11/08/2017 05:08
‘Mỏ vàng’ không nên đào
Nhiều người đang hồ hởi với thông tin: Nhu cầu tiêu thụ bình quân của một người Việt tới 42 lít/năm, bia trở thành thị trường "vàng" cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, khai thác. Nhưng tôi thì không và tôi tin sẽ đông người cùng chung ý nghĩ.
Các đại gia trong ngành sản xuất bia chắc rất vui mừng với con số mà ít quốc gia nào tự hào. Tỷ lệ tiêu thụ bia tăng 300% kể từ năm 2002 lên 147,2 nghìn tỷ đồng hiện nay, tương đương 6,5 tỷ USD! Năm 2016, 3,7 tỷ lít bia đã chui vào bụng dân nhậu và năm nay, con số khủng khiếp đó dự kiến sẽ gần 4 tỷ lít. VN chỉ chịu xếp sau Nhật và Trung Quốc về khoản này tại châu Á, còn Đông Nam Á thì từ lâu chúng ta đã số 1!
Nhưng trước khi vui vẻ với những "thành tích"không nên là niềm hãnh diện quốc gia trên thì hãy nhìn lại nhiều số liệu đáng buồn khác. Theo Viện Pháp y quốc gia, có tới 34% số nạn nhân chết do tai nạn liên quan đến rượu bia.
Ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, theo thống kê, trong năm 2015, ngành sản xuất rượu, bia đóng góp cho ngân sách khoảng 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ tính riêng thiệt hại do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia tại Việt Nam trong năm 2010 đã tương đương 1 tỷ USD, đó là chưa kể đến các gánh nặng bệnh tật, giảm sút sức lao động, thiệt hại về kinh tế, xã hội khác mà rượu, bia gây nên.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, rượu, bia là nguyên nhân gây ra 70% số vụ tai nạn giao thông và gây thiệt hại 250 tỷ đồng mỗi ngày vì tai nạn giao thông. Ước tính cả nước có hơn 10 nghìn người tử vong do tai nạn giao thông một năm thì có đến hơn bảy nghìn người chết có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia. Khủng khiếp hơn bất cứ thảm họa nào các bạn ạ!
Theo nghiên cứu của Văn phòng WHO tại Việt Nam: 41% thanh niên phạm pháp hình sự do rượu, bia. WHO cảnh báo, lạm dụng rượu, bia ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động của các quốc gia; gây áp lực cho hệ thống y tế, đặc biệt, trong việc chăm sóc các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính có liên quan đến sử dụng rượu, bia, tai nạn giao thông ...
Tôi ám ảnh mãi với thảm cảnh này ở Hải Phòng “Con được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt. Bố con uống bia, rượu chở mẹ con đang mang thai con được 8 tháng, và còn có cả chị con, anh con trên chiếc xe máy. Vì uống nhiều nên bố con đã lao thẳng chiếc xe máy chở cả gia đình vào ô tô. Các bác sĩ phải mổ khẩn cấp để cứu con, còn mẹ con thì không còn nữa. Chị gái con thì bị chấn động não, anh trai con bị thương nhẹ hơn, bố con cũng bị chấn thương vùng đầu và hiện vẫn chưa tỉnh.
Con sinh ra đã là đứa trẻ mồ côi mẹ. Con không biết được dòng sữa mẹ ngọt thế nào, không biết được vòng tay mẹ yêu thương ấm áp ra sao, chẳng bao giờ con có thể nghe lời mẹ hát ru để đưa con vào giấc ngủ và mãi mãi con chẳng bao giờ biết được khuôn mặt của mẹ. Con còn quá nhỏ để chịu nỗi đau mất mát quá lớn như này”.
Không chỉ đứa bé trên, hàng vạn trẻ em trên đất nước này đã và đang chịu hậu quả trực tiếp từnhững ly bia thừa mứa, những cốc rượutràn đầy. Có thể 4 tỷ lít bia hay 142.000 tỷ đồng sẽ giải quyết được những khó khăn trước mắt cả về tinh thần lẫn thiếu thốn ngân sách.
Nhưng lâu dài, tôi chắc chắn chẳng có quốc gia nào muốn ngày càng nhiều dân chúng chìm đắm trong bia bọt. Càng không thể hùng cường hay khỏe mạnh bởi nốc bia, cạn rượu.
Ngay từ bây giờ, khi mà các biện pháp kêu gọi hạn chế bia rượu đang tỏ ra thiếu hiệu quả thì cần có những giải pháp mạnh mẽ, khả thi hơn nữa. Đừng đào thêm “ mỏ vàng” này nữa, chúng ta sẽ phải trả giá nhanh hơn đang mơ tưởng.
Advertisement
Advertisement