07/07/2023 12:05
Những gì cần biết về Threads - đối thủ nặng ký của Twitter
Threads, một ứng dụng chia sẻ nội dung ngắn chuyên về văn bản được xây dựng bởi đội ngũ phát triển Instagram, là nền tảng mạng xã hội mà tập đoàn công nghệ Meta mới cho ra mắt và được coi là "đối thủ nặng ký" của Twitter.
Số người đăng ký sử dụng ứng dụng mới mang tên Threads đã lên tới 10 triệu chỉ trong 7 tiếng đồng hồ kể từ khi ứng dụng này được ra mắt vào ngày 5/7. Qua tài khoản chính thức của mình trên Threads vào ngày 5/7, ông chủ Meta, Mark Zuckerberg, đã xác nhận con số trên.
Threads là gì?
Theo một bài đăng trên blog của Meta, Threads có nhiều điểm tương đồng với Twitter khi cho phép đăng tải các bài viết ngắn tối đa 500 ký tự, có thể đính kèm đường link, hình ảnh và video kéo dài đến 5 phút.
Người dùng có thể tương tác với các bài đăng này qua việc bấm nút "like", đăng lại hoặc trả lời, song không thể nhắn tin trực tiếp với tài khoản khác. Hiện ứng dụng có sẵn trên App Store của Apple và Play Store của Google tại hơn 100 quốc gia.
Tuy Threads là một ứng dụng độc lập nhưng người dùng có thể đăng nhập sử dụng thông tin trên Instagram của họ và theo dõi cùng một tài khoản, nhờ đó việc truy cập Threads dễ dàng hơn rất nhiều. Điều này đã đưa Threads trở thành ứng dụng được tải xuống nhanh nhất từ trước đến nay trên cửa hàng ứng dụng của Apple.
Sau khi đăng nhập, ứng dụng Threads sẽ hỏi bạn có muốn chuyển các thông tin như tiểu sử và ảnh hồ sơ của bạn từ Instagram hay bạn muốn tạo một tài khoản mới. Một chi tiết quan trọng khác là bạn có thể chọn tự động theo dõi tất cả bạn bè trên Instagram của mình hoặc bạn có thể bỏ qua phần này và chọn người theo dõi ở đó theo cách thủ công.
Threads có giao diện khá quen thuộc với trang chủ có dòng thời gian, tab tìm kiếm, nút để soạn bài đăng mới, thông báo và hồ sơ người dùng. Bạn có thể tùy chỉnh thông báo, ẩn các từ cụ thể, chặn tài khoản của người dùng khác và chia sẻ hồ sơ của mình với người khác.
Hiện tại, Threads chỉ khả dụng cho iOS và Android. Tuy nhiên, có một giao diện web đơn giản để bạn có thể chia sẻ bài đăng với bất kỳ ai.
Twitter có đang nguy hiểm không?
Trong những ngày trước khi công bố chính thức, nhiều người dùng trên mạng xã hội đã gọi Threads là sản phẩm sẽ hạ bệ Twitter, kỳ vọng người dùng của nền tảng đối thủ sẽ ủng hộ ứng dụng mới. Nhiều người dùng Twitter đã bày tỏ sự thất vọng với những thay đổi gần đây do Elon Musk khởi xướng, mới đây nhất vị tỉ phú này chỉnh số lượng tweet mà người dùng không trả phí có thể xem mỗi ngày.
Trong số những người lập tài khoản mới trên Threads có những người nổi tiếng như ngôi sao truyền hình thực tế Mỹ Kim Kardashian, ngôi sao nhạc pop Jennifer Lopez và các chính trị gia có tiếng khác như Hạ nghị sỹ của đảng Dân chủ Mỹ Alexandria Ocasio-Cortez. Các tên tuổi lớn như Billboard, HBO, NPR và Netflix đã lập tức có tài khoản trên Threads chỉ vài phút sau khi ứng dụng được ra mắt.
Theo giới phân tích, việc Threads liên kết với Instagram có thể giúp cung cấp cho Threads một nền tảng người dùng tương đối lớn và mạng lưới hợp đồng quảng cáo chung với Instagram. Điều này có thể khiến nhiều nhà quảng cáo rút khỏi Twitter để chuyển sang Threads, trong bối cảnh tân Giám đốc điều hành của Twitter đang nỗ lực vực dậy hoạt động kinh doanh.
Tỷ phú Elon Musk đã mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD hồi tháng 10/2022 nhưng sau đó giá trị công ty đã sụt giảm mạnh giữa lúc công ty thực hiện việc quản lý nội dung gây tranh cãi và cắt giảm nhân sự.
Đây được xem là một thời điểm thuận lợi để Meta tăng tốc nỗ lực cạnh tranh và vượt Twitter.
Tại sao không phải châu Âu?
Do những lo ngại về quy định đang diễn ra, ứng dụng hiện không khả dụng ở Liên minh Châu Âu (EU).
Vào tháng 5, các cơ quan quản lý châu Âu và Ireland vừa ra lệnh cho Meta - chủ sở hữu Facebook phải trả khoản tiền phạt 1,2 tỉ euro vì vi phạm Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) liên quan đến việc chuyển dữ liệu cá nhân của người dùng châu Âu sang Mỹ. Đây là khoản tiền phạt liên quan GDPR lớn nhất từ trước đến nay.
Sự ra đời của Threads diễn ra đúng lúc một loạt luật mang tính bước ngoặt điều chỉnh công nghệ lớn sắp có hiệu lực tại EU, bao gồm Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA).
DMA sẽ chi phối cái gọi là người gác cổng internet như Meta và một trong những quy tắc cấm những gã khổng lồ kết hợp dữ liệu cá nhân trên một số sản phẩm, như trường hợp của Threads và Instagram. Hiện vẫn chưa biết liệu mạng xã hội mới này sẽ được phép hoạt động ở EU hay không.
Kế hoạch tiếp theo của Meta là gì?
Meta đã chính thức ra mắt Threads tại hơn 100 quốc gia trên cả các ứng dụng iOS và Android, cho phép người dùng đến từ các quốc gia này có thể tải xuống ứng dụng trong cả Apple App Store và Google Play Store.
Bên cạnh nỗ lực tạo ra Threads tương thích với giao thức ActivityPub, Meta cho biết sẽ sớm thêm một số tính năng mới để giúp người dùng tiếp tục khám phá chủ đề và nhà sáng tạo được quan tâm, bao gồm các đề xuất được cải thiện trong bảng tin và chức năng tìm kiếm hiệu quả hơn giúp dễ dàng theo dõi các chủ đề và xu hướng trong thời gian thực. Meta sẽ tiếp tục lắng nghe phản hồi trong quá trình xây dựng các tính năng cũng như giới thiệu các phương thức mới để kết nối trên ứng dụng.
(Nguồn: CNA)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement