07/01/2022 07:06
Nhập khẩu thịt giảm tháng thứ 4 liên tiếp
Do nhu cầu yếu, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt vào Việt Nam giảm tháng thứ 4 liên tiếp.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 11/2021, Việt Nam nhập khẩu 53.840 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 107,96 triệu USD, giảm 9,9% về lượng và giảm 0,05% về trị giá so với tháng 11/2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 672.630 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,29 tỷ USD, tăng 0,9% về lượng và tăng 14,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam trong tháng 11/2021, với 9.460 tấn, trị giá 29,26 triệu USD, tăng 71,6% về lượng và tăng 58,1% về trị giá so với tháng 11/2020, chiếm 17,6% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong tháng. Giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm thịt từ thị trường Ấn Độ ở mức 3.094 USD/tấn, giảm 7,9% so với tháng 11/2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ thị trường Ấn Độ đạt 95.580 tấn, trị giá 306,09 triệu USD, tăng 17,9% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 11/2021, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu, bò tươi đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt heo, thịt bò tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 11/2021, Việt Nam nhập khẩu 13.210 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 30,35 triệu USD, giảm 17,2% về lượng và giảm 19,8% về trị giá so với tháng 11/2020; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.298 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 11/2020. Nhập khẩu thịt heo tiếp tục giảm do nhu cầu vẫn chưa được cải thiện, trong khi nguồn cung trong nước cao. Lũy kế 11 tháng năm 2021, nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 148.660n tấn, trị giá 343,2 triệu USD, tăng 21,9% về lượng và tăng 17,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Hàng năm giá lợn hơi thường tăng dần từ thời điểm cuối tháng 11 đến trước Tết Nguyên đán do các công ty chế biến tăng cường thu mua, chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ dịp Tết. Tuy nhiên năm nay, giá lợn hơi những ngày qua biến động không đáng kể. Hiện dịch tả heo châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, phần lớn cơ sở chăn nuôi đang chịu lỗ. Trước lo ngại về bùng phát của dịch bệnh trên diện rộng, nhiều cơ sở chăn nuôi có thể phải dừng nuôi.
Theo nhận định của các chuyên gia ngành chăn nuôi, nhiều khả năng giá heo hơi còn giảm hoặc duy trì mức thấp trong dịp Tết Nguyên đán và quý I/2022 bởi sự lo ngại về biến thể mới của COVID-19 khiến biện pháp chống dịch được siết chặt, các bếp ăn công nghiệp, trường học chưa trở lại hoạt động bình thường… Năm 2021, ngành chăn nuôi liên tục gặp khó khăn như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, tắc khâu vận chuyển lưu thông, nhu cầu tiêu thụ giảm vì dịch COVID-19. Chăn nuôi heo tiếp tục gặp khó khăn khi giá thịt lợn hơi vẫn ở mức thấp và các chi phí đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, khiến phần lớn các cơ sở chăn nuôi đều đang chịu thua lỗ.
Tổng đàn heo cả nước hiện có khoảng 28,1 triệu con; tổng sản lượng thịt các loại năm 2021 đạt khoảng 6,2 triệu tấn, trong đó thịt heo đạt khoảng 3,82 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm trước.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp