29/07/2024 07:33
Năm 2024 là cơ hội của các cổ phiếu riêng lẻ
Nửa cuối năm 2024 là thời gian của những cổ phiếu đơn lẻ trong từng nhóm ngành, mà các nhóm như công nghệ viễn thông, tài chính, hóa chất, thép là được ưa thích hơn cả.
Đó là nhận định được Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán VPS đưa ra tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư cuối năm 2024” do Báo Đầu tư tổ chức.
Xu hướng thị trường 6 tháng cuối năm 2024
Theo ông Khánh, hiện nay, tâm lý nhà đầu tư toàn cầu, chính sách vĩ mô, thị trường tài chính, chứng khoán... đều đang rất quan tâm đến chính sách tiền tệ và lãi suất của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ.
Về mặt xu hướng, chính sách, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng trong tháng 9 giảm 25 điểm cơ bản và có thể thêm 1 lần nữa vào tháng 11 hoặc tháng 12. Trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều ẩn số, kinh tế Việt Nam vẫn có sự khởi sắc tốt, thể hiện qua con số tăng trưởng GDP quý I, quý II khả quan.
"Qua số liệu kinh doanh của các nhóm ngành, mặc dù vẫn có các nhóm gặp khó khăn như bất động sản, hàng không, tuy nhiên các nhóm như hóa chất, thép, thủy sản, công nghệ viễn thông… vẫn đạt kết quả nổi trội. Đó là một trong những căn cứ để các chuyên gia kinh tế, chuyên gia quản lý quỹ hướng tới, tập trung đến cơ hội nào trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn đang gặp khó khăn.
Vấn đề cần quan tâm hiện tại đó là chúng ta phải tìm ra những cơ hội ẩn giấu trong đó chứ không phải ngồi đợi các con sóng lớn, dòng tiền ồ ạt khi thị trường bùng nổ", ông Lê Đức Khánh nhận định.
Cùng với đó, ông Khánh cũng đưa ra suy nghĩ của bản thân về dãy chỉ số Fibonacci với tình hình thị trường hiện nay. Trong phân tích kỹ thuật, dãy số Fibonacci là dãy vô hạn các số tự nhiên bắt đầu bằng 1 và 1, sau đó các số tiếp theo sẽ bằng tổng của 2 số liền trước nó. Điều này có nghĩa, trong 1 năm có 12 tháng sẽ có những thời điểm thị trường tuân theo những quy luật nào đó, mang tính chất chúng ta tham khảo.
Ví dụ, thị trường 3 tháng tăng thì tháng 4 giảm, tháng 5 tăng tháng 6 sẽ nửa tăng nửa giảm, tháng 7 giảm thì tháng 8 sẽ phải tích cực hơn. Trong bối cảnh như vậy, VN-Index khả năng rất cao sẽ nhận đáy chính xác ở khoảng 1.200 - 1.220, khu vực được hỗ trợ bởi đường MA200.
"Thị trường sẽ tạo đáy trong khoảng từ 3 - 8 phiên, kéo dài đến hết tháng 7 điều chỉnh và có thể tháng 8 thị trường sẽ tích cực hơn. Nhìn chung, xu hướng của thị trường năm nay vẫn là uptrend. Tôi nghĩ rằng năm ngoái VN-Index tăng 12% thì năm nay tăng khoảng 18%, tốt hơn năm ngoái không phải là điều gì quá lạc quan khi mà nền kinh tế đã khởi sắc hơn.
Với những tín hiệu chúng ta thấy thị trường đang tích lũy để bứt lên hoặc giảm thì nhiều năm vừa qua, quy mô vốn hóa của thị trường đã tăng lên rất nhiều rồi thì không có lý gì mà chỉ số VN-Index có thể nằm dưới 1.200 lâu như thế cả và hoàn toàn có thể đạt mức 1.350", ông Khánh phát biểu.
