02/01/2018 15:49
Mỗi ngày TP.HCM phải thu trên 1.200 tỉ đồng
Năm 2018 phải thu 376.000 tỉ đồng, tức là mỗi ngày, trừ Chủ nhật, phải thu trên 1.200 tỉ."- Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.
Sáng 2/1, bên hành lang hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách TP năm 2018, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM trong việc triển khai cơ chế đặc thù giảm ùn tắc giao thông và giảm ngập nước.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong trả lời phỏng vấn. Ảnh: Tá Lâm. |
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết trong năm 2018, TP.HCM sẽ tập trung phát triển đồng bộ một số kết cấu hạ tầng trọng điểm gắn với chỉnh trang đô thị, kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và giảm ngập nước.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, ông khẳng định sẽ vận dụng cơ chế đặc thù mà Quốc hội vừa cho phép thí điểm để thực hiện. Trong đó, tập trung nguồn vốn xã hội hóa để phát triển hạ tầng giao thông, các công trình giảm ngập nước.
Ông Phong cho biết chưa tính các chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, riêng chương trình giảm ô nhiễm môi trường, giảm ngập nước, hạ tầng giao thông đến năm 2020 TP.HCM cần 850.000 tỉ đồng, trong khi ngân sách chỉ mới đáp ứng được 30%. Do đó, cần phải huy động nguồn lực từ bên ngoài nên phải tính toán.
Người đứng đầu chính quyền TP cho biết thêm trong cơ cấu thu chi ngân sách năm 2017, thu từ kinh tế là rất cao, do đó đòi hỏi phải hoàn thiện môi trường đầu tư để sản xuất kinh doanh phát triển.
“Bài toán điều hành năm 2018 phải thu 376.000 tỉ đồng, tức mỗi ngày (trừ Chủ nhật) phải thu trên 1.200 tỉ. Muốn thu được từng đó, phải bắt nguồn từ sản xuất kinh doanh. Cho nên phải tập trung các giải pháp, các cơ chế mà Quốc hội cho thí điểm, phải lắng nghe doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư, không ngừng nỗ lực để phát triển”- ông Phong nói.
Theo Chủ tịch UBND TP, 21 đề án cụ thể đã được UBND TP chuẩn bị, bắt đầu triển khai vào hai mốc thời gian vào cuối tháng 3 và tháng 6. “Nếu kéo dài nữa thì trễ cho việc triển khai cơ chế đặc thù”- ông Phong nói.
Ông Phong cũng khẳng định cơ chế đặc thù Quốc hội cho thí điểm 5 năm, nhưng nhiệm kỳ này chỉ còn 2 năm, sự chuyển giao nhiệm kỳ không làm cắt khúc cơ chế. Bởi vì, theo ông Phong, đến năm 2020 sẽ sơ kết lại xem những nội dung trong Kết luận 21 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 54 của Quốc hội có kết quả gì, trên kết quả đó QH tổng kết có thể triển khai tiếp.
Advertisement
Advertisement