18/03/2019 15:57
Màn kích động khơi mào cuộc gặp Mỹ-Triều lần 3
Sau thất bại ở hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội, nhiều chuyện gia cho rằng một cuộc gặp Mỹ-Triều lần 3 rất có thể sẽ xảy ra.
Giới chức cấp cao của Mỹ và Triều Tiên tiếp tục đưa ra những cáo buộc và đổ lỗi cho nhau sau khi hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Giới quan sát cho rằng những màn chỉ trích nhau lẫn nhau này có thể là dấu hiệu cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên đều đang muốn kích động lẫn nhau để sớm tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần 3.
The Hill ngày 17/3 có bài báo dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton chỉ trích Triều Tiên, cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un không sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ.
Hai vị lãnh đạo trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội. |
Theo ông Bolton, Triều Tiên đã không sẵn sàng làm những gì họ cần làm và việc nước này mới đây đưa ra một tuyên bố vô ích rằng họ đang tính đến việc quay trở lại thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân và đây là một ý tưởng tồi đối với họ. Ông Bolton cũng nói rằng Tổng thống Donald Trump muốn mối đe dọa này được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán và rằng ông Trump muốn Triều Tiên chắc chắn không còn sở hữu vũ khí hạt nhân.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đã kết thúc đột ngột vào cuối tháng 2 vừa qua sau khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên gặp bế tắc về biện pháp dỡ bỏ trừng phạt. Mặc dù Trump đã rời bàn đàm phán song Mỹ sẽ không từ bỏ mục tiêu của mình là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Khi Kim quyết tâm theo đuổi mục tiêu đưa Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân thì Mỹ sẽ chỉ còn lại các biện pháp trừng phạt kinh tế và sức ép từ phía các đồng minh của Bình Nhưỡng, như Trung Quốc, thay cho biện pháp ngoại giao, khi đối phó với Bình Nhưỡng.
Ông Bolton cho rằng Mỹ sẽ sẵn sàng tính đến vai trò của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán nếu Washington nhận thấy một vài tiến triển từ phía Triều Tiên. Bolton giải thích: "Trung Quốc luôn nói rằng họ không muốn Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân vì họ sợ điều này gây bất ổn khu vực Đông Bắc Á".
Theo Bolton, về lý thuyết, Trung Quốc có cùng quan điểm với Mỹ. Vì vậy, những gì mà Trung Quốc có thể làm nhiều hơn là gây nhiều sức ép hơn đối với Triều Tiên. Trung Quốc kiểm soát 90% giao dịch ngoại thương của Triều Tiên, vì vậy Bắc Kinh có thể đóng một vai trò rất quan trọng ở đây. Tuy nhiên, Bolton thừa nhận việc dựa vào Trung Quốc trong gây sức ép với Triều Tiên không hẳn dễ dàng, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang gây sức ép với Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán thương mại và khi đó có khả năng là Nga sẽ phải nhảy vào cuộc.
Những bình luận trên của Bolton được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui hôm 15/3 khẳng định Chính quyền Trump đã tạo ra một "bầu không khí thù địch và mất lòng tin" trong các cuộc đàm phán hạt nhân, đồng thời đe dọa nước này sẽ tiếp tục các vụ thử hạt nhân và tên lửa sau khi đã “kiềm chế” những hoạt động này trong hơn một năm qua.
Đài BBC đêm 17/3 dẫn lời bà Choe nói rằng Mỹ đã ném đi một "cơ hội vàng" tại thượng đỉnh Hà Nội khi tái khẳng định rằng Bình Nhưỡng yêu cầu Mỹ gỡ bỏ 5 biện pháp trừng phạt chứ không phải tất cả. Bà Choe nói tại Bình Nhưỡng, ông Kim chuẩn bị đưa ra thông báo chính thức về lập trường của mình liên quan đến các cuộc đàm phán trong tương lai với Mỹ.
Một cuộc gặp Mỹ-Triều lần 3 rất có thể sẽ xảy ra. |
Theo Thông tấn xã TASS của Nga, bà nói với các phóng viên ở Triều Tiên: “Chúng tôi không có ý định nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào, chúng tôi cũng không sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán kiểu này”.
Hãng tin AP dẫn lời bà Choe cáo buộc Mỹ có lập trường “giống như xã hội đen”. Điều đáng chú ý, bà Choe Sun-hui vẫn ca ngợi mối quan hệ cá nhân giữa Kim và Trump. Thay vào đó, bà đổ lỗi cho Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton vì đã làm cho lập trường của Mỹ trở nên cứng rắn hơn.
Phóng viên BBC tại Seoul Laure Bicker nhận định rằng cánh cửa ngoại giao vẫn mở. Có thể chiến thuật của Triều Tiên khi đưa ra những bình luận trên là để mong Mỹ sẽ có phản ứng giận dữ. Bình Nhưỡng nhận thức được Trump đã khoe khoang về khả năng khiến ông Kim ngừng phóng tên lửa và ngừng thử hạt nhân.
Sau khi hai nhà lãnh đạo không đưa ra được một thỏa thuận chung nào tại thượng đỉnh ở Hà Nội và các biện pháp trừng phạt kinh tế vẫn còn đó, Triều Tiên có thể đang cố gắng để đưa ông Trump trở lại bàn đàm phán với một thỏa thuận tốt hơn
Advertisement
Advertisement