Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhiều ngân hàng dự kiến trả cổ tức cao trong năm nay

Ngân hàng

13/04/2023 11:04

Hiện tại đã có gần chục ngân hàng công bố kế hoạch chia cổ tức. Mặc dù không bị giới hạn chia bằng tiền mặt như các năm trước, song số lượng ngân hàng dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt lại rất ít.

Chỉ thị số 01/CT-NHNN năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khi nhà điều hành chính thức "bật đèn xanh" cho phép các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt trở lại, sau 2 năm tạm ngưng vì đại dịch. Tuy nhiên, dường như nhiều ngân hàng vẫn chưa sẵn sàng với việc chia cổ tức bằng tiền mặt.

Cụ thể, các thống kê mới đây của chúng tôi mới đây cho thấy, đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 20 ngân hàng công bố kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022. Tuy nhiên, chỉ có 9 ngân hàng có chia cổ tức cho cổ đông. Số lượng nhà băng có tỷ lệ cổ tức trên 20% và có chia tiền mặt lại càng hiếm hơn.

Nhiều ngân hàng dự kiến trả cổ tức cao trong năm nay - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đến hiện tại mới chỉ VIB chốt chia cổ tức là 35% (gồm 15% tiền mặt và 20% cổ phiếu thưởng); ACB dự kiến chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt; HDBank cũng dự kiến chia với tỷ lệ 25% trong đó 10% tiền mặt.

Ngành ngân hàng rất đặc thù, vì nếu muốn chia cổ tức, bên cạnh việc kinh doanh có lãi, các định chế tài chính này còn phải đảm bảo các hệ số an toàn vốn và thanh khoản. Do đó, các nhà băng có khả năng chia cổ tức, đặc biệt là bằng tiền mặt là những ngân hàng có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, bền vững và và tỷ lệ an toàn vốn cao hơn mặt bằng chung của hệ thống, theo Markettimes.

Trên thực tế, 3 ngân hàng kể trên đều nằm trong câu lạc bộ các ngân hàng có lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ và lọt vào top 10 nhà băng có lợi nhuận lớn nhất năm 2022. Đồng thời ROE của các ngân hàng kể trên đều nằm trong nhóm cao nhất toàn ngành.

Như ACB năm trước ghi nhận lãi trước thuế 17.114 tỷ; ROE ở mức 26,5%. VIB năm 2022 lãi trước thuế 10.581 tỷ; ROE đạt 29,7%. Còn HDBank ghi nhận lợi nhuận đạt hơn 10.268 tỷ, tăng 27,2% và hoàn thành 105% kế hoạch lợi nhuận năm 2022. ROE ở mức 23,5%. Tỷ lệ an toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) của HDBank đạt 13,4%, trong nhóm 3 ngân hàng có an toàn vốn cao nhất ngành.

HDBank hiện cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, ngân hàng sẽ tiếp tục kiên định với định hướng "Phát triển bền vững, tiên phong dẫn đầu". Đồng thời, nhà băng này dự kiến tổng tài sản sẽ đạt 520.024 tỷ, tăng 25% so với năm 2022; huy động vốn tăng 25% lên 459.398 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 24% lên 333.553 (phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao).

HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế vượt 13.197 tỷ đồng tức tăng 29% so với năm 2022; Tỷ lệ ROE dự kiến đạt 24,5% và ROA đạt 2,3%; Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ tiếp tục được ngân hàng kiểm soát thấp dưới 1,5%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 2%.

VPBank mới đây đã trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt hơn 7,93 nghìn tỷ từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng, tương ứng 10%/cổ phiếu (mỗi cổ phiếu nhận 1.000 đồng).

Như vậy toàn bộ cổ đông của ngân hàng này sẽ lần đầu tiên nhận cổ tức bằng tiền mặt kể từ khi ngân hàng này chính thức niêm yết trên sàn HOSE từ năm 2017.

Ngoài ra, còn có TPB dự kiến sẽ trả cổ tức 25% bằng tiền mặt, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu.

Với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022, việc chia cổ tức bằng tiền mặt nằm trong tầm tay của nhiều ngân hàng, nhưng để việc nhận cổ tức tiền mặt trở thành một hoạt động bền vững cho nhà đầu tư, các ngân hàng cần nhiều hơn một kết quả kinh doanh sáng sủa.

Cổ đông của VPBank có lẽ cũng không quá bất ngờ khi ngay từ ĐHĐCĐ năm ngoái, vị lãnh đạo cao cấp của ngân hàng này đến những phút cuối đã bật mí VPBank từ năm 2023 sẽ bắt đầu chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.

Có thể tự tin công bố thông tin này với các cổ đông, vị lãnh đạo này lúc đó có lẽ đã sớm phác họa được bức tranh toàn cảnh của VPBank một năm sau đó: trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 hệ thống sau ông lớn quốc doanh Vietcombank trước thềm tổ chức ĐHĐCĐ năm nay.

Đạt được vị thế về vốn mới này là công sức bỏ ra trong 2 năm vừa qua của VPBank, nhằm đi tới cái kết có hậu cho thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho đối tác SMBC (Nhật Bản) ký kết cuối tháng 3 vừa qua. Với giá trị kỷ lục gần 1,5 tỷ USD, thương vụ đã giúp nâng vốn chủ sở hữu của ngân hàng lên 140,000 tỷ đồng.

Vốn điều lệ của VPBank hiện đang đứng đầu hệ thống với 67 nghìn tỷ đồng. Giá trị vốn hóa của ngân hàng này đã tăng lên hơn 140 nghìn tỷ tại thời điểm 31/03. Tổng tài sản hợp nhất ghi nhận ở mức hơn 630 nghìn tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022. Hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng tăng lên gần 15%.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, với nền tảng vốn hiện tại, đi đôi với kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2022 và các năm trước đó, VPBank có cơ sở đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 4-5 năm tới, và Hội đồng Quản trị của ngân hàng này có thể "thuận buồm xuôi gió" trình ĐHĐCĐ chia cổ tức tiền mặt trong năm nay và các năm tiếp theo.

Xét trên tiêu chí kết quả kinh doanh, có lẽ các ngân hàng thông báo trả cổ tức bằng tiền mặt đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khả quan trong năm 2022 – là điều kiện tiên quyết để phân phối lợi nhuận cho cổ đông khi Ngân hàng Nhà nước không còn siết việc chia cổ tức bằng tiền mặt, theo daidoanket.vn.

Tuy nhiên, để duy trì hoạt động trả cổ tức bằng tiền mặt trong dài hạn, lợi thế sẽ nghiêng về các ngân hàng có vốn mạnh và triển vọng tăng trưởng cao.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement