01/04/2024 10:58
Metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ đón khách vào đầu tháng 7
Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến vận hành 7 đoàn tàu loại 3 toa trong ba tháng đầu, từ 1/7 đến 30/9 năm nay. Người dân TP.HCM có thể đón chuyến sớm nhất vào 5h và muộn nhất lúc 22h.
Phương án trên vừa được cập nhật trong kế hoạch vận hành tuyến metro số 1, của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1.
Trong giai đoạn đầu, tàu chạy giãn cách đều 8-10 phút mỗi chuyến.
Ở giai đoạn 2 (từ đầu tháng 10 đến 31/12), metro số 1 sẽ vận hành 12 đoàn tàu loại 3 toa vào các ngày trong tuần. Mỗi chuyến tàu giãn cách khoảng 6-8 phút vào giờ cao điểm và giờ bình thường. Thời gian tàu chạy từ 5h đến 23h30.
Riêng thứ 7 và chủ nhật, lễ, Tết, metro số 1 vận hành 9 đoàn tàu loại 3 toa với thời gian hoạt động tương tự.
Giai đoạn 3 (từ 1/1/2025 trở đi), metro số 1 sẽ vận hành theo công suất thiết kế đầu tư ban đầu. Kế hoạch vận hành giai đoạn này được xác định dựa theo tình hình khai thác thực tế của năm 2024, theo Dân trí.
Dự kiến, các ngày trong tuần, tuyến metro số 1 vận hành 15 đoàn tàu từ 5h đến 23h30. Riêng thứ 7, chủ nhật, lễ, Tết, metro số 1 vận hành 9 đoàn tàu cùng thời gian trên.
Thời gian giãn cách vào giờ cao điểm là 4,5 phút/chuyến và giờ bình thường là 8 phút/chuyến.
Metro số 1 dài 19,7km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao; lộ trình đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương). Tổng mức đầu tư dự án sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng.
Tuyến metro số 1 có 3 ga ngầm là: Bến Thành, Nhà hát TP.HCM, Ba Son, 11 ga trên cao: Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia TP.HCM, Bến xe Suối Tiên.
Hiện nay, toàn dự án đã đạt khoảng 97% khối lượng. Mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) đã tiếp tục kiến nghị UBND TP cho lùi thời gian vận hành thương mại từ tháng 7 sang đến quý 4/2024, theo TPO.
Sau đó, UBND TP.HCM đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án này.
Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề nghị UBND TP rà soát, xác định rõ mốc thời gian cụ thể trong năm 2024 hoàn thành việc thi công dự án.
Năm 2007, dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 17.387 tỷ đồng. Năm 2009, tổng mức đầu tư tăng lên 47.325 tỷ đồng.
Năm 2012, khởi công xây dựng dự án và dự kiến hoàn thành năm 2017, đưa vào vận hành khai thác năm 2018.
Năm 2019, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư giảm còn 43.757 tỷ đồng và quyết định lùi ngày hoàn thành, đưa vào khai thác đến quý 4/2022.
Tháng 4/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 65, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, lùi thời gian hoàn thành tuyến cuối quý 4/2023, cam kết không phát sinh chi phí.
Tháng 10/2023, tiếp tục xin gia hạn thời gian thi công sang năm 2024 và đặt mục tiêu khai thác thương mại vào tháng 7/2024.
Giữa tháng 3/2024, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM xác định không thể vận hành thương mại toàn tuyến vào tháng 7 mà phải chuyển sang quý 4/2024.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp