28/03/2024 08:08
Nhà thầu tìm 'cơ' trong 'nguy'
Thị trường bất động sản trong nước phục hồi chậm nên để có việc làm, nhiều nhà thầu xây dựng tập trung tham gia đấu thầu các dự án công và hướng tới thị trường nước ngoài.
Chủ động tìm nguồn việc
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình, mã chứng khoán HBC) cho biết, trong suốt 36 năm kể từ ngày thành lập, thời gian vừa qua là giai đoạn Hòa Bình đối mặt với những sóng gió, những cơn bão tàn khốc nhất. Cụ thể, Công ty đối mặt với nợ quá mức, không đảm bảo sự an toàn cho hoạt động kinh doanh liên tục. Hệ thống quản lý hồ sơ thanh quyết toán còn nhiều lỗ hổng, chưa đảm bảo việc thu hồi nợ nhanh chóng và hiệu quả.
Kết quả kinh doanh của Hòa Bình trong năm 2023 xuống đáy khi thua lỗ hơn 777 tỷ đồng. Để cải thiện kết quả kinh doanh, Công ty đã chủ động tìm kiếm việc làm ở thị trường ngoài nước. Hòa Bình cùng một đối tác thành lập liên doanh tại một nước thứ ba, với số vốn 120 triệu USD, mỗi bên góp một nửa, nhưng tỷ lệ sở hữu của Công ty là 51%, đối tác là 49%.
Đầu tháng 3/2024, ông Lê Viết Hải đi thăm 5 dự án nhà ở xã hội tại Kenya. Đây là các dự án Hòa Bình được chỉ định thầu.
“Trong nguy có cơ. Chỉ trong tình trạng khó khăn của thị trường trong nước, chúng ta mới nhận ra con đường xán lạn, đại lộ thênh thang ở thị trường nước ngoài. Hiện nay, Hòa Bình đang đứng trước một cơ hội tuyệt vời, nắm trong tay nhiều lợi thế để có thể xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài, đặc biệt là châu Phi. Thị trường bất động sản Kenya nói riêng và châu Phi nói chung rất tiềm năng, bởi theo dự báo của Liên hiệp quốc, dân số châu Phi sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và chiếm 1/4 dân số thế giới. Trong khi đó, số lượng nhà ở hiện nay còn rất thiếu”, ông Lê Viết Hải nói.
Song song với tìm việc ở thị trường ngoài nước, Hòa Bình tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội.
Ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc Hòa Bình cho hay, tổng giá trị mà Công ty tham gia đấu thầu là 34.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 - 5 năm. Trong đó, kế hoạch ký hợp đồng trong năm 2024 là 7.000 tỷ đồng, kế hoạch ghi nhận doanh thu trong năm 2024 là 2.600 tỷ đồng, blacklog 27.500 tỷ đồng sẽ ghi nhận trong các năm tiếp theo.
Tại Công ty cổ phần Fecon (mã chứng khoán FCN), doanh nghiệp này liên tục trúng các gói thầu lớn kể từ đầu năm 2024 đến nay. Ngày 15/3 vừa qua, Fecon cùng liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng HJC, Công ty cổ phần Tổng công ty An Hà Hanagashi tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình trụ sở làm việc Công an tỉnh Quảng Ninh, tổng mức đầu tư 796 tỷ đồng, quy mô 1 tầng hầm, 13,5 tầng nổi. Riêng Fecon đảm nhận khối lượng công việc trị giá 400 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2025.
Trước đó, đầu năm 2024, Fecon trúng một số gói thầu lớn như “Thiết kế và thi công đường bãi, kết cấu hạ tầng” thuộc dự án Bến cảng số 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện với chủ đầu tư là HATECO, trị giá 781 tỷ đồng; “Thi công cầu cảng dự án Mở rộng bến cảng Baria Serece tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Dịch vụ Xuất nhập khẩu nông lâm sản và Phân bón, trị giá 100 tỷ đồng; “Thi công hạng mục nhà ga Hà Nội tại dự án Tuyến cáp treo Hương Bình” của chủ đầu tư là Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific) tổng trị giá 200 tỷ đồng…
Sau đó, Fecon trúng thêm nhiều gói thầu mới, với tổng giá trị sau thuế hơn 1.300 tỷ đồng, nâng tổng giá trị các hợp đồng triển khai trong năm 2024 lên khoảng 6.000 tỷ đồng. Đây là khởi đầu tích cực để Fecon kỳ vọng vào một năm mới bứt phá, trong bối cảnh thị trường xây dựng được dự báo vẫn còn nhiều biến động.
Tại Công ty cổ phần Coteccons (mã chứng khoán CTD), lượng backlog tính tới cuối năm 2023 ước đạt hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng mảng xây dựng công nghiệp tăng lên 33% từ mức 14% cuối năm 2022. Việc tăng tỷ trọng xây dựng công nghiệp sẽ giúp Công ty cải thiện biên lợi nhuận. Trong bối cảnh thị trường bất động sản và nhà ở thương mại vẫn ảm đạm thì việc mở rộng kinh doanh đối với mảng công nghiệp sẽ giúp Coteccons đảm bảo nguồn doanh thu và dòng tiền hoạt động.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (Phục Hưng, mã chứng khoán PHC) vừa trúng gói thầu “Tổng thầu thi công xây dựng” thuộc dự án “Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng, khách sạn” tại Hà Nội, có tổng giá trị hơn 1.430 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 29 tháng. Hồi đầu năm nay, Phục Hưng trúng thầu dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony (huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Một nhà thầu xây dựng không niêm yết trên thị trường chứng khoán là Công ty cổ phần Delta Group đang mở rộng lĩnh vực xây dựng công nghiệp, trúng thầu một số gói thầu tại dự án Nhà máy Pin VinES, Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất, tham gia dự án đầu tư công như xây dựng bệnh viện, trường học…
Kỳ vọng hồi phục
Năm 2024, Hòa Bình đặt mục tiêu đạt doanh thu 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. Kế hoạch giai đoạn 2025 2026 là đạt lần lượt 12.000 tỷ đồng và 15.900 tỷ đồng doanh thu, 600 tỷ đồng và 954 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh nghiệp phấn đấu đạt 192.000 tỷ đồng doanh thu trong giai đoạn 2024 - 2033.
Ba khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhà thầu là nguồn việc làm ít, thiếu vốn và lợi nhuận thấp. Các khó khăn này đang dần được giải quyết.
“Khi chia sẻ kế hoạch này, nhiều người hỏi chúng tôi rằng, mục tiêu của Công ty có khả thi không, Công ty có đặt mục tiêu vượt quá khả năng không? Chúng tôi khẳng định, Hoà Bình làm mọi thứ đều có cơ sở. Mục tiêu trong 3 năm tới, doanh nghiệp sẽ khôi phục lại vị thế. Hoà Bình đã vượt qua khó khăn, chúng tôi đang trên đường quay trở lại tăng trưởng, duy trì vị trí số 1 tại thị trường và tránh lặp lại vết xe đổ, hướng tới hoàn thiện và phát triển bền vững”, ông Lê Văn Nam nhấn mạnh.
Cùng với Hòa Bình, nhà thầu Coteccons cũng được kỳ vọng sẽ tăng tốc phục hồi trong năm 2024. Năm tài chính 2024 của Coteccons được tính từ ngày 1/7/2023 đến 30/6/2024. Lũy kế hai quý đầu năm tài chính 2024, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 9.783 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế đạt 136 tỷ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ, lần lượt hoàn thành 55% kế hoạch cả năm. Công ty Chứng khoán DSC dự báo, kết thúc năm tài chính 2024, Coteccons có thể đạt doanh thu 17.978 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 269 tỷ đồng, lần lượt tăng 166% và 417% so với năm 2023.
Coteccons có lợi thế khi sử dụng mức đòn bẩy thuộc nhóm thấp nhất ngành. Việc sở hữu cơ cấu tài sản khá lành mạnh tại thời điểm thị trường khó khăn và đòi hỏi năng lực thi công của nhà thầu cao như hiện nay sẽ giúp Coteccons tăng khả năng cạnh tranh đấu thầu về giá, đặc biệt khi biên lợi nhuận của doanh nghiệp được bảo toàn và không bị bào mòn bởi chi phí lãi vay. Ngoài ra, Coteccons có dư địa gia tăng đòn bẩy trong tương lai, qua đó có thể tăng cường năng lực thi công và hỗ trợ tăng trưởng về mặt doanh thu.
Ba khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhà thầu là nguồn việc làm ít, thiếu vốn và lợi nhuận thấp. Lợi nhuận của nhà thầu chỉ khoảng 5% nên nếu dự án giãn tiến độ, chủ đầu tư chậm thanh toán, doanh nghiệp nhà thầu chịu áp lực lãi ngân hàng sẽ “bào mòn” lợi nhuận.
Các khó khăn này đang được giải quyết khi doanh nghiệp tìm nguồn việc làm mới đa dạng, bù cho phần thiếu hụt của các dự án xây dựng bất động sản. Nguồn vốn vay ngân hàng cũng trở nên “dễ thở” hơn khi Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay.
Nửa cuối năm 2024 được đánh giá là giai đoạn trở lại mạnh mẽ của nhóm doanh nghiệp nhà thầu khi thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ phục hồi tốt hơn cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ quan quản lý. Thực tế, nhiều chủ đầu tư có quỹ đất sạch đã và đang lên kế hoạch triển khai dự án, nhất là trong phân khúc căn hộ có nhu cầu ở thực ngày càng cao.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp