25/12/2023 15:51
Mách mẹ liều dùng paracetamol an toàn cho trẻ em
Paracetamol là thuốc hạ sốt giảm đau khá phổ biến, được dùng cho cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, liều Paracetamol cho trẻ em theo cân nặng không đơn giản luôn là 10 - 15 mg/kg cho tất cả các trường hợp như ba mẹ thường nghĩ.
Paracetamol là thuốc gì?
Paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt thường dùng cho người lớn và trẻ em trong các trường hợp như đau đầu, đau răng, trẻ bị sốt do viêm, sốt virus.
Paracetamol giúp làm giảm thân nhiệt ở người đang bị sốt, hiếm khi làm giảm thân nhiệt ở người đang bình thường. Với liều điều trị, Paracetamol ít gây tác động đến hệ tim mạch, hô hấp, không gây loét hoặc chảy máu dạ dày như khi dùng aspirin.
- Paracetamol có thể điều trị các cơn đau bao gồm: đau đầu, đau nửa đầu, đau đầu do căng thẳng, đau dữ dội ở dây thần kinh, đau lưng, đau răng, đau họng, đau khi tời kỳ kinh nguyệt.
- Giảm triệu chứng đau do bong gân, căng thẳng, đau do thấp khớp, đau thắt lưng và đau chân, đau cơ, đau nhức cơ bắp, sưng khớp và cứng khớp.
- Thuốc Paracetamol giảm đau trong bệnh viêm khớp nhẹ nhưng không có tác dụng đối với tình trạng viêm và sưng cơ bản của khớp.
Paracetamol có sẵn dưới dạng nào?
Viên nén: 100mg, 120mg, 500mg
Viên sủi: 500mg
Viên nhai: 120mg
Thuốc dạng dung dịch: 120mg/5ml, 250mg/5ml
Thuốc dạng bột/cốm pha uống: 80mg, 150mg, 250mg
Thuốc dạng đặt hậu môn: 80mg, 150mg, 300mg
Các loại Paracetamol thường được sử dụng cho trẻ. Ảnh: Cungcau
Liều dùng Paracetamol thông thường cho trẻ em
Paracetamol là một thuốc hạ sốt không cần kê đơn, người dùng có thể mua thuốc tại hiệu thuốc mà không bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ.
Thế nhưng, điều này không có nghĩa là thuốc vô hại hay có thể dùng thoải mái. Bất kỳ loại thuốc nào, nếu sử dụng quá liều đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với người lớn, liều Paracetamol tối đa không được phép lớn hơn 4g/ngày.
Khi trẻ có dấu hiệu sốt (từ 38°C trở lên) hoặc đau, bạn có thể sử dụng paracetamol để làm giảm thân nhiệt và bớt khó chịu.
Với trẻ em, liều sử dụng paracetamol sẽ được tính dựa trên số cân nặng của trẻ. Liều dùng khuyến cáo cho trẻ em là từ 10-15mg/kg cách mỗi 4 giờ và không quá 4 lần/ngày.
Như vậy, nếu trẻ nặng 34 kg thì có thể dùng liều paracetamol 500mg nhưng lưu ý quan trọng ở đây là nếu trẻ nặng dưới 32,6kg thì chưa nên cho trẻ sử dụng paracetamol ở liều 500mg.
Cách sử dụng của từng chế phẩm
- Viên nén: nên được nuốt với một ly nước, sữa hoặc nước trái cây. Không nên nhai viên thuốc.
- Viên sủi: hoà tan hoàn toàn viên thuốc trong khoảng 150-200ml nước trước khi uống. Không nên bẻ viên sủi.
- Viên nhai: hướng dẫn trẻ nhai viên thuốc trước khi nuốt. Không nên nuốt viên thuốc nguyên vẹn.
- Thuốc dạng dung dịch: sử dụng dụng cụ phân liều như thìa hoặc cốc có chia vạch, xy-lanh. Nếu không có dụng cụ chia liều chính xác, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn cách sử dụng chính xác, không đùng thìa hoặc cốc thông thường.
- Thuốc dạng bột pha uống: khuấy đều trong một lượng nước vừa đủ và uống ngay sau khi pha.
- Thuốc dạng đặt hậu môn: là thuốc được bào chế để tan chảy ở nhiệt độ cơ thể trong trực tràng, không được uống viên đặt hậu môn.
Để sử dụng thuốc cho trẻ cần thực hiện các bước:
1. Ba mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước và sau khi dùng thuốc cho trẻ. Nên cho trẻ đi vệ sinh trước khi đặt thuốc.
2. Đặt trẻ nằm nghiêng một bên gập gối vào bụng. Nhẹ nhàng đưa viên thuốc vào hậu môn trẻ, lưu ý đưa đầu nhỏ của viên thuốc vào trước.
3. Sau đó khép và giữ 2 nếp mông trẻ trong khoảng 2-3 phút, giữ trẻ nằm yên trong vòng 10 phút để tránh viên thuốc không rơi ra ngoài.
Nếu viên thuốc bị mềm, có thể để viên thuốc trong ngăn mát tủ lạnh để viên thuốc rắn lại, dễ đút vào hậu môn của bé hơn.
Làm gì nếu trẻ bị nôn hoặc đi vệ sinh sau khi đặt thuốc?
Đối với thuốc uống:
- Nếu trẻ nôn hết hoàn toàn lượng thuốc ngay sau khi uống, hãy cho trẻ uống lại liều tương tự.
- Nếu trẻ bị nôn trên 30 phút, bạn không cần cho trẻ uống thêm một liều nữa. Chờ cho đến liều bình thường tiếp theo.
- Liên hệ bác sĩ/dược sĩ để được tư vấn nếu bạn không chắc chắn về lượng thuốc bị nôn hoặc thời điểm nôn sau khi uống.
Đối với thuốc đặt:
- Nếu trẻ đi đại tiện sau khi đặt thuốc dưới 30 phút, hãy cho trẻ dùng lại liều tương tự.
- Nếu trẻ đi đại tiện sau khi đặt thuốc trên 30 phút, bạn không cần cho trẻ uống thêm một liều nữa. Chờ cho đến liều bình thường tiếp theo.
Một số tác dụng phụ của Paracetamol
Nhìn chung, Paracetamol an toàn khi sử dụng đúng liều phù hợp.
Nhưng nếu sử dụng thuốc quá liều có thể gây độc tính trên gan không hồi phục nếu không cấp cứu kịp thời. Do đó, bạn phải tuân thủ đúng theo các hướng dẫn của bác sĩ hoặc hướng dẫn sử dụng sản phẩm.
Ngoài ra, khi sử dụng Paracetamol có thể gây một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng như: phát ban, nổi mẩn da, sưng mặt, sưng môi, sưng lưỡi, sưng họng, khó thở. Nếu gặp các triệu chứng trên, nên ngừng thuốc và thông báo với bác sĩ.
Để xa tầm với của trẻ em và có thể ghi lại thời gian sử dụng từng liều thuốc để đảm bảo bạn không cho quá liều.
(Nguồn tham khảo: Dược thư Quốc gia Việt Nam)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp