05/12/2017 11:39
Nhiều doanh nghiệp địa ốc chạy theo lợi nhuận, bỏ quên đạo đức kinh doanh
Thị trường bất động sản hiện nay không thiếu những doanh nghiệp hoặc sàn môi giới làm ăn chụp giựt, gậy thiệt hại cho người mua nhà và thị trường.
Chỉ lo bán nhà
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, phần lớn chủ đầu tư kinh doanh bất động sản tại TP.HCM đều có trách nhiệm, văn hoá doanh nghiệp và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Nhiều doanh nghiệp môi giới uy tín, đã góp phần kết nối chủ đầu tư với người mua nhà. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp bị khiếu nại hoạt động kinh doanh không lành mạnh, ảnh hưởng đến khách hàng, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Câu chuyện Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán đất nền, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại nhiều dự án ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu gây bức xúc dư luận trong thời gian qua chỉ là bề nổi của tảng băng.
Hoàng Quân tự ý thay đổi công năng tòa nhà, xây trường mầm non Hoàng Lam không đúng vị trí. Dù bị xử phạt 45 triệu đồng và yêu cầu tháo dỡ gần 1 năm qua nhưng vẫn không thực hiện. |
Trong số hàng ngàn doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM, có không ít công ty làm ăn bê bối. Bán căn hộ cho khách hàng nhưng không hoàn thiện hạ tầng, tiện ích, xâm phạm lợi ích của cư dân. Điển hình như Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) là cái tên nổi cộm.
Hoàng Quân được xem là ông trùm nhà ở xã hội tại TP.HCM và nhiều tỉnh ở khu vực phía Nam. Công ty này có hàng chục dự án trải dài từ Bình Thuận, Khánh Hòa, TP.HCM đến Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh… nhưng hiếm dự án nào hoàn chỉnh mà toàn treo hoặc trùm mền.
Dự án HQC Plaza ở huyện Bình Chánh và HQC Hóc Môn là hai dự án hiếm hoi mà Hoàng Quân hoàn thiện nhưng cũng chỉ nửa vời. Tại HQC Plaza, nhiều tiện ích bị cắt bớt và thay đổi công năng tòa nhà nhưng chủ đầu tư không xin ý kiến cư dân.
Cụ thể, tại block 3 có 3 tầng gửi xe nhưng hiện tại tầng trệt và tầng lửng bị cắt bớt diện tích làm căn hộ kinh doanh. Tầng 2 biến thành trường mầm non tư thục Hoàng Lam nên hàng trăm căn hộ tại block 3 không còn chỗ gửi xe, phải qua block 4 gửi tạm.
Theo thiết kế, tầng 3 mới là nơi làm trường mẫu giáo và nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng Hoàng Quân tự ý thay đổi công năng, xây căn hộ rồi bán cho khách hàng. Hồi cuối năm 2016, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã xử phạt Hoàng Quân 45 triệu đồng, yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ nhà trẻ sai phép trả lại nhà giữ xe cho cư dân nhưng đến nay mọi thứ không có gì thay đổi.
Còn dự án HQC Hóc Môn, cư dân đã vào ở một năm nhưng đến nay vẫn chưa có nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chưa nghiệm thu công trình, nghiệm thu thang máy. Hàng loạt tiện ích của cư dân không được Hoàng Quân hoàn thiện như trong hợp đồng mua bán.
Tương tự, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) là chủ đầu tư dự án The Easter City hay còn gọi là chung cư 6B trên đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Cuối năm 2015, chung cư 6B đã bắt đầu đưa khách hàng vào ở nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sinh sống tại đây, cư dân đã phát hiện hàng loạt vấn đề cho thấy chung cư có dấu hiệu xây dựng kém chất lượng.
Chẳng hạn, gạch lót nền hành lang chung cư bị vỡ nhiều chỗ nhưng vẫn chưa được sửa chữa toàn diện. Trần nhà và tường cũng bị thấm nước ố vàng khắp nơi. Bãi giữ xe bị nước đọng lênh láng…
Chung cư An Gia Star ở quận Bình Tân, TP.HCM do An Gia Investment làm chủ đầu tư lại quảng cáo sai sự thật để bán hàng. Lúc bán nhà, An Gia Investment nói hồ bơi là của riêng cư dân An Gia Star. Sau đó, hàng rào ngăn cách giữa chung cư An Gia Star với chung cư Tân Mai bị phá bỏ, hai chung cư sử dụng chung một hồ bơi khiến cư dân bức xúc và khiếu nại nhiều tháng nay nhưng chưa được giải quyết.
Nước ngập lênh láng trong chung cư 6B của Quốc Cường Gia Lai dù trời không mưa. |
Một dự án khác của An Gia Investment là chung cư An Gia Garden ở quận Tân Phú, TP.HCM lại bị chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế, tăng thêm số lượng căn hộ. Theo thiết kế ban đầu, dự án có 13 tầng căn hộ và 2 tầng thương mại. Sau khi cư dân nhận nhà vào ở, chủ đầu tư đã biến hàng chục căn hộ thương mại thành Officetel. Từ đó, số lượng người định cư tăng lên và thang máy, bãi xe thường xuyên bị quá tải.
Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) cũng là một doanh nghiệp địa ốc có tiếng tại TP.HCM với nhiều dự án đình đám. Nhưng đi kèm đó là tai tiếng ở nhiều dự án mà Nam Long làm chủ đầu tư. Chẳng hạn như dự án Ehome 3.
Khi mua nhà, khách hàng ở Ehome 3 được nhân viên tư vấn dự án có đầy đủ bãi đỗ xe, công viên, sân chơi trẻ em, trung tâm thương mại... Các khách hàng mua căn hộ có hướng nhìn ra công viên, sân chơi trẻ em, trung tâm thương mại... còn có giá cao hơn những căn hộ khác. Khoảng cuối năm 2016, dự án bắt đầu bàn giao nhà.
Nhưng khi vào ở, cư dân block A10, A11 mới biết mình không có bãi giữ xe. Do đó, phần diện tích công viên, sân chơi trẻ em, hành lang chung cư... lần lượt trở thành nơi giữ xe. Dù đã tận dụng mọi khoảng trống nhưng nhiều lúc vẫn không đủ chỗ đỗ xe. Tài sản của cư dân bị quăng tứ tung ra đường, hành lang chung cư và phơi nắng, phơi mưa.
Trong khi đó, luật quy định rất rõ cứ 100m2 nhà ở sẽ có 20m2 diện tích để xe. Nhưng hơn 350 hộ dân ở block A10, A11 chung cư Ehome 3 với tổng diện tích hơn 4.500m2 lại không có nổi một mét vuông nhà để xe nào. Quả thật là điều hết sức phi lý.
Chung cư Flora Anh Đào cũng là một sản phẩm của Nam Long. Tuy nhiên khi vừa bàn giao nhà, dự án này tiếp tục bị phản ánh về tình trạng xuống cấp. Cụ thể, chị Nguyễn Thị Phương Hồng ngụ tại căn hộ 114 chung cư Flora Anh Đào đến nghiệm thu phát hiện trong căn hộ xuất hiện vài vết nứt, cửa sổ làm thô sơ, không an toàn... Sau khi dọn vào ở, bà Hồng tiếp tục phát hiện nhà mình bị nứt và ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Sau khi thương lượng không thành, bà Hồng đã nộp đơn khởi kiện chủ đầu tư chung cư Flora Anh Đào là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Nguyên Phúc, công ty con của Nam Long ra Tòa án quận 9.
Có luật nhưng khó chế tài
Luật sư Trương Thị Hoà, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản gây nhiều bức xúc như gian lận, huy động vốn trái phép, chiếm dụng vốn góp của khách hàng, bán sản phẩm hình thành trong tương lai không đúng thiết kế, triển khai dự án không đúng quy hoạch, thế chấp tài sản, bán một sản phẩm cho nhiều người...
Hiện nay có nhiều luật quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Cạnh tranh, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Đặc biệt Bộ Luật Hình sự sửa đổi sắp tới sẽ có thêm quy định xử lý hình sự pháp nhân. Điều này cũng có nghĩa sẽ xử lý hành vi lừa dối, gian lận trong kinh doanh bất động sản. Đây là những luật quan trọng, cần thiết để xây dựng và giữ gìn đạo đức kinh doanh bất động sản.
Nam Long tự ý lấy diện tích công viên, sân chơi trẻ em, hành lang thoát hiểm.. làm bãi giữ xe |
Nhìn nhận về vấn đề đạo đức kinh doanh ở các doanh nghiệp bất động sản, bà Hòa cho rằng, luật pháp Việt Nam không thiếu hành lang pháp lý để chi phối đạo đức kinh doanh nói chung lẫn đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nói riêng. Đó là Điều 123, Bộ Luật Dân sự năm 2015 với nội dung giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Hay Luật Cạnh tranh cũng định nghĩa về vấn đề đạo đức kinh doanh như hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác và của người tiêu dùng.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch HoREA cho rằng, trách nhiệm xã hội đầu tiên của doanh nghiệp bất động sản không chỉ là làm ra nhà ở, giải quyết nhà ở cho người dân, tạo công ăn việc làm cho nhân viên mà còn các hoạt động từ thiện… Thậm chí, đạo đức kinh doanh bất động sản còn là câu chuyện chia sẻ lợi nhuận.
“Tuy nhiên vấn đề này không phải là chuyện dễ rạch ròi trong khi thủ tục hành chính vẫn còn nặng nề, doanh nghiệp vẫn phải bôi trơn chi phí, dẫn đến việc thiếu chính trực, đội giá bán và người dân vẫn là người chịu thiệt cuối cùng. Đó là chưa kể việc nhiều chủ đầu tư chậm bàn giao nhà cho khách hàng nhưng lại không chịu nộp phạt”, bà Loan nói.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp trong ngành, ông Nguyễn Đình Trung, Tổng Giám đốc Hung Thinh Corporation ái ngại: “Có rất nhiều người suốt ngày lo làm ăn buôn bán, lủi thủi tích cóp dành dụm cả đời để mua nhà, mua đất chứ biết đâu những thông tin một số công ty địa ốc làm ăn bầy hầy”.
Ông Trung lo ngại, dư âm của sự việc Alibaba sẽ khiến người tiêu dùng nhìn các công ty bất động sản như quái vật, ảnh hưởng đến uy tín các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.
Còn ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành tin rằng, người tiêu dùng ngày nay rất thông minh, chuyện bị lừa gạt là rất khó. Những người lần đầu tiên mua nhà thì rất kỹ tính vì đây là tài sản cả đời. Còn những ai thường mua đi bán lại nhiều lần thì đã có quá nhiều kinh nghiệm, cũng không dễ bị lừa.
Ông Nghĩa cho rằng, sở dĩ những dự án của Công ty Alibaba vẫn có khách hàng là vì một số người tiêu dùng nghĩ, mua được những sản phẩm pháp lí chưa hoàn chỉnh thì mới kiếm được lãi cao. Còn đợi đến lúc dự án đã hoàn chỉnh pháp lí rồi thì không còn là cơ hội đầu tư nữa.
Advertisement
Advertisement