Người dân Maroc trong cảnh 'màn trời chiều đất' sau trận động đất kinh hoàng
11/09/2023 10:46
"Màn trời chiếu đất"
Những người sống sót sau trận động đất kinh hoàng nhất ở Maroc trong hơn sáu thập kỷ đã phải vật lộn để tìm thức ăn, nước uống và nơi trú ẩn trong những ngày qua, khi việc tìm kiếm người mất tích vẫn tiếp tục ở những ngôi làng xa xôi.
Thiệt hại đối với di sản văn hóa của Maroc trở nên rõ ràng hơn khi truyền thông địa phương đưa tin về vụ sập một nhà thờ Hồi giáo quan trọng về mặt lịch sử, có từ thế kỷ 12. Động đất cũng làm hư hại một phần thành phố cổ Marrakech, nơi đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Theo đài truyền hình quốc gia Maroc, tính đến hết ngày 10/9, số trường hợp thiệt mạng vì trận động đất tấn công nước này đêm 8/9 đã lên đến ít nhất 2.122 người. Thiên tai cũng khiến 2.421 nạn nhân khác bị thương, trong đó hơn 1.000 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Nhiều người đã phải trải qua đêm thứ 3 ngoài trời sau cơn địa chấn dữ dội vì bị mất nơi trú ngụ hoặc nhà của họ có nguy cơ đổ sụp. Các nhân viên cứu trợ đang phải đối mặt với thách thức trong việc tiếp cận những ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng núi High Atlas xa xôi, hiểm trở, tâm chấn của động đất.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hơn 300.000 người tại thành phố cổ nổi tiếng Marrakech và các khu vực chung quanh đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất này. Ảnh: Reuters
Ở làng Moulay Brahim, cách Marrakech khoảng 40 km về phía Nam, các cư dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, nước và thực phẩm. Nhiều người đang phải dùng tay đào bới các đống đổ nát nhằm tìm kiếm những nạn nhân còn sống sót cũng như đưa các thi thể ra ngoài.
Trên sườn đồi nhìn ra ngôi làng, người dân đã chôn cất một người phụ nữ 45 tuổi đã chết cùng đứa con trai 18 tuổi, một người phụ nữ khóc nức nở khi thi thể được hạ xuống mộ.
Khi lấy lại đồ đạc từ ngôi nhà bị hư hại của mình, Hussein Adnaie cho biết ông tin rằng có người vẫn còn bị chôn vùi trong đống đổ nát gần đó. Adnaie nói: "Họ không nhận được sự giải cứu cần thiết nên họ đã chết. Tôi đã cứu các con mình và tôi đang cố gắng lấy chăn cho chúng và bất cứ thứ gì có thể mặc".
Yassin Noumghar, 36 tuổi, phàn nàn về tình trạng thiếu nước, thực phẩm và điện, đồng thời cho biết cho đến nay anh nhận được rất ít viện trợ. Noumghar nói: "Chúng tôi mất tất cả, mất cả ngôi nhà. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của chính quyền".
Với nhiều ngôi nhà được xây bằng gạch bùn hoặc gỗ, các công trình kiến trúc này rất dễ bị sụp đổ. Đây là trận động đất nguy hiểm nhất ở Morocco kể từ năm 1960 khi một trận động đất được ước tính đã khiến ít nhất 12.000 người thiệt mạng.
Chính phủ Maroc cho biết có thể chấp nhận các đề nghị cứu trợ từ các quốc gia khác và sẽ nỗ lực điều phối nếu cần.
Các đội cứu hộ đổ về Maroc
Chiều Chủ nhật (10/9), Washington đã cử một nhóm chuyên gia về thảm hoạ đến Maroc để đánh giá tình hình, xác định các nhu cầu nhân đạo chưa được đáp ứng và làm việc với chính quyền Maroc để liệt kê những hạng mục hỗ trợ bổ sung.
Cơ quan ứng phó thảm hoạ và hỗ trợ y tế Magen David Adom của Israel hôm 9/9 cho biết lãnh đạo cơ quan này đã liên hệ với Chủ tịch Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Maroc để đề nghị giúp đỡ.
"Các đại diện của Magen David Adom đang chuẩn bị khởi hành trong vài giờ tới", cơ quan này cho biết trong một tuyên bố. "Họ sẽ phối hợp với các phái đoàn của Bộ Y tế và Lực lượng Phòng vệ Israel."
Tây Ban Nha thông báo 56 sĩ quan cùng 4 chú chó nghiệp vụ đã đến Maroc, trong khi đội trợ giúp cứu hộ thứ 2 của nước này gồm 30 người cùng 4 chó nghiệp vụ cũng đang trên đường tới đây.
Chính phủ Anh đang triển khai một đội đánh giá y tế gồm 4 người, 60 chuyên gia tìm kiếm cứu nạn và 4 chó nghiệp vụ tới giúp Maroc. Đội cứu hộ do Qatar điều động cũng đã khởi hành tới quốc gia Bắc Phi.
Algeria, quốc gia đã cắt đứt quan hệ với Maroc từ hai năm trước, tuyên bố sẽ mở không phận cho các chuyến bay nhân đạo và y tế tới Maroc. Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy (9/9), chính quyền Algeria cho biết họ sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo cũng như hiện vật và sức người để hỗ trợ người dân Maroc, nếu Maroc yêu cầu.
Paris ngày 10/9 tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Maroc và đang chờ yêu cầu hỗ trợ chính thức.
"Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể. Ngay khi họ đề nghị hỗ trợ, chúng tôi sẽ triển khai", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi (Ấn Độ). Bộ Ngoại giao Pháp cho biết cơ quan này đã kích hoạt quỹ đóng góp của chính quyền địa phương cho các hoạt động hỗ trợ.
Theo Cơ quan Địa vật lý của Maroc, trận động đất này có độ lớn 7 độ Richter. Trong khi đó, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) đánh giá cường độ của trận động đất này là 6,8 độ Richter với độ sâu chấn tiêu 18,5 km.
Maroc đã quyết định để quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ các nạn nhân xấu số trong thảm kịch này.
Một trận động đất có cường độ ít nhất 6,8 độ richter đã làm rung chuyển phần lớn Maroc. Đây là trận động đất mạnh nhất xảy ra tại khu vực này trong hơn một thế kỷ.
Maroc nằm ở điểm giao nhau của một vụ va chạm kiến tạo chuyển động chậm giữa các mảng châu Phi và Á - Âu. Trải qua hàng triệu năm, các chuyển động đã phá hủy cảnh quan, nâng cao dãy núi Atlas và tạo ra một mạng lưới đứt gãy phức tạp xuyên suốt khu vực.
Tốc độ va chạm gần Maroc khá chậm, với các mảng va chạm chỉ ở mức 4 đến 6 mm mỗi năm, điều đó có nghĩa là động đất không xảy ra thường xuyên. Để so sánh, vùng đất xung quanh Đứt gãy San Andreas dịch chuyển khoảng 50 mm mỗi năm.
Nhưng trong nhiều năm, sự chuyển động chậm chạp gần bờ biển phía Bắc châu Phi có thể gây ra căng thẳng đủ để gây ra những trận động đất dữ dội, bao gồm cả trận động đất chết người hôm thứ Sáu.
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Advertisement