Kể cả trong bối cảnh chỉ số VN-Index chưa bứt phá, không tăng nhiều thì vẫn có cổ phiếu nổi trội hơn. Nếu như trước đây chúng ta hay nói về những nhóm ngành chung thì nửa cuối năm 2024 và đặc thù trong năm 2024 này sẽ là cơ hội của các cổ phiếu riêng lẻ, những cổ phiếu có sự nổi trội về kết quả kinh doanh, cổ phiếu có sự thay đổi từ khó khăn mà đi lên hoặc những cổ phiếu đang tăng trưởng mà có kết quả kinh doanh đột phá… trong các lĩnh vực như hóa chất, ngành thép, dệt may, bất động sản khu công nghiệp…, thậm chí kể cả trong những lĩnh vực chưa được chú ý lắm.
"Tôi nghĩ rằng, nửa cuối năm 2024 là thời gian của những cổ phiếu đơn lẻ trong từng nhóm ngành, mà các nhóm như công nghệ viễn thông, tài chính, hóa chất, thép là được ưa thích hơn cả. Do vậy, các nhà đầu tư nên chú ý rằng, từ nay đến cuối năm hoặc năm tới, thị trường hồi phục, chúng ta hãy nhìn vào doanh nghiệp nào bắt đầu có kết quả kinh doanh, dòng tiền xu hướng ổn định, cải thiện tốt hơn thì chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn", vị chuyên gia cho biết.
Tâm lý đám đông chi phối thị trường
Đánh giá về những biến động của thị trường chứng khoán vừa qua, ông Khánh cho rằng, yếu tố tâm lý đóng vai trò hết sức quan trọng. Có thể thấy, mặc dù xảy ra nhiều biến động, tuy nhiên số lượng tài khoản mở mới vẫn tăng trưởng tốt, dấu hiệu cho thấy nhiều nhà đầu tư cũng như dòng tiền mới tham gia vào thị trường.
Thực tế, nếu chúng ta đo về giá trị giao dịch, khối lượng giao dịch, tiền mua cổ phiếu và nắm giữ trong các tài khoản vẫn đang gia tăng rất nhiều so với thời điểm từ trước năm 2020. Đó chỉ là các pha tích lũy so với rất nhiều năm từ trước 2020.
Tâm lý đám đông của một số nhà đầu tư vẫn đang muốn đi trước hoặc phản ứng cùng sự kiện để cùng đồng loạt bán ra hoặc mua vào tại 1 thời điểm. Đôi khi, các nhà đầu tư phải đưa ra những lý do tại sao thị trường tăng, thị trường giảm nhưng thật ra đó là một chuỗi sự kiện liên tiếp diễn ra sau sự kiện đó theo thời gian từ một vài tuần cho đến một vài tháng.
Nói một cách dễ hiểu, sự biến động của thị trường là phản ánh tâm lý của nhà đầu tư đón nhận thông tin như thế nào. Và tâm lý đám đông đã chi phối thị trường chứng khoán trong từng giai đoạn một.
Ông Khánh đánh giá, để bứt phá, thị trường cần phải có những thông tin hỗ trợ tích cực hơn. Hiện tại, chúng ta đã có những sự cải thiện về pre-funding, kỳ vọng về câu chuyện nâng hạng, sự ổn định về chính trị, động thái của Fed… Rất nhiều yếu tố chi phối đến diễn biến thị trường tài chính, bất động sản dẫn đến tâm lý nhà đầu tư đang đợi chờ tín hiệu rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, những nhà đầu tư có kinh nghiệm, bám sát thị trường sẽ có thể phỏng đoán, đưa ra các dự báo về xu hướng có xác suất xảy ra cao hơn để phản ứng trước, từ đó phân bổ danh mục vào sản phẩm nào nhiều hơn.
"Do vậy, tôi cho rằng, giai đoạn này sẽ hơi “trũng” về thông tin một chút. Song, từ cuối quý III trở đi sẽ có nhiều thông tin tích cực hơn giúp các nhà đầu tư có thể cảm thấy lạc quan hơn về triển vọng thị trường", ông Khánh cho hay.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp