05/08/2017 10:25
Những dự án ODA 'tiền vay rồi để đấy': Tiến độ chậm, đội vốn, dân dài cổ chờ!
Là những dự án dân sinh quan trọng và được hỗ trợ về tài chính với hàng nghìn tỉ đồng vay vốn ODA nhưng hàng loạt dự án cùng ca bài đội vốn, chậm tiến độ và giải ngân chậm chạp.
Vốn đã giao mà giải ngân không nổi
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, rất nhiều dự án đầu tư công nói chung và sử dụng vốn vay ODA nói riêng đã và đang giải ngân với tốc độ “rùa bò”, có dự án nhiều năm không giải ngân nổi khiến hàng nghìn tỉ phải nằm chờ trong kho bạc.
Một số dự án điển hình về chậm giải ngân được kể ra. Tại An Giang, kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản được giao năm 2017 là 385 tỉ đồng cho Dự án hệ thống thoát nước xử lý nước thải TP.Long Xuyên với 325 tỉ và dự án cung cấp thiết bị y tế cho bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu với 60 tỉ đồng nhưng tới ngày 20.7, thực tế giải ngân đang là 0 đồng.
Đáng chú ý, dự án nhà máy xử lý nước thải này được khởi công từ tháng 10.2015 và là công trình trọng điểm để nâng tầm TP.Long Xuyên lên đô thị loại I, giải quyết vấn đề xả thẳng nước thải ra kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường với tổng vốn đầu tư hơn 65,6 triệu USD (trên 1.344,8 tỉ đồng), trong đó vốn ODA Hàn Quốc là 46 triệu USD (943 tỉ đồng). Việc giải ngân chậm sẽ khiến công trình sẽ khó đi vào hoạt động như dự kiến vào cuối năm nay.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, kế hoạch vốn được giao năm 2017 là 110 tỉ đồng cho dự án thu gom xử lý nước thải TP.Bà Rịa (ODA Thụy Sĩ) 104 tỉ đồng và dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện (vay vốn WB) 6 tỉ đồng và giải ngân đến 20.7 là 0 đồng. Dự án cũng là trọng điểm này từng được dự kiến khởi công năm 2010 với vốn ODA của Pháp nhưng rồi chậm tiến độ, đội vốn, nay chuyển sang sử dụng vốn ODA của Thuỵ Sĩ và lại chậm giải ngân.
Sau nhiều lần lùi tiến độ, nhà máy này được đề xuất hoàn thành vào cuối năm 2019. Điều đáng nói là trong cuộc họp gỡ khó cho dự án, tỉnh này xác định một trong những nguyên nhân chậm tiến độ là do gặp khó khăn về vốn nhưng khi vốn đã giao theo kế hoạch, tiền vẫn chưa giải ngân được.
Còn tại Hà Nội, số tiền giải ngân các dự án đầu tư công đến 20.7.2017 là 302 tỉ đồng chiếm 11,79% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, hai dự án giao thông trọng điểm là tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nhổn-Ga Hà Nội và tuyến Cát Linh-Hà Đông đều chậm tiến độ cũng như chậm giải ngân. Với tuyến Nhổn-Ga Hà Nội, kế hoạch được giao 1.641 tỉ đồng nhưng mới giải ngân được 125 tỉ đồng.
Tuyến này được khởi công từ năm 2006 và được xác định đến cuối năm 2010 sẽ hoàn thành nhưng tới tháng 6.2017, dự án mới hoàn thành khoảng trên 30% tiến độ công việc, trong đó nhiều gói thầu mới được thực hiện chưa quá 10% khối lượng. Một số gói thầu còn chưa hoàn thành thiết kế kỹ thuật hay công tác đấu thầu.
Sau nhiều lần chậm tiến độ, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, cố gắng phấn đấu đến năm 2021 sẽ hoàn thành tuyến metro này. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại với tốc độ giải ngân cũng như thi công các gói thầu như hiện nay, đến năm 2021, dự án này khó có thể hoàn thành.
Sẽ mạnh tay với các dự án “giải ngân 0 đồng”
Trong cuộc họp mới đây của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng- xác định nguyên nhân chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư trước hết thuộc về lãnh đạo các cơ quan, trong chỉ đạo không quyết liệt, không cụ thể và có những vướng mắc trong việc phối hợp giữa các cơ quan, như giữa Bộ Xây dựng với Bộ KHĐT, có những vướng mắc trong Luật Đầu tư công…
Bên cạnh việc gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng GDP, việc giải ngân chậm sẽ khiến Chính phủ phải gánh lãi vay, gây áp lực lên lạm phát và toàn bộ nền kinh tế và việc chậm giải ngân sẽ khiến lãng phí ba lần. Một là lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng. Hai là tiền để đấy, nhà nước phải trả lãi. Ba là nhà thầu phải đi vay ngân hàng.
Kết luận trong cuộc họp, Thủ tướng khẳng định năm 2017, với những dự án chưa giải ngân được, chưa làm thủ tục thì phải tự cắt, tự điều chuyển trong khối Chính phủ và các địa phương, để làm sao giải ngân hết số vốn kế hoạch đã thông qua.
Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi sẽ rà soát lại từng dự án để xử lý cụ thể và kịp thời báo cáo Thủ tướng những biện pháp mạnh mẽ, đặc biệt đối với một số bộ, địa phương có tỉ lệ giải ngân bằng 0.
Theo báo cáo của Bộ KHĐT, tính đến hết tháng 6.2017, hiện có 810 chương trình dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi, còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỉ USD. Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026, tuy nhiên, sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017-2020 là 17,485 tỉ USD. Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỉ USD.
Năm 2017, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi có khả năng giải ngân khoảng 4,6 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu năm, đã giải ngân được 1,5 tỉ USD, bằng 32,6% số vốn dự kiến giải ngân cả năm.
* Đại diện Vụ Đầu tư, Bộ Tài chínhcho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có tình trạng một số dự án bố trí vốn không đúng quy định (vượt tổng mức đầu tư của dự án).
* Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lancho rằng, các dự án đầu tư công đã được phê duyệt và dành vốn thực hiện phải là những dự án có tầm quan trọng, đóng góp cho ngành, lĩnh vực hoặc địa phương được đầu tư nói riêng và đóng góp vào nền kinh tế chung nên việc giải ngân chậm nghĩa là công việc này chưa được hoàn thành theo đúng tiến độ, và hệ quả là làm chậm lại sự phát triển của ngành, lĩnh vực hoặc của địa phương đó và nguyên nhân hoàn toàn là do chủ quan, chứ không phải do các yếu tố khách quan. Việc vốn vay rồi mà không giải ngân được là sự lãng phí rất lớn, cũng là một vấn đề khá nhức nhối trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Advertisement
Advertisement