17/12/2018 15:27
Mỹ - Trung "đánh nhau", Canada chịu trận một cách thảm hại
Mỹ đã đánh một đòn vào con rồng Trung Quốc, và Canada lại đứng chịu trận một cách thảm hại trong cuộc chiến này.
Đó chắc hẳn là một trong những khoảnh khắc bẽ bàng nhất trong cuộc đời của người được gọi là "Nữ hoàng" Huawei khi nhà chức trách Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu- Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei- ngày 1/12 tại Sân bay quốc tế Vancouver.
Nhà chức trách Canada đã bắt giữ bà Mạnh theo yêu cầu của Mỹ, nước cáo buộc Huawei, thông qua việc sử dụng công ty Skycom Tech của Hong Kong, lách các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Sau 10 ngày bị tạm giữ và một quá trình xin tại ngoại dài bất thường, bà Mạnh đang bị quản thúc tại gia ở Vancouver với mức giá bảo lãnh tại ngoại là 10 triệu đô la Canada (CAD), tương đương 7,5 triệu USD.
Hiện bà Mạnh đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ cũng như mức án phạt có thể lên tới 30 năm tù giam nếu bị kết tội gian dối trong hoạt động ngân hàng để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Canada đã chọn cách tuân thủ luật chơi khi bắt bà Mạnh.
Mạnh Vãn Chu đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ cũng như mức án phạt có thể lên tới 30 năm tù giam nếu bị kết tội gian dối trong hoạt động ngân hàng để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. |
Theo CNN, lẽ ra Ottawa đã có thể dễ dàng tìm cách khác và cho phép nữ CFO này đi qua Vancouver trên đường từ Hong Kong tới Mexico. Nhưng không, Canada đã chọn cách tôn trọng "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", và vì lựa chọn đó mà giờ Canada đang phải trả một cái giá quá đắt.
Bắt giữ bà Mạnh không phải là một vấn đề đơn giản- hãy tưởng tượng nếu Trung Quốc bắt giữ CEO Apple Tim Cook. Huawei- nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, sau Samsung- là đứa con đại diện lớn nhất cho sức mạnh thương mại của Trung Quốc, và bà Mạnh là con gái của người sáng lập công ty Huawei, ông Nhậm Chính Phi.
Canada đơn giản có thể tôn trọng lệnh dẫn độ thông thường, nhưng Ottawa sẽ tự nhận ra là mình bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh không đáng có giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường này đang diễn ra.
Canada đã công khai bày tỏ "nỗi thất vọng mới" với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi vị tổng thống Mỹ bày tỏ sẵn sàng chính trị hóa trường hợp bà Mạnh và sử dụng nó như một lá bài mặc cả để bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.
Ottawa cũng hứng chịu mũi giùi của vụ bắt giữ bà Mạnh sau khi Trung Quốc bắt giữ 2 công dân Canada, rõ ràng là để trả đũa. Những hậu quả mà Canada phải chịu có thể rất đau đớn. Tình hình hiện nay có nguy cơ chuyển thành một thảm họa chính sách ngoại giao dài hạn khác cho chính quyền non trẻ, thiếu kinh nghiệm của Thủ tướng Justin Trudeau. Canada vẫn chưa dứt cơn đau từ những hành động trả đũa khắc nghiệt của Saudi Arabia sau khi Canada chỉ trích nước này về vấn đề nhân quyền hồi tháng 8/2018.
Tình hình càng trở nên hỗn loạn khi chính quyền Trudeau cố gắng thúc đẩy thương mại và đầu tư với Trung Quốc, một phần nhằm thu lợi từ quan hệ kinh tế đang xấu đi của Bắc Kinh với Mỹ. Trước khi bà Mạnh được tại ngoại, giới chức Trung Quốc đã bắt giữ cựu quan chức ngoại giao Canada Michael Kovrig, người cũng là một nhà tư vấn cho Tổ chức Khủng hoảng quốc tế.
Canada bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. |
Michael Spavor, một nhà văn, thương gia Canada, người sáng lập một tổ chức thúc đẩy du lịch tới Triều Tiên, cũng bị bắt hôm 10/12. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai trường hợp này đang bị giam giữ riêng biệt.
Người Canada nên hỏi tại sao Trung Quốc lại chọn Canada khi Bắc Kinh có thể nhằm thẳng Mỹ để trả đũa, bởi thực tế Mỹ mới là nước khởi xướng các tiến trình pháp lý chống lại bà Mạnh. Và tình hình có thể xấu đi từ thời điểm này. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, chỉ sau Mỹ. Với thương mại hai chiều đạt gần 73 tỷ CAD trong 9 tháng đầu năm 2018, "tiềm lực" để Bắc Kinh gây hại cho kinh tế Canada là rất lớn.
Victoria Pelletier, thuộc Công ty dịch vụ toàn cầu IBM, cho biết: "Điều đó đã đặt chúng ta vào một tình huống khủng khiếp... Các bước tiếp theo là rất, rất quan trọng. Chúng ta cần tách biệt chính trị xung quanh các yêu cầu dẫn độ pháp lý và tình huống chính trị xung quanh thương mại vốn có thể tác động lớn đến nền kinh tế Canada".
Hoạt động thương mại đã bị ảnh hưởng, với British Columbia- tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất từ mối quan hệ không suôn sẻ với Trung Quốc- tuyên bố hôm 16/12 rằng chính quyền sẽ ngừng hoạt động thương mại dự kiến sang Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh tiếp tục trừng phạt Canada, một lựa chọn là ngừng các cuộc thương lượng về thỏa thuận tự do thương mại với Trung Quốc, đặc biệt nếu Bắc Kinh tiếp tục bắt giữ công dân Canada.
"Chúng ta phải làm rõ rằng những hành vi không hợp pháp như vậy phải bị trả giá", nhà bình luận Andrew Coyne của Canada nhấn mạnh.
Canada cũng có thể phối hợp với phần lớn các nước thuộc nhóm tình báo Five Eyes (bao gồm cả Mỹ và Australia) và quyết định rằng liệu Huawei có nên được phép tiếp cận mạng G5 của Canada hay không. Cuối cùng, sự oán giận đang hướng về Trung Quốc với tất cả những gì Bắc Kinh đã làm, từ những hành động gây hấn ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) cho tới sự gia tăng bao vây trong sáng kiến Vành đai và Con đường.
Canada nên đa dạng hóa danh sách vốn đầu tư và thương mại với các quốc gia Đông Nam Á khác- và dần giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Và tìm kiếm lời khuyên đúng đắn từ chính khách "lõi đời" như Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, người không ngại chống lại Trung Quốc, có thể thúc đẩy trò chơi chiến thuật của Canada.
Cho dù hậu quả của những tranh cãi chính sách ngoại giao hiện nay là gì, Mỹ đã đánh một đòn vào con rồng Trung Quốc, và Canada lại đứng chịu trận một cách thảm hại trong cuộc chiến này, CNN bình luận.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp