọi nỗ lực của quốc tế và Israel nhằm quyết định tương lai Gaza sau xung đột.
"Chúng tôi nhấn mạnh rằng người dân Palestine có khả năng quyết định tương lai và sắp xếp các công việc nội bộ của mình", Hamas nhấn mạnh, thêm rằng "không bên nào trên thế giới" có quyền quyết định thay mặt họ.
Trong những năm qua, Israel đã gia tăng kiểm soát khu vực đền thờ Al-Aqsa, hạn chế người Palestine tiếp cận vùng đất thiêng, tổ chức nhiều vụ đột kích bằng vũ lực để bắt những mục tiêu mà Tel Aviv cho là mối nguy hiểm hoặc giải tán những hoạt động mà họ cho là quá khích.
Người Palestine ở Bờ Tây lẫn Dải Gaza thường xuyên cáo buộc chính sách chiếm đóng của Israel khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn, đặc biệt là những chốt kiểm soát an ninh của quân đội Israel và chiến lược từng bước giành đất xây dựng cho người định cư Do Thái.
Trong khi đó, Tel Aviv luôn khẳng định các biện pháp an ninh của họ phù hợp, nhằm đối phó mối đe dọa thường trực từ Hamas và các lực lượng không chấp nhận sự tồn tại của quốc gia Do Thái.
(Nguồn: Reuters/Aljazeera)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp