Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Mong manh dòng tiền

Chứng khoán

24/04/2023 09:09

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán vẫn đang thận trọng, nhưng kỳ vọng sẽ tích cực hơn ở giai đoạn nửa cuối năm, khi những chính sách hỗ trợ thẩm thấu vào nền kinh tế và phản ánh lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Dòng tiền luân chuyển nhanh

Thanh khoản thị trường chứng khoán trong tháng 4/2023 cải thiện so với 3 tháng đầu năm, nhưng chưa thực sự kích thích được dòng tiền mới tham gia. Trong nhịp tăng điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, dòng tiền chủ yếu vận động ở nhóm bất động sản và chứng khoán, sau khi có những thông tin hỗ trợ về chính sách. Mặc dù vậy, đây là 2 nhóm ngành được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn trong thời gian tới, nên nhịp tăng giá khá mong manh.

Nhìn tổng quan, giai đoạn hiện nay chưa có yếu tố có thể kích thích dòng tiền mua ròng trong ngắn hạn. Thông tin từ mùa đại hội cổ đông cũng như kết quả kinh doanh quý I/2023 khó có thể giải tỏa được tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư, khi số liệu vĩ mô quý I/2023 thể hiện sự suy giảm. Nhưng ngược lại, thị trường có lực đỡ từ những chính sách hỗ trợ kinh tế của Nhà nước.

Trong bối cảnh như vậy, những nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ thường xuyên và đủ mạnh mới thu hút được nhà đầu tư. Dòng tiền yếu và tình trạng "nước chảy chỗ trũng" sẽ khiến các nhóm cổ phiếu có ít thông tin khó có thể nhận được sự quan tâm của dòng tiền.

Mong manh dòng tiền - Ảnh 1.

Đối với nhóm chứng khoán, kỳ vọng lãi suất giảm có tác động tích cực. Thực tế, lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ của các công ty chứng khoán đã và đang hạ xuống.

Với nhóm bất động sản, thông tin hỗ trợ xuất hiện nhiều hơn, do đang gặp quá nhiều khó khăn.

Nhóm bán lẻ có chút "sóng sánh" nhờ thông tin Chính phủ đồng ý về nguyên tắc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng theo trình tự, thủ tục rút gọn, cụ thể là giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%) đến hết năm 2023.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, khi thị trường phân hóa, dòng tiền có xu hướng chảy vào một số nhóm ngành có sóng, giúp sóng ngành kéo dài. Đây là dạng thị trường xuất hiện rõ nét trong năm 2015 và 2019, sóng ngành kéo dài khoảng 6 tháng. Hiện tại, nhóm chứng khoán đã tăng giá từ khi thị trường tạo đáy giữa tháng 11/2022 nên dư địa tăng không còn nhiều. Nhóm bất động sản vào sóng từ đầu tháng 3/2023 nên về mặt thời gian là vẫn còn, nhưng dự kiến sẽ rất phân hóa. Nhà đầu tư nên tránh những doanh nghiệp thua lỗ nặng, chưa tìm được lối ra về dòng tiền. Với nhóm bán lẻ, tình hình chung chưa hết khó khăn, nhiều khả năng sóng có biên độ nhỏ.

Trong khi đó, ông Thái Hữu Công, Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) đánh giá, xu hướng chủ đạo trong trung hạn của thị trường là giảm và VN-Index vẫn đang đi ngang tích luỹ trong vùng 1.020 - 1.100 điểm kể từ đầu năm 2023. Trước những số liệu vĩ mô kém tích cực cùng rủi ro suy thoái tại các nước phát triển ngày một gia tăng, dòng tiền trong tuần qua thể hiện tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư, với áp lực từ bên bán có phần chiếm ưu thế.

Mong manh dòng tiền - Ảnh 2.

Theo KBSV, cuối tháng 4 này, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn rõ hơn về kết quả kinh doanh quý I/2023 cũng như sức khoẻ của các doanh nghiệp, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng suy yếu và triển vọng kinh doanh kém khả quan. Đây là yếu tố quan trọng sẽ quyết định xu hướng của thị trường thời gian tới và là một trong các nguyên nhân khiến nhà đầu tư dè dặt giải ngân ở thời điểm hiện tại.

Dòng vốn từ các quỹ ETF chững lại

VN-Index hồi phục từ mức đáy ngắn hạn giữa tháng 11/2022 có động lực quan trọng là dòng tiền của khối nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 30.000 tỷ đồng trên HOSE và khoảng một nửa trong số đó là thông qua các quỹ ETF. Tuy nhiên, xét hơn 2 tháng gần đây, hoạt động mua ròng của khối ngoại chững lại, thậm chí có không ít phiên quay sang bán ròng, góp phần khiến thị trường yếu đi.

Thực tế, khi thị trường tăng điểm như giai đoạn 2020 - 2021, thậm chí những tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài thường xuyên bán ròng; khối ngoại chỉ thực sự vào cuộc khi thị trường chứng khoán chiết khấu sâu. Do đó, khó có thể kỳ vọng vào xu hướng mua ròng bền vững.

Đáng lưu ý, dấu hiệu rút vốn khỏi các quỹ xuất hiện trong tuần từ 10 - 14/3/2023, ghi nhận ở mức 5 triệu USD. Mặc dù Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại ở mức cao trong 4 tuần qua, nhưng chỉ tập trung vào Quỹ Fubon ETF, trong khi các quỹ ETF chủ đạo khác bị rút vốn, hoặc không thu hút thêm dòng vốn. Bên cạnh đó, không ít quỹ có dấu hiệu "lướt sóng" và khi hiệu ứng "Bán trong tháng 5 (Sell in May)" cận kề, quỹ tiến hành tăng tỷ trọng tiền mặt để chủ động ứng phó nếu thị trường có diễn biến xấu.

Theo thống kê, thời gian giữa năm, giao dịch của khối ngoại thường chùng xuống. Đặc biệt, năm nay, FTSE mới đây đưa ra cảnh báo về quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể kéo dài. Theo đó, "mẫu hình" của khối ngoại dần khó đoán định hơn.

Mong manh dòng tiền - Ảnh 3.

Cần kích thích dòng vốn quay trở lại

Diễn biến của thị trường trong thời gian vừa qua đang khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn. Thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường có tỷ suất sinh lợi kém nhất trong 1 tháng, 1 năm và cả thời gian dài trước đó, nếu nhìn vào biến động của chỉ số.

Xét 1 tháng gần nhất, thị trường thế giới tăng điểm, nhưng thị trường Việt Nam không tăng, dù có các chính sách hỗ trợ. Rõ ràng, bối cảnh không quá tệ, vùng giá rất thấp so với đỉnh, vấn đề có lẽ là niềm tin.

Thị trường Việt Nam vẫn còn mang yếu tố cận biên, tâm lý thái quá, nên để niềm tin trở lại, vĩ mô cần sáng dần, các biện pháp hỗ trợ, kích thích kinh tế phải hiệu quả. Các thị trường khác trong hệ thống tài chính như trái phiếu cũng cần được khôi phục niềm tin. Quá trình cải cách, nâng cấp thị trường phải được đẩy mạnh hơn nữa, để thị trường minh bạch, chất lượng hơn, qua đó thu hút cả vốn nội và vốn ngoại.

Điểm tích cực là lãi suất ngân hàng giảm dần, kết hợp với khả năng thuế giá trị gia tăng sẽ giảm, đây là chất xúc tác cần thiết cho sự hồi phục kinh tế cũng như kích thích dòng vốn đầu tư quay trở lại thị trường chứng khoán.

Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, cung tiền và tốc độ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2023 đến nay ở mức thấp, khiến dòng tiền ngoài thị trường không dồi dào và các nhịp hồi phục thanh khoản của thị trường không bền vững. Để dòng tiền quay lại thị trường ổn định hơn, đòi hỏi các biện pháp nới lỏng tiền tệ và chính sách hỗ trợ thẩm thấu dần vào nền kinh tế. Việc này không chỉ giúp dòng tiền dồi dào hơn, mà sự cải thiện kết quả kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp trở nên hấp dẫn dưới góc độ nắm giữ cổ phiếu dài hạn trong con mắt nhà đầu tư, chứ không chỉ là sự hấp dẫn để giao dịch ngắn hạn trong con mắt nhà đầu cơ.

HOÀNG ANH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement