28/03/2023 15:23
Chính sách mới về nhân sự, việc làm có hiệu lực từ tháng 4/2023
Trong tháng 4/2023, nhiều chính sách như hướng dẫn việc làm trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, kiểm định chất lượng đầu vào công chức, xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa,... sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.
Thêm một bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH
Đây là nội dung tại Thông tư 02/2023/TT-BYT ngày 9/2/2023 sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Theo đó, bổ sung "bệnh COVID-19 nghề nghiệp" vào danh mục bệnh nghề nghiệp được BHXH.
Đồng thời, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp quy định tại Phụ lục 35. Theo hướng dẫn chẩn đoán giám định, các yếu tố gây bệnh COVID-19 nghề nghiệp bao gồm:
- Có tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trong môi trường lao động.
- Yếu tố gây bệnh được ghi nhận tại một trong các văn bản sau:
+ Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với virus SARS-CoV-2 được quy định tại Phụ lục 36.
+ Văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và các văn bản khác phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
+ Đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định tại mục VI Mẫu 04 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP.
+ Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BYT.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/4/2023.
Xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 03/2023/TT-BYT ngày 17/2/2023 hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Theo đó, nguyên tắc và căn cứ xác định vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập được quy định như sau:
- Vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp được xác định theo các nguyên tắc quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Nghị định 106/2020/NĐ-CP.
- Số lượng người làm việc tối thiểu trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định theo giường bệnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh theo công suất sử dụng giường bệnh trung bình của 3 năm gần nhất.
Trong cơ sở thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và cơ sở giám định được xác định theo quy mô dân số, điều chỉnh theo tính chất, đặc điểm chuyên môn, khối lượng công việc của mỗi cơ sở và đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội của mỗi địa phương.
Trong cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định được xác định và điều chỉnh theo số lượng mẫu kiểm nghiệm trung bình năm.
Trong Trung tâm cấp cứu 115 được xác định theo định mức xe cứu thương của trung tâm.
- Định mức số lượng người làm việc quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT là số lượng người làm việc tối thiểu của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần bố trí. Điều này nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế và quyền lợi của viên chức, người lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật.
Tùy theo khối lượng công việc và khả năng tài chính, các đơn vị sự nghiệp y tế có thể bố trí số lượng người làm việc cao hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo đảm hiệu quả.
- Định mức số lượng người làm việc quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT là căn cứ để các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch số lượng người làm việc hằng năm.
Thông tư 03/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 5/4/2023.
Tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức 2 lần/năm
Nghị định 06/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/4/2023 đã quy định chi tiết về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Cụ thể, việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức được quy định như sau:
- Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
- Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 2 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.
- Trước ngày 31/1 hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
- Trường hợp các cơ quan tuyển dụng công chức có nhu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì xây dựng kế hoạch, thông báo theo quy định tại Điều 7 Nghị định 06/2023/NĐ-CP và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự kiểm định tại Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình quản lý; lập danh sách thí sinh gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định.
Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được danh sách, Bộ Nội vụ tiến hành tổ chức kiểm định.
Quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên
Có hiệu lực từ ngày 25/4/2023, Thông tư số 01/2023/TT-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 9/3/2023 quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên theo quy định tại Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Về xác định chuyên gia, nhà chuyên môn khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Điều 3 Thông tư nêu rõ: Chuyên gia, nhà chuyên môn khác là người được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ: chuyên gia tâm lý học, chuyên gia tài chính, chuyên gia sở hữu trí tuệ...
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định, xác định người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
Người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.
Ví dụ: Già làng, trưởng bản,... tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số người có uy tín, có hiểu biết phong tục tập quán trong cộng đồng dân cư.
Xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa
Thông tư 02/2023/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.
Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng 3 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP), cụ thể như sau:
a) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa chính được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
b) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
c) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa trung cấp được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức tuyên truyền viên văn hóa thì thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau:
a) Trường hợp bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa trung cấp:
Viên chức có trình độ đào tạo trung cấp khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 1, hệ số lương 1,86, ngạch viên chức loại B;
Viên chức có trình độ đào tạo cao đẳng trở lên khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 2, hệ số lương 2,06, ngạch viên chức loại B.
b) Trường hợp bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa:
Viên chức có trình độ đào tạo đại học khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 1, hệ số lương 2,34, ngạch viên chức loại A1;
Viên chức có trình độ đào tạo thạc sĩ khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67, ngạch viên chức loại A1;
Viên chức có trình độ đào tạo tiến sĩ khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00, ngạch viên chức loại A1.
Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa quy định tại Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Thông tư số 02/2007/TTBNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2007/TT-BNV).
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp