Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Người dân không nên ồ ạt đi tiêm vaccine đậu mùa để phòng bệnh đậu mùa khỉ

Sức khỏe

27/07/2022 13:19

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM, người dân không cần quá lo lắng về bệnh đậu mùa khỉ và không nên ồ ạt đi tiêm vaccine đậu mùa khỉ vì Việt Nam chưa xuất hiện bệnh này.

Vaccine bệnh đậu mùa có hiệu quả 85% với đậu mùa khỉ

Đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người, từ người sang người khi tiếp xúc gần, qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. 

Sự lây truyền cũng có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi (chưa có bằng chứng xác thực) hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Tuy nhiên, bệnh này không được xác định là bệnh lây truyền qua đường tình dục, mặc dù phần lớn số ca nhiễm hiện tại được xác định là những người có quan hệ đồng tính nam. Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày.

Vaccine bệnh đậu mùa có hiệu quả với đậu mùa khỉ - Ảnh 1.

Số lượng ca nhiễm đậu mùa khỉ gia tăng.

Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa. Các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Theo bác sĩ Khanh, bệnh này rất khó tạo thành đại dịch như COVID-19. Vì đặc tính của bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm trực tiếp qua tiếp xúc với người nhiễm (tiếp xúc với chăn ga gối trải giường, quần áo, khăn mặt, dịch tiết, giọt bắn…).

Bệnh đậu mùa khỉ chỉ lây nhiễm khi xuất hiện mụn nước, mụn mủ, vì dễ dàng nhìn thấy nên chúng ta có thể cách ly và tránh tiếp xúc với người bệnh. 

Ngoài ra, theo bác sĩ Khanh, vaccine phòng bệnh đậu mùa hiện tại có hiệu quả đối với bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên với tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước chưa ghi nhận ca nhiễm nào nên chưa cần tiêm vaccine đậu mùa khỉ trên diện rộng.

Kết quả một số nghiên cứu trước đây tại châu Phi cho thấy, vaccine phòng bệnh đậu mùa hiệu quả khoảng 85% trong việc ngăn ngừa bệnh. Hiện một số ít quốc gia phê duyệt sử dụng vaccine phòng bệnh đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới (thế hệ 2, 3) để sử dụng phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh đậu mùa khỉ, song theo CDC Hoa Kỳ, đậu mùa khỉ giống với bệnh đậu mùa, do đó có thể sử dụng thuốc kháng virus bệnh đậu mùa điều trị cho bệnh đậu mùa khỉ.

Không nên tiêm vaccine rộng rãi

Tính đến 18/7, WHO không khuyến cáo việc tiêm vaccine phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi. Các dữ liệu nghiên cứu về hiệu quả của vaccine phòng đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới vẫn đang được nghiên cứu. 

Tuy nhiên, với số lượng ca nhiễm ngày càng tăng, châu Âu và Mỹ đang ráo riết mua số lượng lớn vaccine phòng đậu mùa khỉ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc vội vàng mua thuốc và tiêm vaccine khi số ca mắc bệnh vẫn còn tương đối thấp ở châu Âu sẽ khiến nguồn cung vaccine hạn chế. 

Các quốc gia trên khắp châu Âu đã bắt đầu tăng cường tiêm chủng cho người dân chống lại bệnh đậu mùa khỉ khi các ca bệnh gia tăng.

Anh đã tiêm 1.000 liều vaccine cho những người tiếp xúc gần với ca bệnh có nguy cơ cao và nhân viên y tế chăm sóc những người nhiễm virus đậu mùa khỉ, trong khi dự trữ 3.500 liều khác để sẵn sàng sử dụng. Pháp đã thông báo rằng họ đang tiêm chủng cho những nhóm người dễ lây nhiễm để ngăn chặn sự bùng phát.

Với đại dịch COVID-19 đang bùng phát và cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh truyền nhiễm, các nước châu Âu càng chú ý đến bệnh đậu mùa khỉ và lo ngại về việc liệu có đủ liều vaccine cho những người cần chúng hay không. Ở châu Âu chỉ có một loại vaccine để bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ và các quốc gia đang tranh giành nhau để mua dự trữ.

Theo TTXVN, người đứng đầu bộ phận truyền thông và quan hệ đầu tư tại Bavarian Nordic, nhà sản xuất vaccine của Đan Mạch, Imvanex, cho biết, đơn vị này đang thảo luận với nhiều quốc gia đang đưa ra yêu cầu mua vaccine. Loại vaccine này hiện đã được chấp thuận cho bệnh đậu mùa ở EU, cũng như bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ và Canada. Đơn vị này cũng kêu gọi các quốc gia phối hợp cùng nhau để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng đối với vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán, dựa trên nhu cầu sức khỏe cộng đồng.

Các nhà khoa học hiện đang lạc quan rằng các quốc gia sẽ không cần đến các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt mà họ đã thực hiện như trong đại dịch COVID-19, bởi vì các loại virus rất khác nhau.

Phòng bệnh đậu mùa khỉ thế nào?

Về phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh người dân cần lưu ý phòng ngừa bằng những phương pháp như khẩu trang và vệ sinh tay chân, tránh tiếp xúc với người có các dấu hiệu nổi mụn nước và những biểu hiện lạ trên da và người có tiền sử đi về từ vùng dịch.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác. Tránh tiếp xúc với động vật có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ, ăn chín, uống sôi. Chỉ ăn các loài động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định.

Vaccine bệnh đậu mùa có hiệu quả với đậu mùa khỉ - Ảnh 2.

Bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường quan hệ tình dục đồng tính.

Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.

Người bệnh nếu xuất hiện các dấu hiệu lạ: Sốt và đau đầu dữ dội, mệt mỏi uể oải, nổi hạch, bị phát ban trên mặt, lòng bàn tay, bàn chân, miệng, mắt, cơ quan sinh dục đặc biệt là mụn nước, mụn mủ thì cần đến ngay cơ quan y tế khai báo để có phương pháp điều trị và kiểm soát bệnh.

Ngoài ra, bác sĩ Khanh để tầm soát và chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ các bác sĩ sẽ dựa trên lịch sử tiếp xúc của người bệnh.

Sau đó chỉ định bạn thực hiện xét nghiệm PCR mẫu chất lỏng hoặc các vết thương trên da, từ đó phát hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ trong cơ thể, hoặc thực hiện sinh thiết để xác định chính xác việc có nhiễm bệnh hay không.

Tầm soát bệnh đậu mùa khỉ thường sẽ không thực hiện xét nghiệm máu. Lý do là virus gây bệnh đậu mùa khỉ thường chỉ lưu lại trong máu một thời gian ngắn, khó phát hiện và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp hay thuốc đặc trị cho bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng bởi bệnh có thể thuyên giảm và tự khỏi mà không cần điều trị.

Trước đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động trong khoảng 11% so với số người mắc bệnh (trẻ em có tỷ lệ tử vong cao hơn). Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng 3-6%.

Có thể nói, bệnh đậu mùa khỉ tuy khó lây lan giữa người với người hơn so với COVID-19 và các triệu chứng của bệnh cũng không quá nghiêm trọng nhưng đây vẫn là một căn bệnh nguy hiểm, cần có những biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Nhiều quốc gia từng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang khuyến cáo người dân nên cách ly trong 21 ngày; Anh cũng khuyên rằng nên cách ly những người tiếp xúc gần có nguy cơ cao trong cùng một khoảng thời gian.

Từ năm 1970, đậu mùa khỉ là bệnh lưu hành tại khu vực châu Phi (11 quốc gia), hầu như không ghi nhận các ca bệnh tại khu vực khác. Đến tháng 5/2022, WHO thông báo ghi nhận ca bệnh tại một số khu vực châu Âu (chùm ca bệnh đầu tiên ghi nhận tại Anh), đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại các nước ngoài khu vực châu Phi. Từ đó dịch bệnh được ghi nhận sự gia tăng liên tục cả về số ca nhiễm và số quốc gia vùng, lãnh thổ (quốc gia) ghi nhận ca bệnh.

Ngày 21/5, thế giới ghi nhận 92 ca bệnh xác định, 28 ca bệnh nghi ngờ tại 12 quốc gia. Ngày 22/6, số ca mắc là 3.413 tại 50 quốc gia. Đến 23/7, WHO thông báo ghi nhận trên 16.000 ca mắc tại trên 75 quốc gia (gồm cả các quốc gia đang lưu hành dịch), trong đó 5 trường hợp tử vong.

Mặc dù Ủy ban khẩn cấp chưa thống nhất đề xuất dịch đậu mùa khỉ tại nhiều quốc gia là sự kiện y tế công cộng gây quan ngại quốc tế, song ngày 23/7/2022, Tổng Giám đốc WHO tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ tại nhiều quốc gia là sự kiện y tế công cộng gây quan ngại quốc tế. Hiện một số quốc gia gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Campuchia đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.


HÀ MY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement