30/01/2019 00:55
Giám định chung cư 518 Võ Văn Kiệt để xử lý chủ đầu tư và nhà thầu
TP.HCM giám định nguyên nhân sự cố để xử lý chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan, cá nhân liên quan vì chung cư ở 20 năm đã nghiêng 45cm.
UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất biện pháp xử lý lâu dài đối với công trình nghiêng, lún tại lô E chung cư 518 đường Võ Văn Kiệt, phường Cầu Kho, quận 1 để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân tại khu vực và các công trình kế cận.
Đồng thời tổ chức giám định nguyên nhân sự cố để xử lý chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Trước đó, như chúng tôi đã phản ánh, các hộ dân sống ở lô E chung cư 518 Võ Văn Kiệt, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM đang tất bật di dời đồ đạc đến nơi ở mới, để đảm bảo an toàn khi chung cư này đã bị nghiêng 45cm.
Kết quả kiểm định của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, lô E của khu chung cư 518 Võ Văn Kiệt bị nghiêng 45cm, có nguy cơ sập bất kỳ lúc nào. Ngay khi nhận được kết quả kiểm định, UBND quận 1 đã xin ý kiến lãnh đạo TP.HCM để lên phương án di dời các hộ dân ra khỏi khu chung cư.
Chung cư 518 Võ Văn Kiệt quận 1 nghiêng 45cm sau 20 năm sử dụng. |
Theo đó, nhiều hộ dân trong lô E của chung cư 518 đã dọn dẹp đồ đạc để chuyển đến nơi ở mới, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. UBND quận 1 bố trí lực lượng chức năng và công ty vận chuyển để hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc đến các căn hộ chung cư khác trên địa bàn các quận 1, 4, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.
Ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định, chung cư mới đưa vào sử dụng 20 năm thì không thể gọi là chung cư cũ. Nói bị nghiêng là không đúng, mà phải nói là chung cư bị lệch khỏi vị trí cũ 45cm. Đây là mức lệch không thể chấp nhận được.
Theo quy chuẩn, chung cư cao khoảng 20m chỉ được lệch tối đa 2cm. Chung cư lệch tối đa 20cm là phải báo động ngay, đồng thời phải cho người khảo sát, đo đạc, tính đến giải pháp di dời người dân. Tình trạng lệch, lún chắc chắn phải diễn ra từ nhiều năm, không thể lệch ngay. Mức độ lệch, lún này là rất nguy hiểm, UBND quận 1 tổ chức di dời người dân là hoàn toàn hợp lý.
Ông Đực khẳng định, cừ tràm hoàn toàn đủ khả năng chịu lực đối với một công trình như chung cư 518 Võ Văn Kiệt. Trước năm 1975, do kỹ thuật chúng ta còn kém, chưa có khả năng ép đủ tải, đủ cầu nên nhiều công trình 5-7 tầng vẫn sử dụng cừ tràm.
Sau này, khi kỹ thuật được nâng cao, ta chuyển sang dùng cừ bê tông. Tính đến nay, cả nước tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành, có hàng ngàn công trình dùng cừ tràm chịu lực cho nền móng nhưng hiếm khi xảy ra tình trạng lệch, lún.
Chung cư mới đưa vào sử dụng mà xảy ra tình trạng này là bất thường. Có thể do hai nguyên nhân. Thứ nhất, do ăn gian trong thi công. Có thể họ ăn chiều dài cây cừ tràm hoặc ăn gian số lượng. Ví dụ công trình phải đóng 100 cây cừ tràm nhưng họ chỉ đóng 70 cây. Ngoài ra, họ cũng có thể ăn gian diện tích đóng cừ tràm.
Thứ hai, do có quan điểm sai về thiết kế. Trước đây, có một thời kỳ, người ta đưa ra quan điểm thi công là sau khi đóng cừ tràm phủ lên 20-30cm cát, bên trên tiếp tục đổ bê tông đá 4x6cm và đổ xi măng lên. Tuy nhiên, kỹ thuật thi công này rất dễ dẫn đến tai họa vì sau vài năm sử dụng, mạch nước ngầm sẽ di chuyển hoặc có người xây dựng công trình gần đó sẽ kéo nước chảy vào móng công trình, vô tình kéo theo lớp bê tông lót trôi theo và gây sụt lún công trình.
Để làm rõ trách nhiệm trong chung cư 518 Võ Văn Kiệt, ông Đực cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư và các cơ quan kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, để làm rõ trách nhiệm trong vụ việc này, phải đập chung cư, khai quật nền móng lên mới biết được. Trường hợp phải đập, xây lại chung cư thì chủ đầu tư và chính quyền phải chịu trách nhiệm làm việc này.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp