07/03/2020 19:42
Người dân không lo thiếu hàng hóa
Bên lề cuộc họp khẩn do Bộ Công Thương tổ chức chiều 7/3 nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người tiêu dùng, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải về những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài trong việc cung ứng hàng hóa trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Phóng viên:Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và mới đây nhất Hà Nội đã có trường hợp nhiễm bệnh gây tâm lý hoang mang khiến người dân đổ xô đi mua hàng thiết yếu tích trữ. Vậy Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì để trấn an tâm lý và đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải:Trước hết, Bộ Công Thương khẳng định ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ đã xây dựng một kịch bản tổng thể và có chương trình hành động để xác định những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Đây là điều không mong muốn, nhưng kể cả trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại một số địa phương và gần đây nhất là Hà Nội thì vẫn có những kịch bản và kế hoạch để đối phó.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. |
Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và đầu mối là Sở Công thương, lực lượng quản lý thị trường cùng các doanh nghiệp phân phối trên toàn bộ hệ thống phân phối tại Việt Nam để tìm được nguồn hàng cung cấp cho nhu cầu của người dân cũng như người tiêu dùng.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp phân phối tại Việt Nam, nguồn hàng dành cho nhu cầu của người dân cũng như người tiêu dùng Việt Nam không thiếu. Đặc biệt, Bộ Công Thương khẳng định đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Trong thời gian này trước sự lo lắng của người dân, Bộ Công Thương hết sức chia sẻ khi Hà Nội có trường hợp được xét nghiệm dương tính với dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương rất mong người dân trong cả nước, nhất là người dân Thủ đô cần hết sức bình tĩnh và tuyệt đối tin tưởng vào sự chỉ đạo cũng như những giải pháp đã được Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về chống phòng, chống dịch COVID- 19 đưa ra. Hơn nữa, phải lưu ý đến những khuyến cáo cụ thể của các cơ quan chức năng, đặc biệt là những khuyến khích cáo của Bộ Y tế.
Bộ Công Thương cũng lưu ý người dân và người tiêu dùng hạn chế tập trung đông người tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nơi bán hàng tại các chợ truyền thống…để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tác động đến tâm lý của người dân cũng như xã hội.
Phóng viên:Thưa Thứ trưởng, Chính phủ dự kiến chi 280.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trước dịch bệnh COVID-19. Bộ Công Thương có kế hoạch triển khai chương trình này như thế nào để doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả gói tín dụng?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải:Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, Bộ Công Thương đã quyết liệt và kịp thời đẩy mạnh các hoạt động, đề xuất những biện pháp, giải pháp đối với các cơ quan có thẩm quyền và trực tiếp là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng các chỉ đạo, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ vừa qua là rất kịp thời và chắc chắn có những hỗ trợ hết sức cần thiết, hiệu quả đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Theo quan điểm của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt Nam cần được hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Về phía Bộ Công Thương, hiện tập trung vào những giải pháp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và trước mắt là các doanh nghiệp Việt Nam.Bởi những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đương nhiên có tiềm lực rất mạnh về kinh tế, nguồn nhân lực và kể cả sự hỗ trợ của chính các quốc gia đại diện tại Việt Nam.
Sức mua tại các siêu thị ở TP.HCM và Hà Nội tăng mạnh trong ngày 7/3, nhưng Bộ Công Thương khẳng định nguồn hàng không thiếu, người dân không nên lo lắng, tránh tập trung đông người. |
Tuy nhiên, những doanh nghiệp Việt Nam vẫn là những doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ nên cần có sự hỗ trợ. Do đó, Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ đầu vào làm nguyên liệu để dành cho sản xuất, thậm chí Bộ sẵn sàng chia sẻ những sản phẩm cung cấp là đầu vào để làm nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng yêu cầu toàn bộ hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tìm những nguồn hàng thay thế hàng hóa tương đối phụ thuộc vào một số thị trường. Song, cũng phải lường trước đây không phải là việc dễ dàng và có thể thực hiện được ngay.
Trong trường hợp có thể thực hiện được ngay sẽ dẫn tới giá của các nguyên liệu đầu vào cao hơn so với những nguyên liệu đang nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Qua đó,ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam đang trong top đầu trên thế giới về xuất khẩu.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng vẫn phải thích nghi với tình huống đó vì dịch bệnh COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là những thị trường Việt Nam đang có quan hệ hợp tác và có thế mạnh về xuất khẩu.
Ngoài Trung Quốc, hiện cả Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ... là những thị trường Việt Nam đang có quan hệ mật thiết và xuất khẩu có thế mạnh cũng như sức cạnh tranh lớn.Dù vậy,phải lường trước những nguy cơ, thách thức và tìm những thị trường khác mà đây là điều bắt buộc phải làm.Điều này phần nào rất hữu ích cho doanh nghiệp Việt Nam và hơn nữa là hữu ích cho cả nền kinh tế đất nước.
Phóng viên:Xin Thứ trưởng cho biết phương án cụ thể đối với việc đảm bảo hàng hóa không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà còn các tỉnh, thành phố khác?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải:Theo hệ thống phân phối tại Việt Nam, các doanh nghiệp chủ động trong việc kinh doanh và Nhà nước không quản lý như trước đây là thương nghiệp hay nội thương.
Vì vậy, việc phối kết hợp giữa chính quyền từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc từ các cấp lãnh đạo đến các Sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội cũng như các doanh nghiệp trong ngày 7/3 này rất đáng được hoan nghênh, vừa quyết liệt nhưng rất kịp thời.
Đây là điều hết sức quan trọng bởi phải trữ được lượng hàng và trước hết là tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm để đảm bảo cuộc sống cũng như nhu cầu của người dân và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không chỉ quan tâm đến những thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… mà cả vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới, hải đảo; trong đó tập trung vào một số những mặt hàng thiết yếu để phục vụ cho cuộc sống và đó là vấn đề trọng tâm.
Phóng viên:Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(Nguồn: TTXVN)
Tag:
# bộ Công thương khẳng định không thiếu hàng hóa Ngại dịch covid-19 ùn ùn mua hàng tích trữ Siêu thị thất thủ vì covid-19 Hàng hóa tại siêu thị ở TP.HCM Hàng hóa tại siêu thị ở Hà Nội cập nhật dịch covid-19 cập nhật dịch tại Hàn Quốc Cập nhật dịch tại Việt Nam Cập nhật dịch covid-19 tại Hà Nội Cập nhật dịch covid-19 tại TP.HCMAdvertisement
Advertisement
Đọc tiếp