03/03/2024 11:19
Mỹ điều máy bay thả hàng cứu trợ xuống Dải Gaza
Các máy bay chở hàng của quân đội Mỹ đã bắt đầu thả thực phẩm xuống Gaza từ ngày 2/3 (giờ địa phương), trong khi đó, các nhóm nhân đạo chỉ trích Israel vì đã chặn việc tiếp cận khu vực bị bao vây này.
Quân đội Mỹ xác nhận, máy bay vận tải C-130 đã thả hơn 38.000 bữa ăn dọc theo bờ biển Địa Trung Hải của Gaza.
"Chúng tôi đang tiến hành lập kế hoạch cho các nhiệm vụ thả hàng viện trợ tiềm năng tiếp theo", Reuter dẫn tuyên bố của quân đội Mỹ.
Trước đó, Jordan và Pháp cũng đã tiến hành thả hàng viện trợ vào Gaza, vùng lãnh thổ với 1/4 dân số, tương đương 576.000 người, đã tiến rất gần nạn đói.
Một quan chức cấp cao Mỹ đề nghị giấu tên cho biết, dù hoạt động thả hàng viện trợ không có sự phối hợp với bất kỳ nhóm nào trên thực địa ở Gaza nhưng người dân đã tiếp cận và phân phát số hàng này cho nhau.
Nhà Trắng tuyên bố, các đợt thả hàng viện trợ xuống Gaza là nỗ lực bền vững nhận được sự ủng hộ của Israel. Hiện tại, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc biện pháp vận chuyển viện trợ đến vùng lãnh thổ này bằng đường biển từ đảo Síp cách bờ biển Gaza khoảng 210 hải lý.
Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định Mỹ sẽ thực hiện nhiều đợt thả viện trợ trong vài tuần tới với sự phối hợp của Jordan. Kirby cho biết việc thả viện trợ có lợi thế hơn so với xe tải vì máy bay có thể chuyển hàng viện trợ đến một khu vực cụ thể một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, về mặt khối lượng, phương thức này sẽ là "sự bổ sung chứ không phải sự thay thế cho việc vận tải đường bộ".
"Rất khó để thả dù ở môi trường đông người như Dải Gaza. Đây là vùng chiến sự nên phi công của chúng tôi cũng sẽ có thể gặp nguy hiểm", ông nói.
Dave Harden, cựu giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Bờ Tây, nhấn mạnh: "Các đợt thả hàng viện trợ chỉ mang tính hình thức và được thiết kế theo cách nhằm xoa dịu người dân trong nước. Thực sự điều cần phải làm là mở thêm nhiều con đường và nhiều xe tải đi vào Gaza hơn mỗi ngày".
Dù vậy, động thái của Mỹ bị chỉ trích là không hiệu quả và chỉ đơn giản là một hành động mang tính "quan hệ công chúng".
"Tôi nghĩ hành động của Mỹ chưa đủ quyết liệt và điều đó thực sự làm tôi thất vọng", Harden nói thêm, trong khi Mỹ đủ khả năng buộc Israel mở thêm lối đi cho hàng viện trợ.
Trước khi xung đột nổ ra, Gaza tiếp nhận 500 xe tải viện trợ mỗi ngày. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống khoảng 150 xe mỗi ngày ở tháng 1 và tiếp tục giảm còn trung bình 97 xe mỗi ngày trong tháng 2, theo Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA).
Việc giao hàng qua Rafah, cửa khẩu kết nối Gaza với Ai Cập, gần như đã chững lại. Trong khi đó, các xe tải viện trợ qua cửa khẩu Kerem Shalom của Israel cũng gặp khó khăn do bị người biểu tình cản trở. UNRWA cho biết, cửa khẩu này từng phải ngừng hoạt động từ các ngày 8 đến 10/2 và 15-17/2.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao Mỹ ngày 2/3 cho biết, Israel đã chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 6 tuần ở Gaza, với điều kiện phong trào Hồi giáo Hamas đồng ý thả những con tin dễ bị tổn thương.
Trả lời phóng viên, quan chức giấu tên trong chính quyền Biden tiết lộ: "Có 1 thỏa thuận khung. Người Israel ít nhiều đã chấp nhận nó. Ngay bây giờ, quả bóng nằm bên sân của Hamas. Sẽ có lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần ở Gaza bắt đầu từ 2/3 nếu Hamas đồng ý thả các con tin dễ bị tổn thương như người bệnh, người bị thương, người già và phụ nữ".
Trong khi đó, một nguồn tin từ Hamas cho biết một phái đoàn của nhóm này dự kiến sẽ tới Cairo để đàm phán về lệnh ngừng bắn. Theo nguồn tin, lệnh ngừng bắn cũng sẽ cho phép "sự gia tăng đáng kể" viện trợ nhân đạo vào Gaza, sau khi Liên hợp quốc cảnh báo nạn đói sắp xảy ra ở khu vực.
Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ gặp Bộ trưởng Nội các thời chiến Israel Benny Gantz tại Nhà Trắng vào ngày 4/3, trong bối cảnh Washington tìm cách đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và tăng cường viện trợ cho Gaza.
(Nguồn: Reuters)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp