Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 6

Chính sách - Hạ tầng

01/06/2023 10:54

Từ tháng 6/2023, nhiều chính sách mới, đáng chú ý về kinh tế có hiệu lực như giá điện; quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt cho sinh viên, người lao động; quy định về nhà ở xã hội...

Trường hợp không được tham gia bán hàng đa cấp

Những trường hợp không được tham gia bán hàng đa cấp được nêu tại khoản 23 Điều 1 Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 20/6/2023 tới đây. Cụ thể gồm: Người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam được cấp gắn với doanh nghiệp mà người đó tham gia bán hàng đa cấp trừ trường hợp được miễn (Quy định cũ chỉ quy định là người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam trừ trường hợp được miễn).

Các đối tượng còn lại vẫn giữ nguyên như quy định cũ tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, gồm:

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 6 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

- Người đang chấp hành hình phạt tù/có tiền án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ tài sản trái phép…

- Người bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt mà chưa hết hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính tại khoản 2, 3, 4 Điều 5.

- Cá nhân tại điểm c khoản 1 Điều 7.

- Cán bộ, công chức.

Bổ sung thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực

Ngày 21/4/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2020/TT-BCT ngày 09/9/2020 quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Thông tư bổ sung khoản 3 Điều 12 về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực được quy định tại Khoản 19 Điều 3 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, Thông tư bổ sung khoản 7a sau khoản 7 Điều 14 về trách nhiệm của đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Các đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện phải đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, đấu nối và các quy định pháp luật có liên quan trước khi đưa công trình điện lực vào vận hành chính thức.

Đối với công trình điện lực thuộc trường hợp phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng, đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật xây dựng trước ngày công trình điện lực vận hành thương mại hoặc được đưa vào vận hành chính thức.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 9/6/2023.

Ban hành 9 danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BKHĐT ngày 14/4/2023 về Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.

Những chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 6 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Thông tư liệt kê 9 danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được. Về nguyên tắc xác định, đối chiếu thông tin, Thông tư nêu rõ, việc xác định hàng hóa trong nước đã sản xuất được phải căn cứ vào "Tên mặt hàng" và "Ký hiệu quy cách, đặc tính kỹ thuật." Đối với "Mã số theo biểu thuế nhập khẩu" chỉ để tra cứu, việc xác định mã số đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

Các danh mục hàng hóa quy định nêu trên là căn cứ xác định hàng hóa trong nước chưa sản xuất được và không bao gồm hết các hàng hóa khác trong nước đã sản xuất được nhưng chưa được quy định tại Thông tư này.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 9/6/2023.

Sửa nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03/2023/TT-BXD ngày 28/4/2023 sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BXD hướng dẫn thực hiện nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Theo đó, Thông tư 03/2023/TT-BXD sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 về nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu.

Trình tự thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thông qua hình thức đấu thầu được áp dụng như quy định của pháp luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Nhà đầu tư trúng thầu là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/6/2023.

TP.HCM tăng mức phí làm hồ sơ nhà đất theo mức mới

Tại kỳ họp thứ 9 của Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X, Nghị quyết về mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp Sổ đỏ trên địa bàn thành đã được thông qua và áp dụng từ 01/6/2023.

Theo đó, TP.HCM tăng mức phí khi thực hiện thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ lần đầu, cấp mới, cấp đổi, cấp lại, chuyển nhượng hoặc đăng ký biến động. Cụ thể:

Thẩm định hồ sơ để chuyển nhượng: Phí thẩm định với hộ gia đình, cá nhân là 1,01 - 1,4 triệu đồng, tăng 47-55% so với quy định cũ đang là 650.000 - 950.000 đồng); với tổ chức là 1,8 - 2,225 triệu đồng (tăng 35-200%) thay vì 950.000 đồng - 1,65 triệu đồng như trước đây.

Thẩm định hồ sơ để cấp lại lần đầu, cấp mới, cấp đổi, cấp lại, đăng ký biến động: Cá nhân, hộ gia đình phải nộp 600.000 đồng - 2,85 triệu đồng; tổ chức, cơ quan, cơ sở tôn giáo phải đóng 1 - 3 triệu đồng.

TP.HCM cũng tăng mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm (đối với hoạt động đăng ký do cơ quan địa phương thực hiện) bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố.

Theo đó, trường hợp thế chấp, thay vì áp dụng chung mức 80.000 đồng như hiện nay thì điều chỉnh lên từ 720.000 - 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân (tăng 9 - 12,5 lần); từ 1,55 triệu đồng đến 1,95 triệu đồng đối với cơ quan, tổ chức (tăng 19 - 24 lần).

Trường hợp thay đổi nội dung thế chấp (hiện thu 60.000 đồng) và xóa thế chấp (hiện thu 20.000 đồng) sẽ áp dụng mức tăng như trường hợp thế chấp. Các trường hợp còn lại không thay đổi mức phí.

Mức phí này sẽ được áp dụng từ ngày 1/6/2023 và được miễn đối với trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng...

Sửa quy định giá bán lẻ điện sinh hoạt với sinh viên, người lao động thuê nhà

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-BCT ngày 21/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT quy định về thực hiện giá bán điện và Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi Thông tư 16/2014/TT-BCT.

Trong đó, Thông tư 09/2023/TT-BCT sửa đổi điểm c khoản 4 Điều 10 quy định giá bán lẻ điện sinh hoạt trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình).

Đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, thường trú (xác định theo Thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện) thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).

Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101-200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.

Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì Bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào Thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện; cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/6/2023.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement