09/02/2023 09:12
Ngân hàng tìm cách hạ lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Các ngân hàng đang tìm cách hạ lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, cùng đó tiếp cận xử lý nợ xấu, cân đối khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.
Tại buổi tọa đàm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của một tờ báo phía Nam diễn ra gần đây, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa về hướng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là giảm lãi suất. "Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư nên cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư", ông Hòa kiến nghị.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Trần Đình Thiên cũng bày tỏ lo ngại về nguồn vốn cho nền kinh tế. Ông Trần Đình Thiên cho rằng, từ nửa sau của năm 2022, tình hình kinh tế khó khăn với việc khô cạn nguồn vốn tín dụng và nhất là lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý là khó khăn của một bộ phận quan trọng bậc nhất của nền kinh tế là khu vực nội địa. "Doanh nghiệp của ta yếu, mà mặt bằng lãi suất cao như thế thì làm cho doanh nghiệp Việt Nam khó lớn được", ông Thiên nói, theo TPO.
Còn TS chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa chỉ ra bức tranh vô lý của nền kinh tế, muốn hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thực chất cần giải được vấn đề phi lý tồn tại hiện nay là "lạm phát thấp, tỷ giá ổn định nhất nhưng lãi suất lại cao nhất thế giới". Cụ thể hơn, ông Nghĩa phân tích: Muốn giảm được lãi suất cần cân bằng cung tiền, phối hợp cung tiền với chính sách tài khoá. Tức là vừa tăng cung tiền để lãi suất giảm nhưng phải vừa sử dụng chính sách tài khóa để giảm thuế nhập khẩu, giúp giảm giá hàng hóa, giữ ổn định lạm phát. Cần sự phối hợp vì hiện tại lạm phát cơ bản đã khoảng 5%, nếu tăng cung tiền, một mặt làm giảm lãi suất nhưng một mặt sẽ làm lạm phát tăng, vì vậy phải có sự đồng bộ của chính sách tài khóa để kìm giữ lạm phát như năm 2022.
Còn theo một đại diện lãnh đạo NH Quân Đội (MB) nhận định: trong quý I, II/2023 kinh tế có thể khó khăn nhưng khi lãi suất có chiều hướng đi xuống thì cầu đầu tư sẽ tăng lên. Ở kịch bản tích cực, nền kinh tế sẽ phục hồi rõ rệt từ quý III năm nay. MB đang ấp ủ các chính sách giảm chi phí vốn cho DN, nhất là những tháng đầu năm, bằng cách giảm lãi suất cho DN siêu nhỏ và nhỏ. "Năm 2023, thay vì đẩy lãi suất cho vay cao để tăng lợi nhuận, chúng tôi sẽ tập trung giảm chi phí vốn, đẩy mạnh tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tối ưu chi phí hoạt động, quản lý chất lượng tài sản để giảm chi phí dự phòng. Điều này vẫn bảo đảm NH có lợi nhuận tốt và khách hàng không phải chịu lãi suất quá cao" - đại diện lãnh đạo MB nói.
Thông tin tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) sáng 8/2 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank đã cho biết, ngay trước cuộc họp này, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng. Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, mức lãi suất đa ở các ngân hàng lớn sẽ chỉ còn khoảng 8,7%/năm, thay vì mức tối đa 9,5% hiện tại.
Thống kê hiện nay cho thấy, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm. So với giai đoạn cao điểm hồi tháng 11/2022, lãi suất huy động hiện nay đã giảm từ 0,5-2%/năm tùy từng kỳ hạn.
Đơn cử: VietCapitalBank lãi suất tối đa nhà băng này đưa ra là 9%/năm, áp dụng với tiền gửi trực tuyến 12 tháng trở lên trong khi trước đó, cuối năm 2022, lãi suất ở kỳ hạn này là 9,5%/năm. Tại PVCombank, khách hàng gửi tiền trực tuyến (theo hình thức tiền gửi bậc thang, kỳ hạn 36 tháng) loại sản phẩm này chỉ còn lãi suất 9,5%/năm, giảm 0,4%/ năm. Tương tự, Techcombank đến nay đã hạ lãi suất huy động 0,3 - 0,4%/ năm so với thời điểm tháng 12/2022 Trong khi đó, khách hàng thường được trả lãi 8,9%/năm.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu NHNN gỡ khó tín dụng bất động sản. Theo đó, NHNN cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản cho doanh nghiệp, người mua, giảm chi phí để hạ lãi vay.
Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải được chuẩn bị, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/2/2023. Vào sáng 8/2, NHNN đã tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Bất động sản là ngành đang đóng góp 11% GDP, có quan hệ mật thiết với nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường này gặp không ít khó khăn khi dòng vốn tín dụng bị siết lại, cung dư thừa so với nhu cầu và thị trường còn thiếu minh bạch... Những yếu tố này khiến giao dịch bất động sản giảm, nhiều dự án ngừng trệ không tiếp tục triển khai do đói vốn, theo VTV.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp